Thursday, April 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNghiên cứu Việt NamIndonesia trong chiến thuật “vùng xám” của TQ

Indonesia trong chiến thuật “vùng xám” của TQ

Nhằm thúc đẩy tham vọng xây dựng cường quốc biển tiến tới thống trị các đại dương, Trung Quốc đang ráo riết áp đặt các chiến thuật “vùng xám” trên các vùng biển, trước hết là ở Biển Đông, eo biển Đài Loan và biển Hoa Đông bằng việc sử dụng lực lượng dân sự và bán quân sự để thực hiện các hành vi xâm lấn mà không tạo ra một cuộc xung đột toàn diện, trong đó khu vực Biển Bắc Natuna của Indonesia cũng không phải là ngoại lệ. Trung Quốc theo đuổi các mục tiêu này với nhận thức rằng Indonesia sẽ không thể đáp trả một cách thích đáng.

Từ năm 2019 đến đầu 2020 đã chứng kiến các tàu cá của Trung Quốc, với sự hậu thuẫn của lực lượng tuần duyên và dân quân hàng hải, xâm nhập vào Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia. Các quan chức thực thi pháp luật hàng hải của Indonesia khẳng định những cuộc xâm nhập này đã diễn ra liên tục sau đó, dù chúng ít được công bố hơn. Trung Quốc đã tăng cường chiến dịch này vào tháng 8/2021 khi một tàu khảo sát của Trung Quốc đã dành 7 tuần để vẽ bản đồ đáy biển trong khu vực EEZ của Indonesia. Jakarta đã tương đối im lặng về vấn đề này mặc dù có tới 9 tàu tuần tra của hải quân và tàu tuần duyên Indonesia theo dõi sự xâm lấn này dưới mệnh lệnh rõ ràng là không can thiệp. Giới học giả cho rằng Trung Quốc đã vượt qua “lằn ranh đỏ” của Indonesia một cách rõ ràng khi yêu cầu Indonesia ngừng khoan dầu trong khu vực.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Tổng thống Indonesia Joko Widodo

Trung Quốc cho rằng họ có “những quyền lợi hàng hải bị chồng chéo” với Indonesia, theo cách hiểu của họ về một “nhận thức chung không chính thức” đạt được với Jakarta về lãnh thổ hàng hải trong những năm 1990. Nhưng hành vi của Bắc Kinh không nhằm mục đích gây ra một tranh chấp pháp lý, thay vào đó nó là một nỗ lực chiến lược từng bước để khiến Jakarta vô tình hoặc mặc nhiên công nhận các quyền hàng hải của Trung Quốc. Giờ đây, khi Trung Quốc kiểm soát các khu vực chiến lược quan trọng ở Biển Đông, họ cảm thấy tự tin hơn trong việc vượt qua những giới hạn.

Các cường quốc bá quyền được cho là sẽ mở rộng lãnh thổ cho đến chừng nào họ không thể chiếm thêm bất kỳ lãnh thổ nào nữa hoặc đối mặt với sự kháng cự quá lớn – nhưng Indonesia đã tỏ ra mềm yếu trong việc đẩy lùi sức ảnh hưởng của Trung Quốc. Phản ứng ngoại giao của nước này đối với vụ việc rất mờ nhạt, ngay cả khi các quan chức khăng khăng cho rằng họ đã kín đáo bày tỏ sự bất bình của mình. Phản ứng an ninh của nước này cũng lộn xộn, không nhất quán và chỉ mang tính biểu tượng. Chắc chắn không có phản ứng kinh tế hoặc chính trị mạnh mẽ nào từ Jakarta.

Các nhà hoạch định chính sách Indonesia hiện chưa có nhận thức rõ ràng về mục đích phản đối Trung Quốc. Một số người tin rằng việc khiến Trung Quốc từ bỏ yêu sách “Đường 9 đoạn” đối với Biển Đông là một mục tiêu có thể đạt được. Những người khác như Tổng thống Indonesia Joko Widodo chọn cách giải quyết khủng hoảng hơn là ngăn ngừa để tránh ảnh hưởng đến các chiến lược trong nước của ông. Nhiều người tin rằng hành vi của Trung Quốc chỉ là vấn đề về việc thực thi pháp luật, chứ không phải là một vấn đề về chiến lược.

Sự thiếu rõ ràng này là dấu hiệu đầu tiên của một thất bại chiến lược. Thay vì theo đuổi một mục tiêu rõ ràng và có thể đạt được là ngăn chặn các cuộc xâm nhập bất hợp pháp của Trung Quốc vào Biển Bắc Natuna, các nhà hoạch định chính sách Indonesia lại lựa chọn một phản ứng nhạt nhòa. Những hành động vô nghĩa này, chẳng hạn như tổ chức cuộc họp nội các trên tàu chiến, có thể thể hiện cho người dân trong nước thấy rằng họ đang “khẳng định mạnh mẽ” chủ quyền của Indonesia.

Cách tư duy như vậy một phần là do các nhà hoạch định chính sách Indonesia khăng khăng rằng nước này không liên quan tới các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Indonesia có một mối quan hệ song phương mạnh mẽ với Trung Quốc và vị thế của nước này ở Biển Đông được công nhận một cách hợp pháp theo luật pháp quốc tế. Điều này có nghĩa là các nhà hoạch định chính sách Indonesia có xu hướng coi việc xâm nhập “vùng xám” là các vấn đề thực thi pháp luật hàng hải ngắn hạn, thay vì là một ván cờ chiến lược rộng lớn hơn của Trung Quốc.

Sự thiếu rõ ràng cũng kéo theo tình trạng thiếu đi sự gắn kết chiến lược cần thiết để kết hợp hàng loạt công cụ ngoại giao, quân sự và kinh tế thành một phản ứng toàn diện chống lại sự xâm lấn của Trung Quốc. Thay vào đó, Indonesia đã ngăn chặn vấn đề bằng cách tách quan hệ song phương với Trung Quốc khỏi vấn đề Biển Bắc Natuna, tranh chấp trên Biển Đông và việc theo đuổi quyền lực để đạt được an ninh của Trung Quốc. Cách tiếp cận này bề ngoài có vẻ là hợp lý nếu xét trên tính chất phức tạp của những vấn đề đó và thực tế rằng Trung Quốc là vấn đề gây chia rẽ nội bộ nhiều nhất trong chính sách đối ngoại hiện nay.

Giới thượng lưu Indonesia cũng ngày càng phụ thuộc vào các lợi ích cá nhân và hàng hóa công mà Trung Quốc cung cấp, đặc biệt là những lợi ích trong thời kỳ đại dịch. Tuy nhiên, trong bối cảnh họ ngày càng lo ngại về thái độ hoài nghi của công chúng đối với các giao dịch với Trung Quốc, chính sách chiến lược của Indonesia trở nên kém minh bạch hơn. Chiến lược “vùng xám” của Trung Quốc đã thành công khi Indonesia thiếu sự minh bạch. Các nhà hoạch định chính sách dường như không thể hình dung được phạm vi của các lựa chọn giữa việc “bỏ cuộc” lặng lẽ hay là đấu tranh trong vấn đề đánh bắt.

Những thiếu sót này giải thích sự thất bại của Jakarta trong việc đưa ra một phản ứng có ý nghĩa đối với chiến thuật “vùng xám” của Bắc Kinh. Các nhà hoạch định chính sách Indonesia vẫn chưa nghiêm túc xem xét các lựa chọn khác nhau, chẳng hạn như thành lập các cơ chế tiểu đa phương về hàng hải hoặc cân nhắc các dự án trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Nhưng nếu Widodo không quan tâm đến việc thúc đẩy một phản ứng chiến lược chung, thì mỗi bên liên quan – từ lực lượng hải quân và tuần duyên cho đến bộ ngoại giao – sẽ phát triển các kế hoạch hành động riêng của mình.

Một phản ứng lý tưởng sẽ bao gồm việc các nhà hoạch định chính sách Indonesia nêu rõ mục tiêu có thể đạt được là đẩy lùi Trung Quốc ở Biển Bắc Natuna. Với các mục tiêu cụ thể, Indonesia có thể xác định rõ hơn các công cụ thích hợp để đạt được chúng. Nhưng quan trọng hơn, Indonesia cần phải tích hợp – chứ không chỉ phối hợp – những công cụ của năng lực quản lý này để đưa ra phản ứng hợp lý. 

Những kết quả mong muốn này sẽ khó có thể đạt được trong tương lai gần. Các cuộc “chạm trán” và “khủng hoảng” trên biển giữa Indonesia và Trung Quốc rồi sẽ tái diễn. Sự xâm nhập dần dần của Trung Quốc sẽ tiếp tục ngay cả khi Indonesia tuyên bố chiến thắng trong mỗi trường hợp cụ thể. Thành công của Trung Quốc trong chiến thuật “vùng xám” nằm ở sự ảo tưởng chiến lược mà Indonesia duy trì.

Giới phân tích lý giải cách ứng xử của Indonesia đối với chiến lược “vùng xám” của Bắc Kinh tỏ ra yếu thế bởi nền kinh tế hiện nay của Indonesia đang phụ thuộc quá lớn vào Trung Quốc như:

Một là, Indonesia tham gia quá sâu vào Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) của Bắc Kinh. Trung Quốc hiện đang xây dựng nhà máy thủy điện lớn nhất Indonesia trị giá 17 tỷ USD ở Borneo – một dự án cơ sở hạ tầng đặc trưng trong khuôn khổ BRI của Trung Quốc ở Indonesia; tuyến đường sắt Jakarta-Bandung, có thể được hoàn thành vào đầu năm tới. Nhiều dự án cơ sở hạ tầng khác cũng nằm trong chương trình nghị sự hợp tác kinh tế song phương.

Hai là, Trung Quốc cũng là đối tác thương mại số 1 của Indonesia, với các mối quan hệ được thiết lập để phát triển hơn nữa sau khi Quốc hội Indonesia phê chuẩn Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực vào tháng trước. Trong bối cảnh đại dịch, Trung Quốc đã cung cấp cho Indonesia các loại vaccine rất cần thiết và trở thành nhà cung cấp thiết bị bảo hộ cá nhân chính cho Indonesia. Hình ảnh ông Widodo tiêm vaccine với thương hiệu Sinovac của Trung Quốc nổi bật trên kênh truyền hình trực tiếp như một cách lan tỏa sự tin tưởng đối với công chúng Indonesia. 

Sự nhún nhường của Jakarta đối với Bắc Kinh còn thể hiện qua chuyến thăm của Tổng thống Indonesia Widodo tới Trung Quốc hồi cuối tháng 7 vừa rồi, nơi Tổng thống Widodo đã có các cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường. Tuyên bố chung kết thúc chuyến thăm nhấn mạnh 2 nhà lãnh đạo đã đạt được “sự đồng thuận quan trọng” trong việc thảo luận về “một loạt vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm”; nêu rõ Indonesia sẵn sàng làm việc với Trung Quốc để “đảm bảo hòa bình và ổn định thông qua đối thoại và ngoại giao”, đồng thời lưu ý rằng ông Joko Widodo và ông Tập Cận Bình đã chỉ đạo các bộ trưởng ngoại giao của họ thảo luận về các yếu tố và nguyên tắc của mục tiêu này. Chuyến công du của ông Widodo đến Trung Quốc một lần nữa cho thấy chính phủ dân sự của Indonesia tiếp tục coi Bắc Kinh là đối tác quan trọng trong chương trình phát triển kinh tế. Giới phân tích nhận định nếu Indónesia không từng bước hạn chế sự phụ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế thì họ khó có thể kiên quyết đấu tranh với những hành động xâm lấn hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông mà sẽ ngày càng chìm sâu vào chiến thuật “vùng xám” của Bắc Kinh. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới lợi ích của Indonesia ở Biển Đông mà còn gây hệ lụy xấu với cục diện dựa trên pháp luật ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới