BienDong.Net: Sau gần 1 tháng làm đê vây, hút thổi cát, các chuyên gia khai quật theo phương pháp như trên cạn đã làm lộ diện con tàu cổ chìm ở vùng biển Bình Châu, Quảng Ngãi từ cách đây khoảng 700 năm.
Phần đuôi và mũi tàu cổ phát lộ với những phiến gỗ dày màu đen. Bên mạn tàu dính nhiều mảnh gốm cháy đen nham nhở.
Phương pháp khai quật tàu đắm như trên cạn (ảnh Đất Việt)
Hiện vật khai quật khá đa dạng, gồm đồ tráng men nâu, ngọc, ánh trăng, men lam… “Hoa văn trên hiện vật được vẽ ngược chiều, mang đậm đặc trưng của dòng gốm niên đại cuối thời Nguyên (Trung Quốc) thế kỷ 14”. Ngoài ra, các nhà khảo cổ thống kê có khoảng 19 loại tiền xu khác nhau, là loại tiền đồng mặt tròn lỗ vuông.
PGS.TS Nguyễn Đình Chiến, Phó giám đốc Bảo tàng lịch sử Việt Nam nhận định, tàu cổ từng vận chuyển hàng hóa gốm sứ đi trên “con đường tơ lụa “, gặp hỏa hoạn nên bị chìm ở vùng biển gần bờ.
Xác tàu cổ lộ diện sau gần 700 năm chìm dưới đáy biển Bình Châu. (Ảnh: Trí Tín).
Tàu làm bằng chất liệu gỗ tốt với từng phiến dày. “Căn cứ vào những vết cháy đen trên hiện vật gốm sứ, rõ ràng con tàu bị chìm do hỏa hoạn. Nguyên nhân cháy có thể do sự cố ngẫu nhiên hoặc gặp cướp biển và điều này cần tiếp tục nghiên cứu”, ông Chiến nói.
Con tàu còn nguyên vẹn bánh lái, đáy và be tàu còn nguyên khối, có niên đại sớm hơn nhiều so với các con tàu đắm từng được phát hiện ở vùng biển Việt Nam và ẩn chứa nhiều điều bí ẩn gây kinh ngạc cho giới nghiên cứu, khảo cổ học, ông Đoàn Ngọc Khôi, phó giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi nhận định.
Cũng theo ông Khôi, con tàu này dài gần 25m, đáy tàu rộng 5m nhưng bề ngang bên trên rộng khoảng 9m bị chìm theo phương thẳng đứng. Công ty TNHH Đoàn Ánh Dương đã hoàn tất khai quật “kho cổ vật” bên trong lòng con tàu và đang huy động đội ngũ thợ lặn tiếp tục trục vớt cổ vật trong phạm vi 600 m2 xung quanh con tàu đắm. Dự kiến đến ngày 15.7, việc khai quật khảo cổ học ở vùng biển Bình Châu sẽ kết thúc.
Các chuyên gia vui mừng khi cổ vật còn nguyên vẹn (ảnh Đất Việt)
Cuộc khai quật khảo cổ học tàu đắm Bình Châu là cuộc khai quật con tàu cổ thứ 6 trong vùng biển Việt Nam và việc khai quật theo phương pháp như trên cạn là hiện tượng chưa từng có trong khai quật khảo cổ học dưới nước. Kết quả khai quật lần này góp phần quan trọng vào việc nghiên cứu con đường tơ lụa trên Biển Đông, lịch sử thương mại, kĩ thuật đóng tàu thuyền từ nhiều thế kỉ trước”, TS Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và du lịch Quảng Ngãi nhận định.
Trong khi đó, TS Nguyễn Việt, giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á cho rằng đây là lần đầu tiên ở Châu Á, một con tàu cổ được phát hiện còn nguyên vẹn cụm bánh lái hiếm hoi. Con tàu cổ này bị chìm ở vùng biển này chứng tỏ xưa kia nơi đây là điểm giao thương sầm uất, giữ vai trò thương mại quan trọng của khu vực Châu Á”, TS Việt khẳng định.
Cũng theo TS Việt, phương pháp đóng thuyền buồm như con tàu cổ bị đắm tại Bình Châu cần được nghiên cứu kỹ, bởi thông qua kết cấu gỗ và thân tàu cho thấy kỹ thuật đóng tàu ở thời kỳ này khá phát triển, địa điểm đóng con tàu này phải là vùng có nhiều loại gỗ quý’ TS Nguyễn Việt khẳng định.
Tiền xu tìm được trong xác tàu đắm (ảnh Vnexpress)
Ông Đoàn Sung, đại diện Công ty TNHH Đoàn Ánh Dương đơn vị trúng thầu khai quật con tàu chia sẻ, so với nhiều đợt khảo sát, khai quật các con tàu đắm ở các vùng biển trong cả nước, con tàu chứa cổ vật ở Bình Châu có giá trị rất lớn. “Sau khi các chuyên gia xử lý xong, chúng tôi sẽ trưng bày cổ vật phục vụ khách tham quan. Còn xác con tàu sẽ được khoanh vùng, bảo tồn tại vùng biển Bình Châu kết nối với tour lặn biển tạo điều kiện việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương với loại hình dịch vụ, du lịch sinh thái biển”.
BDN (Theo Vnexpress và Đất Việt)