Monday, December 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTRUNG QUỐC BỊ LÊN ÁN MẠNH TẠI HỘI THẢO “KIỂM SOÁT CĂNG...

TRUNG QUỐC BỊ LÊN ÁN MẠNH TẠI HỘI THẢO “KIỂM SOÁT CĂNG THẲNG Ở BIỂN ĐÔNG” CỦA CSIS

BienDong.Net: Với việc thi hành chính sách cứng rắn trên Biển Đông, Trung Quốc đã bị phê phán mạnh mẽ tại Hội thảo quốc tế với chủ đề “Kiểm soát căng thẳng ở Biển Đông” Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược quốc tế Mỹ (CSIS) tổ chức tại Washington DC, Mỹ trong 2 ngày 5 – 6/6/2013.

Đây là lần thứ 3 Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược quốc tế Mỹ đứng ra tổ chức Hội thảo quốc tế chuyên đề về Biển Đông.

Tham dự Hội thảo lần này có 20 diễn giả của Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, Philippines, Singapore, Indonesia, Việt Nam và gần 200 quan chức, học giả, chuyên gia, nhà nghiên cứu quốc tế…. Hội thảo tập trung vào 5 chủ đề chính: (i) tầm quan trọng của Biển Đông; (ii) những phát triển gần đây ở Biển Đông; (iii) Biển Đông và chính trị khu vực; (iv) vai trò của luật pháp quốc tế trong quản lý tranh chấp; (v) các kiến nghị chính sách nhằm kiểm soát căng thẳng ở Biển Đông.

Ông Gregory Poling, học giả của CSIS, mở đầu chương trình hội thảo bằng bài thuyết trình có chủ đề “Xác định các giới hạn của tranh chấp Biển Đông”. Trong bài phát biểu của mình, ông Gregory Poling cho rằng hiện các nước đòi chủ quyền trên Biển Đông vẫn chưa làm rõ một số điểm trong các đòi hỏi chủ quyền của mình theo đúng Công ước quốc tế về Luật Biển. Đây là nguyên nhân chính làm cho tình hình Biển Đông căng thẳng, đồng thời kêu gọi các bên tranh chấp nhất là Trung Quốc làm rõ yêu sách của mình theo luật pháp quốc tế để có thể xác định khu vực tranh chấp thực sự, tạo cơ sở cho các hoạt động hợp tác. Ông Murray Hiebert, Phó giám đốc trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á thuộc CSIS nhận định, Trung Quốc là nước có các hành động dữ dội nhất trong thời gian qua liên quan đến việc bảo vệ nguồn cá.

Các ý kiến tại Hội thảo cho rằng do Biển Đông có vị trí đặc biệt quan trọng trong việc triển khai chiến lược xây dựng cường quốc biển của Trung Quốc nên Trung Quốc đã thi hành một chính sách không khoan nhượng và ngày càng lấn tới ở Biển Đông. Trong quá trình triển khai ý đồ chiến lược của mình ở Biển Đông, Trung Quốc coi sự hiện diện của Mỹ tại Biển Đông là mối “đe doạ” của Trung Quốc do vậy mà Trung Quốc luôn phản đối quốc tế hoá vấn đề Biển Đông, phản đối sự can dự của Mỹ vào các tranh chấp ở Biển Đông. Tuy nhiên, các ý kiến tại Hội thảo cũng cho rằng chính những hành động “bắt nạt” các nước láng giềng của Trung Quốc là điều kiện thuận lợi để Mỹ có thể đóng góp vai trò rộng lớn hơn trong vấn đề Biển Đông. Các ý kiến cũng cho rằng sự hiện diện của Mỹ ở Biển Đông là nhân tố không thể thiếu được cho việc duy trì hoà bình ổn định ở Biển Đông. Mỹ có thể là chỗ dựa cho các nước ven Biển Đông để chống lại chính sách “cá lớn bắt nạt cá bé” của Trung Quốc đối với các nước láng giềng.

Đáp lại ý kiến của các học giả tại Hội thảo và trước những hành động ngày càng leo thang của Trung Quốc ở Biển Đông, Quyền trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách khu vực Châu Á – Thái Bình Dương Joe Yun đã có bài phát biểu với những lời lẽ khá mạnh mẽ nêu rõ quan điểm của Mỹ trên vấn đề Biển Đông. Ông Joe Yun nhấn mạnh mối quan tâm hàng đầu của Washington là tự do hàng hải, khi 50% tổng lượng hàng hóa trên thế giới được trung chuyển qua khu vực Biển Đông và cần được bảo vệ. Quan tâm thứ 2 của Mỹ là đảm bảo hoạt động khai thác hợp pháp những nguồn tài nguyên trên Biển Đông của các công ty, trong đó có các công ty Mỹ. Ông Joe Yun nhấn mạnh Mỹ phản đối mọi hành động đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng tại Biển Đông trong bối cảnh nhiều quốc gia đang tuyên bố chủ quyền tại khu vực này; không nước nào được sử dụng các biện pháp ép buộc, đe dọa, đặc biệt là dùng vũ lực để thực thi tuyên bố chủ quyền, Thay vào đó, các bên cần sử dụng các biện pháp hòa bình như thương lượng ngoại giao hoặc thông qua nước trung gian thứ 3, hoặc phân xử của trọng tài quốc tế. Trong trường hợp có tranh chấp giữa 2 quốc gia, nếu một bên quyết định sử dụng công cụ pháp lý thì bên kia không được đe dọa, ngăn cản đối phương đưa tranh chấp ra trọng tài quốc tế”. Rõ ràng ông Joe Yun đang ám chỉ đến những hành động gần đây của Trung Quốc gây sức ép đòi Philippines rút đơn kiện, trong đó có việc đưa tàu chấp pháp và tàu quân sự của Trung Quốc đến khống chế khu vực bãi Cỏ Mây, nơi đang có tàu quân sự của Philippines trú ngụ từ năm 1999.

Quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ nói những căng thẳng hiện nay cho thấy tầm quan trọng của pháp quyền cũng như cách tiếp cận hợp lý của các bên. Đây cũng chính là lý do Mỹ ủng hộ Trung Quốc và ASEAN đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Theo ông Joe Yun, Bộ Quy tắc này là mắt xích chủ chốt để tạo ra một khung pháp lý về cách ứng xử và thực thi tuyên bố chủ quyền, cũng như giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. Ông Joe Yun nói: “Để đảm bảo hiệu quả thì quan trọng nhất là COC phải mang tính ràng buộc pháp lý và có cơ chế giải quyết tranh chấp. Ổn định tại Biển Đông là vấn đề chung nên tôi hy vọng các ý kiến khác ngoài Trung Quốc và ASEAN cũng sẽ được xem xét. Mục tiêu của chúng ta là đạt được một giải pháp hòa bình đối với tranh chấp trên Biển Đông”. Qua phát biểu của ông Joe Yun có thể thấy Mỹ đang tích cực phát huy vai trò trên trong việc thúc dục Trung Quốc sớm cùng các nước ASEAN đàm phán chính thức về COC.

Nhiều học giả cho rằng nguyên nhân chính gây căng thẳng ở Biển Đông là do Trung Quốc tăng cường thực thi chủ quyền theo yêu sách “đường lưỡi bò”. Trung Quốc đã hành động bất chấp luật pháp quốc tế; sử dụng sức mạnh quân sự, đồng thời sử dụng các công cụ không “quang minh chính đại” để đạt được mục đích của mình. Các học giả tiếp tục lên tiếng phản đối mạnh mẽ yêu sách “đường lưỡi bò”, kêu gọi Trung Quốc hành sử có trách nhiệm theo luật pháp quốc tế, chấm dứt các hành động đe doạ, uy hiếp các nước láng giềng bằng lực lượng hải quân và chấp pháp.

Antonio Carpio một chuyên gia về luật cho rằng tuyên bố “chủ quyền” của Trung Quốc ở Biển Đông với “đường lưỡi bò” nhằm biến Biển Đông thành “ao nhà” của Trung Quốc, cho phép Trung Quốc đơn phương xâm phạm những gì thuộc về các quốc gia ven Biển Đông có chủ quyền khác là một thách thức với UNCLOS. “Đơn giản tuyên bố đường 9 đoạn của Trung Quốc không thể tồn tại cùng UNCLOS bởi cái nọ sẽ triệt tiêu cái kia”, Carpio nói, “việc duy trì tuyên bố đường 9 đoạn của Trung Quốc sẽ xóa sạch những tiến bộ của Luật Biển”.

Giáo sư John Norton Moore – Giám đốc Trung tâm Luật và Chính sách biển– Đại học Luật Virginia cho rằng “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc đưa ra ở Biển Đông hoàn toàn không có lợi cho Trung Quốc về lâu dài; với việc Philippines đưa vụ kiện ra Toà Trọng tài quốc tế, những lập luận vốn không rõ ràng của Trung Quốc về “đường lưỡi bò” sẽ càng bị lung lay vì không có cơ sở pháp lý. Ông cho rằng để giải quyết vấn đề một cách tốt nhất, điều trước hết cần phải làm là phải bỏ hẳn “đường lưỡi bò” vì đây là điều chưa từng có trong các tranh chấp về chủ quyền trên biển từ trước tới nay. Theo ông, nếu Toà Trọng tài phán quyết “đường lưỡi bò” không đúng theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982, thì đó là điều đáng mừng.

Trước yêu cầu của nhiều học giả đòi Trung Quốc làm rõ nội hàm yêu sách “đường lưỡi bò” và kêu gọi Trung Quốc từ bỏ yêu sách này, Ông Ngô Sĩ Tồn, Giám đốc Viện Nghiên cứu Nam Hải, Trung Quốc đã cố gắng tìm cách chống chế, nhưng không đưa ra được bất cứ căn cứ pháp lý nào để biện minh cho yêu sách phi lý này. Học giả Đài Loan Tống Yến Huy cũng thừa nhận rằng “đường lưỡi bò” yếu thế về mặt pháp lý.

Giáo sư Jonathan Pollack, Giám đốc Trung Tâm Trung Quốc John Thornton thuộc Viện Brookings nhận xét ngay chính các học giả và luật sư Trung Quốc cúng thấy sự không chắc chắn của “đường lưỡi bò”.

Tại phiên thảo luận về vai trò của luật pháp quốc tế trong quản lý tranh chấp, các học giả, luật sư đều cho rằng các tranh chấp ở Biển Đông cần được giải quyết trên cơ sở luật pháp quốc tế. Ông Peter Dutton, Giáo sư nghiên cứu chiến lược và là Giám đốc Viện nghiên cứu hàng hải Trung Quốc tại Học viện Chiến tranh hải quân Mỹ cho rằng Trung Quốc đã không tôn trọng các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982,UNCLOS, “Không phải lịch sử, không phải quyền lực mà phải là luật pháp quốc tế nên được sử dụng để quyết định các vấn đề ở Biển Đông”, giáo sư Peter Dutton nhấn mạnh, “Sức mạnh đáng kể nhất của một điều luật, điều ước quốc tế là thiết lập các chuẩn mực và hành vi được mong đợi”.

Ông Henry Bensurto, Cố vấn pháp lý Bộ Ngoại giao Philippines giải thích nguyên nhân việc Philippines khởi kiện Trung Quốc ra Toà Trọng tài Phụ lục 7 của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Ông Henry Bensurto nhấn mạnh lý do Philippines khởi kiện là do Philippines đã vô vọng trong việc đàm phán song phương với Trung Quốc kể từ sự kiện Trung Quốc đánh chiếm bãi Vành Khăn (Mischief) năm 1995 đến nay. Trung Quốc lợi dụng đàm phán song phương để gây sức ép với Philippines, giành lợi thế tuyên truyền hạn chế khả năng hành động của Philippines và vấn lấn chiếm trên thực tế. Sau sự kiện Trung Quốc gây căng thẳng và khống chế khu vực bãi cạn Scarborough, Philippines càng thấy rõ tính cấp bách phải đưa vấn đề tranh chấp Biển Đông ra Toà Trọng tài, nếu không Trung Quốc sẽ ngày càng lần tới.

Đa số các học giả đều đồng tình với Philippines, cho rằng việc làm của Philippines nằm trong khuôn khổ hoà bình giải quyết tranh chấp, dựa trên luật biển là cơ sở pháp lý được nhiều nước, trong đó có Trung Quốc công nhận.

Ông Peter Dutton cho biết, chính hành vi mang tính cưỡng chế và sử dụng sức mạnh của Trung Quốc (ở Biển Đông) đã thúc đẩy Philippines kiện “đường lưỡi bò” phi pháp và các hành vi gây hấn của Trung Quốc ra trọng tài quốc tế.

Bà Bonnie Glaser, cố vấn cấp cao của CSIS về Châu Á cho rằng các quốc gia nên đưa tranh chấp Biển Đông ra tòa án quốc tế.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã đưa ra nhiều gợi ý, đề xuất cho việc quản lý và giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Trước hết, các bên cần làm rõ yêu sách của mình phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Đồng thời, tích cực phân định các vùng biển chồng lấn với nhau. Ông Gregory Polling, thành viên nghiên cứu Chương trình Đông Nam Á của CSIS, cho rằng các đòi hỏi chủ quyền chồng lấn đối với các đảo và các thực thể địa chất đất, đảo, đá ngoài khơi giữa các nước không thể giải quyết được trong ngắn và trung hạn, và điều quan trọng là phải làm rõ được các khu vực tranh chấp để quản lý và giảm thiểu căng thẳng trong khu vực.

Ông Patrick Cronin, thuộc Trung tâm An ninh Mỹ, thì cho rằng cần xây dựng các định chế giám sát chung để giảm thiểu căng thẳng và ngăn chặn sự leo thang của tranh chấp.Ông Gregory Poling trích dẫn báo cáo của CSIS đưa ra những bản đồ mới với các phần chủ quyền trên biển của từng nước theo đúng công ước về Luật Biển, có sự khác biệt với những bản đồ mà các nước có liên quan đang sử dụng hiện tại. Các tác giả cho rằng những khác biệt này là chìa khóa để tìm ra cách điều tiết những tranh chấp ở Biển Đông.

Theo bản đồ mới được đưa ra trong báo cáo, 9 lô dầu khí trên thềm lục địa Trung Quốc mời thầu trái phép tháng 6/2012 hoàn toàn không nằm trong vùng tranh chấp mà nằm trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.

Tóm lại, chính sách cứng rắn và những hành động gây hấn của Trung Quốc trên thực địa ở Biển Đông thời gian qua đã tạo mối lo ngại cho tất cả các nước từ chính giới đến học giả. Những phát biểu tại Hội thảo do CSIS tổ chức thể hiện rõ sự bất bình của cộng đồng quốc tế trước những hành vi ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông./.

RELATED ARTICLES

Tin mới