Saturday, January 4, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiCampuchia không dự Hội nghị hẹp Ngoại trưởng ASEAN

Campuchia không dự Hội nghị hẹp Ngoại trưởng ASEAN

BienDong.Net: Ngày 14.8, Ngoại trưởng các nước Đông Nam Á đã nhóm họp tại Thái Lan trong khuôn khổ Hội nghị hẹp các Ngoại trưởng ASEAN để bàn luận về những vấn đề nóng trên Biển Đông cũng như quan hệ với Trung Quốc.

Theo Bangkok Post, các Ngoại trưởng ASEAN đã nhóm họp tại một khu resort ở Hua Hin, tỉnh Prachuap Khiri Khan, cách thủ đô Bangkok gần 150km về phía Tây Nam. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Campuchia Hor Namhong đã không tới tham dự.

alt 

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Hội nghị lần này được tổ chức theo sáng kiến của ông Surapong Tovichakchaikul, Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan nhằm thảo luận các cách thức để củng cố toàn khối một khi ASEAN trở thành một cộng đồng chung vào năm 2015. Hội nghị được coi là cơ hội tốt để các Bộ trưởng thảo luận việc làm thế nào giúp các thể chế ASEAN trở nên mạnh mẽ hơn, góp phần đối phó một cách hiệu quả trước những biến động của môi trường toàn cầu.

Các Bộ trưởng đã thảo luận về tầm nhìn ASEAN sau giai đoạn 2015 nhằm đưa ra định hướng về một cộng đồng chung được đảm bảo hòa bình, ổn định và phát triển kinh tế bền vững trong tương lai. Các vấn đề khác như chính sách chăm sóc y tế toàn cầu, thách thức môi trường và vấn đề khói bụi trong khu vực cũng được đưa ra bàn thảo tại hội nghị.

Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN cũng đã thảo những vấn đề liên quan tới mối quan hệ ASEAN – Trung Quốc, việc thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược giữa hai bên, mở đường cho Hội nghị thượng đỉnh ASEAN – Trung Quốc lần thứ 16 vào tháng 10 ở Brunei. Các Bộ trưởng ASEAN đều đánh giá rằng mối quan hệ ASEAN – Trung Quốc là một trong những mối quan hệ đối tác phát triển năng động nhất và hiệu quả nhất. Trong 10 năm đối tác chiến lược vừa qua, hai bên đã đạt được nhiều thành tựu, mở ra cơ hội đẩy mạnh hơn nữa cơ hội hợp tác vì lợi ích của mỗi bên.

Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh, cho rằng ASEAN cần phải đoàn kết và liên kết để tiếp tục xây dựng thành một cộng đồng gắn kết về chính trị, hợp tác chặt chẽ về kinh tế và chia sẻ trách nhiệm xã hội. Những điều này sẽ góp phần để ASEAN cùng phát triển thịnh vượng và phát huy vài trò trung tâm của khu vực, đặc biệt trong những vấn đề liên quan tới hoà bình, an ninh và phát triển thịnh vượng.

Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã chia sẻ các định hướng cho ASEAN phát triển đến 2015 và hơn nữa, trong đó ASEAN cần thực hiện tốt các mục tiêu trước mắt để từ đó tiếp tục phát huy lên cho những thập kỷ tiếp theo.

Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam chia sẻ rằng ASEAN và Trung Quốc cần phải xây dựng lòng tin trên tất cả các lĩnh vực. Hai bên cũng cần thực hiện tốt tất cả những gì đã được ký kết liên quan tới vấn đề Biển Đông, như Tuyên bố ứng xử trên Biển Đông (DOC), để đi tới thoả thuận về Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).

alt 

Trung Quốc vẫn chủ trương giải chấp tranh chấp trên Biển Đông bằng chia rẽ và sức mạnh (ảnh minh họa)

Các nhà phân tích cho rằng việc ông Hor Namhong không tới Thái Lan có thể là do chính trường Campuchia vẫn chưa được thu xếp ổn thỏa từ cuộc bầu cử được cho là còn nhiều khuất tất. Trong khi đó, quan hệ kinh tế chính trị giữa Trung Quốc và Campuchia ngày càng được siết chặt.

Về triển vọng COC, tờ China Post xuất bản tại Đài Loan ngày 14.8 đăng phân tích của học giả và nhà bình luận thời sự Frank Ching nhận định, những lạc quan và hy vọng về tiến triển của việc đàm phán ký kết bộ Qui tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) đã nhanh chóng tiêu tan trong sự miễn cưỡng đang trỗi dậy ở Bắc Kinh để đạt được thỏa thuận này.

Cuối tháng 6, khi Trung Quốc và ASEAN đã đồng ý “tham vấn” COC, 10 Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN cho biết mục tiêu chung của ASEAN là sớm kết thúc quá trình đàm phán, kí kết COC để thúc đẩy việc duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực. Lúc này một số người cho rằng đây là sự nhượng bộ của Trung Quốc.

Tuy nhiên Bắc Kinh đã sớm dội nước lạnh vào hy vọng về việc đạt được thỏa thuận COC khi Vương Nghị, Ngoại trưởng Trung Quốc nói rằng không nên vội vàng đàm phán ký kết COC, động thái mà ông xem như “không thực tế và cũng chẳng nghiêm trọng”.

Trong khi đó Frank Ching nhận định, Trung Quốc đang tiếp tục cố gắng chia rẽ ASEAN, đồng thời từ chối tiến trình xử lí tranh chấp được thiết lập theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) mà chính họ đã kí. Bắc Kinh vẫn khăng khăng đòi đàm phán song phương giải quyết tranh chấp đa phương ở khu vực quần đảo Trường Sa (5 nước 6 bên) với từng nước nhỏ hơn họ rất nhiều hòng chiếm thế thượng phong.

Theo Frank Ching, một điểm đáng chú ý trong các phát biểu của Vương Nghị là việc Ngoại trưởng Trung Quốc nhấn mạnh chủ trương giải quyết tranh chấp Biển Đông là “tôn trọng sự thật lịch sử và luật pháp quốc tế”. Thái độ này cho thấy Trung Quốc thừa hiểu họ đuối lý về luật pháp quốc tế nên muốn dựa vào cái gọi là “yếu tố lịch sử”.

Tuy nhiên trong Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông giữa Trung Quốc với ASEAN năm 2002 chỉ nhắc đến “luật pháp quốc tế” mà không có từ nào đề cập đến “sự kiện lịch sử”

Yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông rõ ràng không được hỗ trợ bởi UNCLOS và trong thực tế rõ ràng là Trung Quốc đang đi ngược lại các từ ngữ, khái niệm, quy định rất rõ ràng của UNCLOS.

Khi thấy yếu tố pháp lý có lợi Trung Quốc trích dẫn luật pháp, nhưng khi luật pháp không đứng về phía Trung Quốc họ lập tức trích dẫn cái gọi là “sự thật lịch sử” với lối ngụy biện: luật pháp không thay đổi được lịch sử.

BDN (Nguồn: VNA và GDVN)

RELATED ARTICLES

Tin mới