Friday, January 10, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiTRUNG QUỐC HÃY HÀNH XỬ CÓ TRÁCH NHIỆM VỚI NGƯ DÂN

TRUNG QUỐC HÃY HÀNH XỬ CÓ TRÁCH NHIỆM VỚI NGƯ DÂN

BienDong.Net: Hai tuần sau chuyến thăm Trung Quốc của ông Trương Tấn Sang, Chủ tịch nước Việt Nam, các lực lượng chức năng của Trung Quốc lại hành xử vô nhân đạo với tàu cá và ngư dân Việt Nam ở khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Theo hãng tin BBC và theo như lời kể của các ngư dân tỉnh Quảng Ngãi, ngày 07/7/2013, tàu chấp pháp mang số hiệu 306 của Trung Quốc đã hành hung đối với 2 tàu cá của Việt Nam.

Sáng sớm ngày 7/7/2013 khi tàu cá số hiệu QNg 96787 TS do ông Võ Minh Vương làm thuyền trưởng cùng 14 ngư dân khác đang hành nghề đánh bắt hải sản bình thường tại khu vực quần đảo Hoàng Sa đã bị tàu 306 của Trung Quốc tấn công, những nhà chức trách của Trung Quốc với trang bị dùi cui điện áp sát và leo lên tàu QNg 96787 TS dồn ngư dân lên mũi tàutiến hành lục soát, đập phá tài sản và lấy đi một số tài sản của tàu QNg 96787 TS; thậm chí những quan chức Trung Quốc còn chặt đứt cờ trên tàu ném xuống biển và khi thuyền trưởng Vương vớt cờ lên thì bị họ đánh ngất xỉu.

Tiếp theo vụ việc trên, cũng ngay trong sáng ngày 07/7/2013, tàu chấp pháp 306 của Trung Quốc tiếp tục gây hấn với tàu cá mang số hiệu QNg 90153 TS do ông Mai Văn Cường làm thuyền trưởng cùng 14 ngư dân khác. Khi tàu cá QNg 90153 TS đang hoạt động đánh bắt cá ở khu vực quần đảo Hoàng Sa thì tàu 306 của Trung Quốc áp sát, những quan chức Trung Quốc đã lên tàu QNg 90153 TS dùng dùi cui khống chế, dồn các ngư dân lên mũi tàu và khống chế, ép tàu QNg 90153 TS về đảo Cây, thuộc quần đảo Hoàng Sa tiến hành lục soát, đập phá tài sản, lấy tài sản trên tàu và chặt đứt cờ trên nóc cabin. Ngư dân Mai Văn Lê nhặt lại cờ đã bị những người “quan chức” Trung Quốc đánh ngã xuống boong tàu và ném cờ cùng một số ngư cụ, vật dụng của tàu QNg 90153 TS xuống biển.

Hành vi kể trên của các quan chức trên tàu 306 Trung Quốc là hành động của những kẻ không còn tính người, hết sức vô nhân đạo vì họ đã đánh vào những người dân nghèo khó lam lũ bám biển để mưu sinh. Mục tiêu của họ là muốn làm nhụt ý chí của những ngư dân Việt Nam ra đánh bắt ở Hoàng Sa để thực hiện mưu đồ chiếm đứt quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam tiến tới độc chiếm Biển Đông. Hỡi ơi, những người cộng sản Trung Quốc lý giải thế nào về những hành vi ngang ngược của họ đối với những người “anh em” láng giềng Việt Nam? Hành động này của họ có phù hợp với mối quan hệ “đồng chí tốt, láng giềng tốt, bạn bè tốt, đối tác tốt” như họ vẫn thường rêu rao về mối quan hệ Việt – Trung hay không? Chính quyền Hà Nội cần nhận thức rõ bản chất thực trong chính sách của Bắc Kinh đối với Việt Nam nói riêng và khu vực nói chung.

Được biết, trong chuyến thăm Trung Quốc tháng 6 vừa qua, ông Trương Tấn Sang đã nêu với Tập Cận Bình cần phải xử lý thoả đáng vấn đề nghề cá ngư dân trên tinh thần nhân đạo và không gắn với những tranh chấp về chủ quyền biển đảo giữa 2 nước. Xem ra những người lãnh đạo Trung Quốc đã bỏ ngoài tai, không thèm đếm xỉa đến ý kiến của ông Trương Tấn Sang. Trong chuyến thăm đó, Việt Nam và Trung Quốc cũng đã ký Thoả thuận về lập đường dây nóng để xử lý vấn đề tàu cá ngư dân, nhưng tất cả chỉ dừng lại trên giấy tờ, còn trên thực tế thì những hành vi thô bạo của Trung Quốc đối với ngư dân Việt Nam không hề thuyên giảm.

Xét từ khía cạnh pháp lý thì thấy rằng những hành vi nói trên của Trung Quốc đối với tàu cá Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của luật pháp quốc tế. Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đã được các nhà nước phong kiến Việt Nam xác lập, thực thi chủ quyền ít nhất là từ Thế kỷ 17 – 18, ngư trường Hoàng Sa đã được ngư dân Việt Nam ra đánh bắt hải sản từ mấy trăm năm nay và đã trở thành ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam. Hoàng Sa, Trường Sa luôn gắn liền với đời sống của hàng vạn ngư dân Việt Nam. Năm 1974, Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa và khống chế toàn bộ quần đảo này. Hành động này của họ đã vi phạm quy định của Hiến chương Liên hợp quốc và các chuẩn mực của luật pháp quốc tế. Thời gian qua, Trung Quốc đã lợi dụng việc đang chiếm đóng ở Hoàng Sa để xua đuổi, uy hiếp, trấn áp ngư dân Việt Nam khi họ đang đánh bắt bình thường.

Theo quy định của luật pháp quốc tế, đối với những vùng lãnh thổ, vùng biển có tranh chấp, khi chưa có giải pháp cho vấn đề chủ quyền thì không được bên nào có những hành vi ép buộc, đe doạ, trấn áp đối với các hoạt động của ngư dân phía bên kia. Như vậy, những hành động của Trung Quốc đã vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế. Theo đó, đối với các vùng biển của khu vực quần đảo Hoàng Sa đang có tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc thì trong khi hai bên chưa giải quyết được bất đồng về vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa thì Trung Quốc không được tiến hành bất cứ hành động nào gây cản trở hoạt động đánh bắt của tau cá ngư dân Việt Nam..

Hành vi thô bạo của Trung Quốc đối với tàu cá, ngư dân Việt Nam đã làm cho cộng đồng quốc tế hết sức bất bình. Hoa Kỳ đã nhiều lần lên tiếng phản đối mạnh mẽ hành động cưỡng bức, uy hiếp hay doạ nạt của Trung Quốc ở Biển Đông nhất là đối với ngư dân. Tại Hội nghị Shangrila 12 cuối tháng 5, đầu tháng 6/2013, Ông Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam đã ám chỉ về các hành động gây hấn với ngư dân của Trung Quốc khi nhấn mạnh rằng: “Chúng tôi đề nghị các bên có liên quan đến Biển Đông tôn trọng và bảo vệ ngư dân, tuyệt đối không sử dụng vũ lực với ngư dân dưới bất kỳ hình thức nào, cả quân sự và phi quân sự. Hành xử vô nhân đạo với ngư dân là không thể chấp nhận được, đó là quy định chung của luật pháp quốc tế và là đạo lý của thế giới hiện đại”.

Hy vọng nhà cầm quyền Bắc Kinh chấm dứt ngay những hành động thô bạo đối với tàu cá và ngư dân Việt Nam và hay hành xử một cách có trách nhiệm./.

RELATED ARTICLES

Tin mới