Wednesday, January 8, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiTRUNG QUỐC GÂY SỨC ÉP VỚI PHILIPPINES TRÊN VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG

TRUNG QUỐC GÂY SỨC ÉP VỚI PHILIPPINES TRÊN VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG

BienDong.Net: Từ đầu năm đến nay, sau khi Philippines khởi kiện Trung Quốc ra Toà Trọng tài Phụ lục 7 của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, Trung Quốc tìm mọi cách gây sức ép để yêu cầu Philippines rút đơn kiện.

Trên mặt trận ngoại giao, Trung Quốc tiến hành vận động mạnh mẽ, cử nhiều đoàn đi để tranh thủ các nước ASEAN ủng hộ lập trưng của Trung Quốc trong vụ kiện này.

Tại các diễn đàn trong khuôn khổ ASEAN, Trung Quốc lớn tiếng phê phán Philippines, chỉ trích Philippines khởi kiện là không tuân thủ những thoả thuận với Trung Quốc, vi phạm DOC…. Thực chất của những việc làm này là nhằm cô lập Philippines.

Trên thực địa, Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động nhằm vào Philippines như: các lực lượng chấp pháp của Trung Quốc tiếp tục khống chế khu vực bãi cạn Scarborough. Đặc biệt, Trung Quốc đã cho tàu quân s và nhiều tàu chấp pháp bao vây, phong toả bãi Cỏ Mây, không cho các tàu của Philippines tiếp cận khu vực bãi Cỏ Mây để tiếp tế cho lính đóng trên tàu của Philippines bị mắc cạn ở khu vực này từ năm 1999.

Cơ quan tuyên truyền của Trung Quốc thì lớn tiếng đổ lỗi cho Philippines gây ra tình hình căng thẳng ở Biển Đông, đe doạ “dạy cho Philippines một bài học”. Ngày 29/6/2013, tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc đăng bài đe doạ sẽ tiến hành “một cuộc phản công” nhằm vào Philippines. Bài báo cáo buộc Philippines đã phạm phải “7 tội lỗi” ở Biển Đông: trước hết là “tội cũ” xâm chiếm trái phép 8 đảo, đá “Nam Sa” (Trường Sa) của Trung Quốc; Hai là, không ngừng tăng cường cái gọi là “kiểm soát thực tế” tại 8 đảo, đá; Ba là, âm mưu biến việc “mắc cạn” ở bãi “Nhân Ái” (Cỏ Mây) thành hành động chiếm hữu thực tế; Bốn là, một mực mời doanh nghiệp nước ngoài khai thác dầu khí tại vùng biển tranh chấp; Năm là, ngang nhiên thúc đẩy quốc tế hóa vấn đề “Nam Hải” (Biển Đông); Sáu là, ra sức lôi kéo các nước ngoài khu vực làm chỗ dựa để tăng “thế mặc cả” với Trung Quốc; Bảy là, rất thiếu thiện chí giải quyết vấn đề “Nam Hải” (Biển Đông) thông qua đối thoại và hợp tác. Bài báo được đăng trên Nhân dân Nhật báo ngay trước các hội nghị trong khuôn khổ ASEAN diễn ra tại Brunei cuối tháng 6, đầu tháng 7 nhằm tạo dư luận chĩa mũi nhọn công kích Philippines, biện hộ cho những hành động ngang ngược của Trung Quốc gây hấn với Philippines ở Biển Đông thời gian qua.

Philippines tỏ ra khiên cường và rất tự tin trước sức ép của Trung Quốc; nhiều lần khẳng định tiến hành vụ kiện đến cùng. Philippines bình tĩnh trước các lời công kích, hăm doạ của Trung Quốc, tỏ ra kiêm nhường không đôi co với Trung Quốc. Mặt khác, Philippines tăng cường quan hệ mạnh mẽ với Nhật Bản và Hoa Kỳ. Trong chuyến thăm Nhật Bản của Tổng Tư lệnh Hải quân Philippines Jose Luis Alano cuối tháng 6/2013 và trong chuyến thăm Philippines của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật từ 26/6/2013, Nhật Bản và Philippines đã đạt nhận thức chung về việc không cho phép Trung Quốc làm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Với Hoa Kỳ, Philippines tăng cường diễn tập quân sự, tiến hành diễn tập chung với Hoa Kỳ ở khu vực gần bãi cạn Scarborough; tăng cường trao đổi tham vấn với Hoa Kỳ về các hoạt động của Trung Quốc nhằm vào Philippines trên thực địa. Khi Bộ trưởng phụ trách Hải quân Hoa Kỳ Ray Mabus thăm Manila ngày 18/6/2013, Philippines đã thông báo cho phía Hoa Kỳ về tình hình ở khu vực bãi Cỏ Mây….

Tại các cuộc họp trong khuôn khổ ASEAN cuối tháng 6, đầu tháng 7/2013, Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario lên tiếng mạnh mẽ phê phán việc Trung Quốc gây sức ép với Philippines trên vấn đề Biển Đông; nhấn mạnh sự hiện diện quân sự và bán quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở Biển Đông là mối đe doạ với hoà bình ổn định khu vực và an toàn, tự do hàng hải ở Biển Đông. Ông thông báo về sự hiện diện quy mô lớn của các tàu quân sự và bán quân sự của Trung Quốc tại khu vực bãi cạn Scarborough và bãi Cỏ Mây và cáo buộc những hành động này của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng DOC.

Phản ứng về bài báo đăng trên Nhân dân Nhật báo ngày 29/6/2013, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez nói rằng những lời lẽ trong bài báo của Nhân dân Nhật báo được Manila xem như những tuyên bố khiêu khích vì không có chỗ đứng trong các mối quan hệ giữa các nước văn minh. Ông Raul Hernandez nhấn mạnh Trung Quốc có nghĩa vụ tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc, không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng trong giải quyết tranh chấp; kêu gọi Trung Quốc hãy là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế, minh bạch, trách nhiệm và không khiêu khích.

Bất bình trước việc Trung Quốc gây sức ép với Philippines chỉ vì Philippines khởi kiện Trung Quốc, Hoa Kỳ đã tỏ thái độ khá mạnh mẽ trong việc ủng hộ vụ kiện của Philippines. Phát biểu tại Hội nghị ARF 20 ngày 02/7/2013, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry nhấn mạnh Hoa Kỳ ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông tại cơ chế tài phán quốc tế, bao gồm cơ chế trọng tài; Hoa Kỳ phản đối việc đe doạ hay gây sức ép với bên khởi kiện. Trên thực địa, Hoa Kỳ tăng cường diễn tập quân sự với Philippines. Khi tàu quân sự và tàu chấp pháp của Trung Quốc phong toả bãi Cỏ Mây, Hoa Kỳ đưa nhiều tàu chiến vào Biển Đông, kể cả tàu sân bay; tuyên bố tàu chiến của Philippines mắc cạn ở bãi Cỏ Mây nằm trong phạm vi Hiệp ước liên minh quân sự giữa Hoa Kỳ và Philippines; trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng Thống Barack Obama phản đối việc Trung Quốc phong toả không cho các tàu tiếp tế của Philippines vào khu vực bãi Cỏ Mây để tiếp tế. Cuối cùng, tàu chiến của Trung Quốc đã phải rút khỏi khu vực bãi Cỏ Mây và Philippines đã tiếp tế được cho tàu của mình trên bãi Cỏ Mây./.

RELATED ARTICLES

Tin mới