Sunday, December 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTrung Quốc đồng ý khởi động đàm phán COC - Dư luận...

Trung Quốc đồng ý khởi động đàm phán COC – Dư luận vẫn hồ nghi

BienDong.Net: Sau nhiều trì hoãn, rốt cục Trung Quốc đã chấp thuận khởi động đàm phán với các nước ASEAN về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Thông tin này đã được Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc xác nhận tại hội nghị ASEAN+3.

Tuyên bố chấp thuận của Trung Quốc được Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp phía Thái Lan Surapong Tovichakchaikul thông báo trong một buổi họp báo chung hôm 30.6, sau một cuộc họp cấp Bộ trưởng giữa các nước ASEAN và Trung Quốc, trong đó ông Vương khẳng định Trung Quốc sẵn sàng làm việc với ASEAN để loại bỏ bất kỳ “sự nhiễu loạn” hay “trở ngại” nào trong quá trình hợp tác về COC.

alt

 

Vương Nghị, Ngoại trưởng Trung Quốc tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN+3 tại Brunei (Ảnh Internet)

Từ trước đến nay Trung Quốc vẫn e ngại trong việc ký kết một thỏa thuận có tính ràng buộc pháp lý, để điều chỉnh hành động của các quốc gia trong vùng nước có tranh chấp trên Biển Đông.

Các ngoại trưởng Trung Quốc và ASEAN cũng đã ra tuyên bố chung, trong đó cam kết “tiến tới việc ký kết bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) trên cơ sở đồng thuận”. Tuyên bố cho rằng các lãnh đạo Trung Quốc và ASEAN có “quyết tâm và năng lực để biến Biển Đông thành một khu vực của hòa bình, hữu nghị và hợp tác”.

Tháng 9 tới, Trung Quốc sẽ đăng cai phiên họp các quan chức cấp cao để chính thức bàn thảo về COC. Theo đánh giá của Ngoại trưởng Thái Lan Surapong Tovichakchaikul, động thái này của Trung Quốc là “rất đáng hoan nghênh và có một dấu ấn quan trọng trong việc tiến tới một Biển Đông yên bình”.

Mặc dù thông cáo chung thể hiện sự đồng thuân giữa các nước thành viên về vấn đề giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, song hội nghị đã chứng kiến những căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc khi bên lề cuộc họp, đáp lại lời lẽ của tờ Nhân Dân nhật báo Trung Quốc dọa rằng một cuộc “phản công” là “không thể tránh khỏi” nếu Philippines tiếp tục khiêu khích, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Abert F Del Rosario nói: “Chúng tôi lên án bất kỳ đe dọa sử dụng vũ lực nào và chúng tôi sẽ tiếp tục theo đuổi hòa giải một cách hòa bình”.

Ông Rosario bày tỏ mối lo ngại sâu sắc trước việc tăng cường quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông, đồng thời gọi sự hiện diện lớn của tàu quân sự và bán quân sự của Trung Quốc ở khu vực tranh chấp Scarborough/Hoàng Nham và Bãi Cỏ Mây là đe dọa đến việc duy trì hòa bình và ổn định hàng hải ở khu vực. “Đây là vi phạm Tuyên bố về cách ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC), ông nói.

Sau động thái phản công của Philippines bên lề Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN đối với những cáo buộc của tờ Nhân Dân nhật báo Trung Quốc hôm 29.6, sáng 1.7, tờ Nhân Dân nhật báo tiếp tục đăng bài chỉ trích Philippines làm “rối loạn ASEAN” về vấn đề Biển Đông, đồng thời kết tội “Philippines rải truyền đơn về vấn đề Biển Đông tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN” khi một số nhân viên Bộ Ngoại giao Philippines đã phát thông cáo báo chí của nước mình cho những ai có mặt trong trung tâm Hội nghị mà không báo trước với ban tổ chức nước chủ nhà Brunei.

Bài báo còn nêu ra “7 trọng tội” mà Philippines đã phạm phải liên quan đến TQ trong vấn đề Biển Đông, thậm chí giễu cợt các hoạt động của Philippines giống như “trẻ con tưởng mình khóc lóc ăn vạ là có sữa uống”!

Và để kết thúc, Nhân Dân nhật báo miêu tả thái độ của Trung Quốc tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN như một thiện chí, nhượng bộ khi chấp nhận “tham vấn” với ASEAN về COC.

Dư luận cho rằng cho dù Trung Quốc chấp nhận khởi động đàm phán về COC thì chặng đường phía trước vẫn còn khá dài, và phải tiếp tục chờ xem hành động của Bắc Kinh ra sao.

Nhiều học giả quốc tế trước đó cũng đã nhận định Trung Quốc chỉ tìm kế hoãn binh đối với COC và khó có khả năng đạt được kết quả thực sự trong thời gian ngắn hạn.

Giới phân tích cho rằng Trung Quốc luôn tỏ ra không vội vã trong việc đề xướng những cuộc thảo luận quan trọng về bộ quy tắc. Ngược lại, họ rất chú tâm gia cố những tuyên bố chủ quyền trên biển thông qua sức mạnh hải quân vượt trội của họ so với các nước ASEAN.

Ian Storey, một thành viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, nhận định rằng các cuộc nói chuyện là một dấu hiệu khích lệ, nó cho thấy cuối cùng thì Trung Quốc cũng sẵn sàng thảo luận về bộ quy tắc với ASEAN. Tuy nhiên, ông không cho rằng đó là bước đi quan trọng hướng về tương lai. “Dựa vào sự thiếu nhiệt tình rõ ràng của Trung Quốc đối với một bộ quy tắc chính thức và hiệu quả, các nhà thương thuyết Trung Quốc có thể kéo dài những cuộc thương thảo càng lâu càng tốt”, ông suy luận. Ông còn lưu ý Trung Quốc cũng có thể làm việc để bảo đảm thỏa thuận cuối cùng không ngăn cản nước này khẳng định các yêu sách về lãnh thổ.

Đài Tiếng nói nước Nga dẫn lời chuyên gia Dmitry Mosyakov, Giám đốc Trung tâm Đông Nam Á, Australia và Châu Đại Dương thuộc Viện Phương Đông nhấn mạnh: “Các cuộc thảo luận về COC chỉ là công tác tuyên truyền để hiển thị hoạt động ngoại giao và mối quan tâm đến an ninh ở Biển Đông và khu vực Đông Nam Á. Còn trên thực tế, tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc đang biến thành sự kiểm soát thực tế ở các vùng lãnh thổ mà Bắc Kinh coi là của mình. Các tàu tuần tra Trung Quốc tấn công các tàu thuyền đánh cá Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa. Trung Quốc gửi quân vào khu vực bãi ngầm Scarborough tranh chấp với Philippines để ngăn chặn các tàu đánh cá Philippines. Trung Quốc đang xây dựng những thị trấn mới trên các đảo tranh chấp và thu hút công ty nước ngoài thăm dò trữ lượng dầu khí ở vùng biển tranh chấp”. Theo ông, những sự kiện trên phù hợp với logic mở rộng lãnh thổ của Trung Quốc.

Đồng tình với quan điểm của ông Mosyakov, chuyên gia Evgeny Kanaev của Trung tâm Nghiên cứu Châu Á – Thái Bình Dương thuộc Viện IMEMO bình luận: Các cuộc tranh luận về COC chỉ là những tuyên bố chính trị khi Bắc Kinh nhận rõ “việc thảo ra bộ luật có giá trị ràng buộc (COC) bao gồm cơ chế giải quyết các cuộc xung đột không phục vụ cho lợi ích của Trung Quốc”.

BDN (Nguồn: Đất Việt, NLD, GDVN và Kienthuc.Net.vn)

RELATED ARTICLES

Tin mới