Saturday, April 27, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCá cảnh biển Việt Nam: Nguồn lợi cần được bảo vệ và...

Cá cảnh biển Việt Nam: Nguồn lợi cần được bảo vệ và khai thác hợp lí

BienDong.Net: Việt Nam sở hữu chín vùng biển có những rạn san hô lớn là Hải Vân – Sơn Trà, Cù Lao Chàm, vịnh Nha Trang, Ninh Hải, Cà Ná, quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, Hà Tiên…

Khảo sát các khu vực có san hô ở nước ta, Viện Hải dương học Nha Trang kiểm kê được 635 loài cá sống ở rạn san hô với 62 họ, trong đó có bốn họ đông nhất, bao gồm họ cá thia với 91 loài, họ cá bàng chài với 72 loài, họ cá bướm với 49 loài và họ cá mó với 41 loài.

 

Cá rạn san hô ở vùng biển Nha Trang đa dạng bậc nhất ở nước ta với 398 loài. Hai khu vực tập trung nhiều loài cá nhờ rạn san hô còn nguyên hiện trạng là Hòn Mun và Hòn Gốm. Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cũng là vùng biển có nhiều rạn san hô với 219 loài cá thuộc 44 họ, trong đó có 159 loài đặc hữu. Cộng đồng sinh vật sống chung trong các “ngôi nhà san hô” gồm các loài thân mềm, động vật không xương sống, động vật giáp xác đều có giá trị kinh tế cao. Nhiều loài được xuất khẩu làm sinh vật cảnh như cá cảnh biển (CCB), đồi mồi, da gai, các loại ốc, sò, điệp, dòm. Chính vì thế, ngành khai thác, kinh doanh CCB ở các rạn san hô đã tồn tại và phát triển nhiều năm nay.

 alt

Cá Hoàng đế

Từ nguồn cá cảnh miền Trung, cá được xuất khẩu sang một số nước như Nga, Nhật Bản, Singapore, Mỹ và các nước Châu Âu. Ở Nha Trang, mùa khai thác CCB chính diễn ra từ tháng 3 đến tháng 9, ước tính mỗi tháng có hơn 100 nghìn con CCB bị đánh bắt. Chỉ riêng thành phố Nha Trang đã có hơn chục trại cá chuyên thu mua, đóng gói và xuất khẩu CCB.

Ðánh giá của các nhà khoa học cho thấy, có đến 95% nguồn cá cảnh thương mại được khai thác trực tiếp từ môi trường tự nhiên nơi san hô sinh sống. Việc sưu tầm cá rạn san hô ở khu vực Ðông – Nam Á đã gây ra những thiệt hại to lớn đối với môi trường biển. Kết quả nghiên cứu và giám sát bảy vùng trọng điểm ven bờ biển Việt Nam chỉ ra rằng, nạn đánh bắt hải sản với phương pháp hủy diệt bằng chất nổ và chất độc diễn ra phổ biến, khai thác san hô “cả cụm” làm đồ mỹ nghệ, hòn non bộ cùng những nguyên nhân khác đã khiến 9/10 diện tích rạn san hô ở Việt Nam đang ở tình trạng nguy cấp.

Theo Bộ TNMT, để bảo vệ các rạn san hô và tìm cách phục hồi san hô bị hủy hoại, nhiều địa phương đang áp dụng giải pháp tổ chức các khu bảo tồn biển. Một giải pháp đang được nghiên cứu áp dụng là cho sinh sản nhân tạo các loài cá cảnh và các sinh vật cảnh biển có giá trị kinh tế cao.

Nhìn về tương lai, PGS.TS. Chu Văn Hồi, nguyên Phó Tổng cục trưởng Biển và Hải đảo đề xuất, Việt Nam cần chú ý giảm khai thác tài nguyên vật chất, tập trung khai thác các giá trị dịch vụ, chức năng biển.

Ðể nghề nuôi trồng và kinh doanh CCB gắn bó với bảo vệ môi trường biển và phát triển du lịch, cần thiết phải có giải pháp bảo đảm công ăn việc làm ổn định cho người dân làm nghề đánh bắt CCB, tiến tới hạn chế và xóa bỏ nghề đánh bắt CCB tùy tiện như hiện nay.

 alt

Cá cảnh biển (Ảnh minh họa của TS Võ Sĩ Tuấn)

Ngoài ra, các địa phương cần chú trọng vai trò tự quản của cộng đồng dân cư ven biển, chủ động xây dựng các quy định và phương thức quản lý phù hợp nhằm khai thác và sử dụng giá trị của rạn san hô cũng như là CCB theo hướng bền vững, đáp ứng lợi ích kinh tế hiện tại và bảo đảm tính ổn định lâu dài.

Thống kê cho thấy lợi nhuận thu được từ việc kinh doanh cá cảnh biển rất lớn: trong khi 1 tấn cá kinh tế chỉ trị giá 6.000 USD thì 1 tấn cá cảnh biển lên đến 496.000 USD thậm chí cao hơn nhiều.

Do kỹ thuật nuôi cá cảnh biển ngày mỗi được cải tiến, trang thiết bị hiện đại và hiệu quả, phương tiện vận chuyển cá dễ dàng hơn trước đây nên nghề chơi cá cảnh biển phát triển nhanh ở nhiều nước trên thế giới.

Hằng năm trên thế giới tiêu thụ khoảng 35 triệu con cá cảnh biển, doanh thu đạt hơn 200 triệu USD. Mỗi năm VN xuất khẩu cá cảnh đạt doanh số khoảng 4 triệu USD, trong đó cá cảnh biển chiếm khoảng 10%.

Các loài cá cảnh biển có giá trị xuất khẩu cao là cá hoàng đế (50 – 100 USD/con), cá ngựa (30 – 40 USD/con) và một số loài trong nhóm cá rồng biển (weedy seadragon, Phyllopteryx taeniolatus) có giá đến 10.000 đôla HK. Các loài cá này đều có ở nước ta, tất nhiên là thuộc vào nhóm rất hiếm.

BDN (Nguồn: TNMT, Tuổi Trẻ)

 

RELATED ARTICLES

Tin mới