BienDong.Net: Triều Nguyễn, được thiết lập năm 1802, là một triều đại có nhiều gắn bó với biển nhất. Bao thăng trầm trong cuộc đời bôn ba ‘’chân trời, góc biển’’ để dựng nghiệp của Nguyễn Ánh và sau này là vua Gia Long, đã khiến cho ông vua đầu tiên triều Nguyễn quan tâm đặc biệt tới vấn đề chủ quyền biển đảo. Nỗ lực đó đã được kế tục bởi những hậu duệ xuất sắc của ông.
BDN xin trân trọng giới thiệu loạt bài viết của TS. Nguyễn Hữu Tâm (Viện Sử học Việt Nam) về vấn đề này.Bài 2: Vua Minh Mệnh với chính sách khai thác biển
Điều đầu tiên dễ nhận thấy nguồn lợi từ biển mang lại, đó là: Giao thông vận tải. Đây là một hoạt động có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, đáp ứng được nhu cầu cấp thiết không chỉ trên phương diện kinh tế, mà còn cả trên lĩnh vực ngoại giao và an ninh – quốc phòng. Minh Mệnh đã nhận thức sâu sắc được nguồn lợi của giao thông trên biển, vừa nhanh, thuận tiện lại phát huy được sở trường sông nước của quân dân như sau: ‘’Vận tải đường biển là một việc rất gian lao, nhưng nước ta phía sau tựa vào núi, phía trước trông ra biển, việc đi biển không thể không tranh thủ lấy cái nghề sở trường của mình…’’.
Biển Đông (Ảnh: Internet)
Do vậy, không ít lần Minh Mệnh đã ban Chỉ dụ cho quân lính thường xuyên phải luyện tập thủy quân, thông hiểu lạch luồng trên biển, để có thể ứng dụng trong chiến đấu cũng như vận tải trên biển: “Nước nhà ở về phương Nam, đất nhiều phần biển, thủy quân rất là quan trọng… Người lái thuyền, các thủy thủ, trước phải luyện tập kỹ càng thành thục, lại phải tập tành cho biết rõ đường sông, đường biển, chỗ sâu chỗ nông, chỗ khó chỗ dễ và đâu có cù lao, hòn đảo, đá ngầm, ghềnh thác, phải nên kiêng tránh…’’.
Sau nhiều năm luyện tập, thủy quân triều Nguyễn đã trưởng thành lớn mạnh, thông thạo đường biển, Minh Mệnh rất đỗi tự hào trước tiến bộ vượt bậc không thua kém người phương Tây của binh lính nước nhà: “Kể ra người Tây dương vẫn khoe khoang với các nước là họ khéo lái thuyền lớn vượt biển nọ sang biển kia như bay. Nay quân ta cũng biết lái chở thuyền vượt biển không kém sở trường của họ, thì đã làm cho họ chùn lòng’’.
Nhằm tận thu nguồn lợi biển thông qua giao thông vận tải, triều Minh Mệnh đã đặt ra những chính sách khai thác cụ thể cho hoạt động này. Ở Trung ương, cơ quan chuyên trách quản lý giao thông vận tải và thương nghiệp gồm có ty Tào chính, ty Hành nhân, nha Thương bạc. Cửa quan, Tấn sở tại các cửa biển Kinh đô Huế và các tỉnh ven biển là các chi nhánh phụ trách quản lý tại địa phương. Để quản lý chặt nguồn thu từ giao thông vận tải và thương nghiệp, triều đình còn đặt ra các quy định về thuyền vận tải đường biển như: Thu thuế theo kích thước thuyền (loại thuyền to Đại dịch) hoặc theo số lượng hàng hóa chở được của thuyền (loại thuyền Miễn dịch).
Các loại thuyền công của Nhà nước và thuyền riêng của tư nhân cũng có những quy định thuế khác nhau. Tuy vậy, căn cứ vào tình hình thực tế và của từng địa phương, việc thực hiện được linh hoạt, uyển chuyển hơn. Năm 1836, Minh Mệnh đã chuẩn y lời tâu của Bộ Hộ cho phép thu thuế thuyền buôn phủ Thuận Khánh bằng thóc gạo bởi vì: “Xét kho thóc tỉnh ấy chưa được thừa thãi và để tiện cho cả công tư’’.
Giao thông vận tải trên biển là một hoạt động gặp nhiều khó khăn, trở ngại, nhiều tai nạn bất thường xảy ra, do vậy để khuyến khích tinh thần của quân dân và để giữ vững kỷ cương Nhà nước, triều Nguyễn rất chú trọng việc thưởng phạt nghiêm minh.
Các hình thức thưởng phạt rất đa dạng và có nhiều mức độ khác nhau. Hình thức thưởng được phổ biến bằng lương và tiền. Đặc biệt, đối với những thuyền vận tải nào gặp trở ngại như bão biển, cát ngầm, đá ngầm… mà vẫn hoàn thành nhiệm vụ được giao sẽ được trọng thưởng. Năm 1833, Nhà nước thưởng cho 7 chiếc trong đoàn thuyền chở các hạng đá phiến ở tỉnh Thanh Hóa (gặp phải gió biển trái hướng, vẫn đưa hàng đến Kinh đô an toàn): Quản cơ và Suất đội, mỗi người một chiếc áo hẹp tay bằng nhung sợi và một cái quần bằng trừu nam màu cánh kiến…, thưởng từ Quản đoàn đến biền binh mỗi người một tháng lương.
Đối với hình thức phạt thì căn cứ cụ thể vào thiệt hại để định mức. Tất cả thuyền công bị chìm đắm, hàng hóa Nhà nước hao hụt đều phải truy tìm nguyên nhân. Nếu do thiên nhiên như bão, sóng to… gây ra, sức người không thể chống cự nổi thì không bị tội hoặc chỉ phạt mang tính chất cảnh cáo, răn đe. Nếu do người đi tải gây ra, thường bị xử tội nghiêm khắc và phải đền bù. Năm 1827, Minh Mệnh ban Chỉ dụ nhằm nâng cao trách nhiệm của toàn bộ nhân viên trên thuyền, siết chặt hơn việc bồi thường.
Nguồn lợi thứ hai của biển thường được khai thác nhiều đó là hoạt động ngoại thương trên biển. Từ những thế kỷ XVI – XVIII, thời kỳ thương mại Biển Đông, việc thuyền buôn các nước ngoài đến Đàng Trong và Đàng Ngoài để trao đổi hàng hóa đã trở thành phổ biến ở quốc gia Đại Việt. Vì vậy, đến thế kỷ XIX khi triều Nguyễn lên cầm quyền, lái buôn nước ngoài vẫn theo đường biển đến giao dịch tại vùng Biển Đông thuộc hải phận Đại Nam. Thông thường triều Nguyễn thực hiện hoạt động ngoại thương qua hai phương thức: Trực tiếp cử các đoàn sứ thần sang các nước trao đổi hàng hóa, mua về những vật phẩm cần thiết phục vụ nhu cầu của vua và triều đình; phương thức thứ hai là đánh thuế hàng hóa đối với các thuyền nước ngoài đến buôn bán.
Trong khoảng hơn hai mươi năm trị vì, Minh Mệnh đã phái khoảng 40 lượt tàu thuyền đi công vụ nước ngoài, tập trung nhiều nhất vào hai năm 1838 – 1839. Kết hợp công việc Nhà nước với trao đổi hàng hóa là đặc điểm nổi bật của các sứ đoàn trong thời kỳ này. Minh Mệnh chú trọng mua các vật phẩm phục vụ quốc phòng như: Súng, đá lửa của Pháp, thuốc súng nước Anh…, đồng thời cũng luôn nhắc nhở các sứ thần mua về các tàu thuyền hiện đại của phương Tây.
Triều Nguyễn dựa vào lợi thế đường biển để thu lợi cho Nhà nước từ nhu cầu buôn bán của thương lái nước ngoài. Triều đình từng đặt trước những hàng hóa cần thiết cho họ chuẩn bị đem đến nước ta trong chuyến thuyền lần sau. Những mặt hàng này chỉ có Nhà nước mới được mua và độc quyền giá cả, thường bao giờ cũng thấp hơn giá thị trường. Thương nhân ngoại quốc cũng biết giá cả như vậy là thiệt thòi, nhưng vẫn chấp nhận, vì họ có thể thông thương ở các cửa biển của nước ta.
Từ khi triều Nguyễn thiết lập, đã ban hành việc nộp thuế bằng nửa bạc và nửa tiền cho các tàu thuyền nước ngoài đến Việt Nam buôn bán. Thuế này gồm nhiều khoản: Tiền thuế cảng, tiền dâng lễ vua, tiền lễ các quan cai tàu… Triều Gia Long và Minh Mệnh quy định thuế cảng được phân chia thành 6 khu vực cửa biển chính, trong đó có thuế cảng Gia Định. Nguyên nhân, do cửa biển Gia Định vào đầu triều Nguyễn tập trung nhiều tàu thuyền nước ngoài, mua bán ở đây sầm uất nhất nước. Thuyền buôn các nước, ngoài việc nộp thuế cảng và các lễ như một thủ tục bắt buộc để vào cửa biển buôn bán, khi mua hàng hóa về cũng phải nộp thuế hàng hóa.
Tóm lại, Minh Mệnh đã tiếp tục bổ sung và hoàn thiện hệ thống chính sách khai thác nguồn lợi từ biển, trên một trình độ nhất định, đã có tác dụng tích cực đối với quốc phòng và Nhà nước. Theo thống kê từ những ghi chép của thư tịch, chính sách khai thác biển dưới triều vua Minh Mệnh đạt hiệu quả cao nhất trong triều Nguyễn. Chính từ những hoạt động khai thác trên biển này đã tăng cường thêm sức mạnh của lực lượng thủy quân, nâng cao ý thức bảo vệ nguồn lợi, đồng thời cũng nhằm xác lập và khẳng định chủ quyền biển đảo của vương triều Nguyễn.
BDN