Sunday, November 17, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiSÁCH TRẮNG NGOẠI GIAO 2013 CỦA TRUNG QUỐC THỂ HIỆN CHÍNH SÁCH...

SÁCH TRẮNG NGOẠI GIAO 2013 CỦA TRUNG QUỐC THỂ HIỆN CHÍNH SÁCH HIẾU CHIẾN TRÊN VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG

BienDong.Net: Ngày 17/7/2013, Trung Quốc chính thức phát hành Sách trắng Ngoại giao Trung Quốc năm 2013. Cuốn Sách trắng này đưa ra những nhận định về tình hình quốc tế, đánh giá tình hình đối ngoại của Trung Quốc trong một năm và thể hiện rõ quan điểm mới nhất của Trung Quốc trong lĩnh vực đối ngoại giao.

Đáng chú ý là trong nội dung Sách trắng Ngoại giao 2013, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra những luận điệu bóp méo sự thật về tranh chấp Biển Đông nhằm đánh lừa dư luận người dân Trung Quốc và công luận quốc tế.

Tranh chấp trên biển giữa Trung Quốc với các nước láng giềng trở thành nội dung nổi bật trong sách trắng Ngoại giao Trung Quốc 2013. Trong đó, Trung Quốc công khai “điểm danh” chỉ trích các nước láng giềng “xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc” và cuốn Sách trắng Ngoại giao Trung Quốc 2013 nhấn mạnh cái gọi là Trung Quốc kiên định bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh và lợi ích phát triển, bảo vệ “toàn vẹn chủ quyền và lãnh thổ”.

Sách trắng Ngoại giao Trung Quốc 2013 tiếp tục giọng điệu “chụp mũ” cho Philippines gây ra sự kiện căng thẳng trên bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham ở Biển Đông mà chính Trung Quốc mới là kẻ gây sự; cáo buộc Nhật Bản “quốc hữu hoá trái phép” quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông.

Không dừng lại ở đó, cuốn sách ngoại giao này của Trung Quốc còn trắng trợn bóp méo sự thật, vu cáo Quốc hội nước Việt Nam thông qua Luật Biển Việt Nam hồi năm ngoái là “xâm phạm chủ quyền quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa) Trung Quốc” trong khi đây là một việc làm hoàn toàn chính đáng của Việt Nam.

Trong cuốn sách này còn nói rằng trước các vụ việc trên, Trung Quốc đã “nhanh chóng đưa ra một loạt biện pháp mạnh mẽ, kiên quyết để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi hải dương”, thể hiện cái gọi là ý chí và quyết tâm kiên định của Chính phủ Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, đồng thời nhận được sự ủng hộ và đồng tình của cộng đồng quốc tế. Rõ ràng đây là một sự lừa bịp trắng trợn hòng lừa gạt công luận.

Sự thật là, trong năm 2012, Trung Quốc đã triển khai một loạt các hoạt động gây hấn với các nước láng giềng ở Biển Đông và biển Hoa Đông như gây ra căng thẳng kéo dài với Philippines ở khu vực bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham từ tháng 4/2012 để rồi khống chế toàn bộ khu vực này, buộc Philippines phải kiện Trung Quốc ra Toà Trọng tài quốc tế; ngang nhiên thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” ở Biển Đông tháng 6/2013 và vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các nước, kể cả Hoa Kỳ cũng đã phải lần đầu tiên lên tiếng trực diện phê phán hành động này của Trung Quốc; bất chấp luật pháp quốc tế Trung Quốc mời thầu 9 lô dầu khí trên thềm lục địa của người “anh em” Việt Nam tháng 6/2012 buộc Việt Nam phải phản đối mạnh mẽ, các doanh nghiệp dầu khí quốc tế bất bình và Thượng nghị sỹ Hoa Kỳ và các nhà nghiên cứu, học giả quốc tế lên tiếng phê phán hành động này của Trung Quốc; rồi từ tháng 9/2012, Trung Quốc gây căng thẳng với Nhật Bản xung quanh vấn đề quần đảo Senkaku/Điếu Ngư buộc Hoa Kỳ phải lên tiếng chính thức khẳng định quần đảo Senkaku nằm trong phạm vi Hiệp ước an ninh giữa Hoa Kỳ – Nhật Bản và Hoa Kỳ có trách nhiệm bảo vệ nếu quần đảo này bị tấn công.

Như vậy, sách trắng Ngoại giao Trung Quốc đã đổi trắng thay đen, bóp méo những sự thật diễn ra ở Biển Đông và biển Hoa Đông để che đậy cho những hành vi thô bạo, bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc với các nước láng giềng. Là một nước lớn với trên 1,3 tỷ dân và nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, lại là Uỷ viên Thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nhưng Trung Quốc đang hành xử một cách hết sức “tiểu nhân” và vô trách nhiệm.

Kể từ năm 1987 đến nay, Sách trắng Ngoại giao Trung Quốc được phát hành mỗi năm một lần, là tài liệu chính thống thể hiện quan điểm, chính sách ngoại giao của Trung Quốc. Điểm khác biệt giữa Sách trắng Ngoại giao 2013 so với các cuốn Sách trắng Ngoại giao trước đây của Trung Quốc trước đây là giọng điệu của ngành ngoại giao Trung Quốc trên vấn đề tranh chấp biển đảo với các nước láng giềng. Giọng điệu trong cuốn Sách trắng Ngoại giao 2013 của Trung Quốc tỏ ra rất hiếu chiến, “sặc mùi chiến tranh”, hăm doạ các nước láng giềng thể hiện rõ chính sách ngoại giao nước lớn sô vanh, bá quyền và bành trướng trên biển.

Một điểm mới nữa rất thú vị của Sách trắng 2013 là sự phát triển lý luận của Trung Quốc về lợi ích ngoài biên giới của Trung Quốc. Trong sách trắng có riêng một mục đề cấp đến vấn đề sử dụng lực lượng vũ trang để bảo vệ những lợi ích của Trung Quốc ngoài biên giới, trong đó nhấn mạnh, vấn đề an ninh ảnh hưởng đến những lợi ích của Trung Quốc ngoài biên giới, càng ngày càng trở lên gay gắt hơn. Những “lợi ích cốt lõi”, có thể bị đe dọa là các nguồn tài nguyên và năng lượng, các con đường vận tải biển chiến lược, nhân quyền của người Trung Quốc và quyền lợi của các tổ chức của Trung Quốc ở nước ngoài. Mặc dù chủ đề lợi ích ngoài biên giới đã được phát triển trong các văn bản, tài liệu khoa học chính trị Trung Quốc từ lâu, nhưng một văn bản chính thức ở cấp độ nhà nước, trong định hướng xây dựng và phát triển quân đội, vấn đề này chưa bao giờ được đặt ra cho đến tận sách Trắng năm 2013.

Từ Sách trắng ngoại giao Trung Quốc 2013, có thể nhìn thấy rõ ràng xu hướng phát triển của chính sách đối ngoại quân sự Trung Quốc cũng như tầm nhìn của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc trong tương lai. Đưa ra những mối nguy cơ cụ thể với cách gọi đích danh từng mục tiêu rõ rệt, Trung Quốc đã sẵn sàng cho khả năng tiến hành những chính sách cứng rắn, bao gồm cả đưa lực lượng vũ trang ra nước ngoài nhằm bảo vệ những “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc trên thế giới.

Các nhà phân tích, nghiên cứu quốc tế cho rằng đáng lẽ ra lời lẽ trong Sách trắng Ngoại giao phải mềm dẻo, uyển chuyển thể hiện rõ sự hợp tác và quan hệ hữu hảo với các nước láng giềng, nhưng Sách trắng Ngoại giao Trung Quốc 2013 không còn giữ được sự “bình tĩnh” cần thiết mà chẳng khác gì lời lẽ hiếu chiến như trong Sách trắng Quốc phòng của Trung Quốc phát hành hồi tháng 4/2013. Điều này cho thấy dường như có sự nhất quán cao giữa các ngành trong nội bộ Trung Quốc về một chính sách cứng rắn trên vấn đề biển đảo với các nước láng giềng. Điều này càng được khẳng định qua những phát biểu về vấn đề biển đảo của ông Tập Cận Bình, nguời lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc.

Thứ tự sắp xếp các nguy cơ đối với an ninh quốc gia của Trung Quốc trong Sách trắng Ngoại giao 2013 cũng đã có sự thay đổi so với các Sách trắng trước đây. Trong danh sách những nguy cơ cho an ninh quốc gia của Trung Quốc được nêu trong Sách trắng lần này cho thấy: Vị trí thứ nhất là “Một quốc gia nào đó” (ám chỉ Hoa Kỳ); vị trí thứ hai là các nước Đông Á có những tranh chấp về mặt chủ quyền (Trung Quốc chú trọng vào Nhật Bản); những nguy cơ mang tính truyền thống như chủ nghĩa khủng bố quốc tế, chủ nghĩa cực đoan và ly khai đứng hàng thứ ba và nguy cơ từng đứng vị trí hàng đầu đối với Trung Quốc – Đài Loan chính thức tách rời khỏi đại lục (tuyên bố độc lập) chỉ đứng hàng thứ tư.

Đánh giá vai trò của Mỹ trong các tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng ở Biển Đông và Hoa Đông, sách trắng Ngoại giao Trung Quốc 2013 cho rằng Mỹ đóng vai trò quan trọng, nhưng Bắc Kinh phản đối việc can dự của Mỹ vào các tranh chấp biển đảo ở khu vực và có những “giao thiệp nghiêm khắc” với các phát biểu của Mỹ về Biển Đông và Hoa Đông.

Sách trắng Ngoại giao Trung Quốc 2013 là một bằng chứng cho thấy cuồng vọng sai trái của Trung Quốc trong tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng vẫn không có gì thay đổi và ngày càng trở nên cứng rắn và hiếu chiến hơn, chính điều này sẽ là rào cản cho các biện pháp hòa bình xử lý tranh chấp ở Biển Đông và biển Hoa Đông, mặt khác đẩy căng thẳng tranh chấp lãnh thổ đến bờ vực của nguy cơ xung đột.

Nội dung Sách trắng Ngoại giao 2013 càng cho thấy sự nhất quán và đồng bộ trong chủ trương đẩy mạnh chính sách cứng rắn của Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp biển đảo với các nước láng giềng trong thời gian tới để thực hiện chiến lược xây dựng cường quốc biển. Đây không chỉ là mối đe doạ lớn cho các nước láng giềng ven biển của Trung Quốc mà còn tạo ra nguy cơ cho các nước ngoài khu vực và là một thách thức lớn cho vị trí siêu cường của Hoa Kỳ.

RELATED ARTICLES

Tin mới