Tuesday, December 24, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNghiên cứu Việt NamTầm nhìn xa về Biển đảo của các vua Triều Nguyễn (tiếp...

Tầm nhìn xa về Biển đảo của các vua Triều Nguyễn (tiếp theo và hết)

BienDong.Net: Triều Nguyễn, được thiết lập năm 1802, là một triều đại có nhiều gắn bó với biển nhất. Bao thăng trầm trong cuộc đời bôn ba ‘’chân trời, góc biển’’ để dựng nghiệp của Nguyễn Ánh và sau này là vua Gia Long, đã khiến cho ông vua đầu tiên triều Nguyễn quan tâm đặc biệt tới vấn đề chủ quyền biển đảo. Nỗ lực đó đã được kế tục bởi những hậu duệ của ông.

BDN xin trân trọng giới thiệu loạt bài viết của TS. Nguyễn Hữu Tâm (Viện Sử học Việt Nam) về vấn đề này.

Bài 4: Vua Tự Đức quan tâm xây dựng thủy quân

Vua Tự Đức (1829 – 1883) là con thứ hai của Thiệu Trị, tên thật là Nguyễn Phúc Thì (Thời), tên chữ là Hồng Nhậm (Nhiệm). Ông là vị vua thứ 4 của vương triều Nguyễn, lên ngôi năm 1847, niên hiệu là Tự Đức, nổi tiếng là hay chữ và có hiếu với mẹ.

alt 

Một góc Lăng Tự Đức, Huế. Ảnh: Internet

Cũng như các vua đầu triều Nguyễn, khi được trao vương quyền quản lý toàn bộ công việc triều chính, Tự Đức đã lưu tâm ngay đến việc bảo vệ chủ quyền trên đất liền cũng như biển, đảo quốc gia. Điều này được thể hiện rõ trong những Dụ chỉ của vua Tự Đức cho triều thần trị nhậm tại các địa phương ven biển. Vào năm 1873, Vua (Tự Đức) cho rằng, cửa biển Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam là nơi bờ cõi mạn biển quan trọng…, Cũng cùng năm đó, nhà vua lại nhắc nhở quần thần, nâng cao cảnh giác trong việc phòng thủ biển: Bờ biển Cần Giờ cũng là nơi quan yếu, không nên cho là Tây dương (chỉ các nước phương Tây) nó không đến mà sơ phòng.

Do nhận thức được tầm quan trọng của công tác bảo vệ chủ quyền lãnh hải và biển đảo, nên vua Tự Đức một mặt kế thừa truyền thống giữ vững an ninh biên giới của tổ tiên ông cha, đồng thời cũng phát huy việc xây dựng lực lượng thủy quân nhằm phòng thủ và giữ vững cương giới trên biển.

Trước tình hình giặc biển hoành hành tại nhiều tỉnh ven biển như Nghệ An, Quảng Bình, QuảngNam…, nhà vua đã sai quan các tỉnh, đạo canh phòng nghiêm ngặt khắp nơi ven biển trong địa hạt đang cai quản. Tự Đức chủ động tìm hiểu sự tiện lợi cùng những hạn chế của các loại thuyền đang được sử dụng, từ đó đưa ra những phương sách bổ sung loại thuyền phù hợp cùng trang thiết bị vũ khí để tăng cường khả năng vũ trang chống lại tấn công của giặc biển: Gần đây, giặc biển lén lút rất nhiều, các hạng tàu thủy bọc đồng và tàu chiến đi tuần, đều là chậm chạp, tới khi sai phái không thể nhanh chóng được… hay như: Thuyền đi tuần nhiều lần đã sai phái đi vận tải, tuần tiễu đều là đắc lực, nhưng duy có thuyền chiến hai bên hơi thấp, hoặc gặp sóng gió chưa tiện, nghĩ làm cao thêm mỗi bên 1 thước, để tiện cho ra biển.

Vị vua thứ 4 triều Nguyễn còn tỏ ra khá am hiểu vùng biển đảo của cả nước, chỉ rõ những khó khăn trở ngại của loại thuyền nhỏ khi ra biển như sau: Như thuyền Trường Long (Hải Dương, Quảng Yên hiện có hai chiếc đưa về Kinh để thí nghiệm) tuy được nhẹ và nhanh, nhưng thân thuyền hẹp nhỏ, cho ra biển rất là quan ngại. Phận biển hai hạt Hải Dương, Quảng Yên nước nông lại có nhiều hòn đảo có thể đậu được. Các hạt khác từ Thanh Hóa trở vào Nam nước sâu, lại không nhiều chỗ đậu thuyền.

Đặc biệt, nhà vua muốn phát huy sức sáng tạo cùng kinh nghiệm đi biển của cư dân ven biển để tham gia đóng các loại thuyền. Trong đạo Sắc gửi cho bộ Binh, Tự Đức chỉ rõ: Nay Trẫm muốn sai các tỉnh có phận biển khuyên dụ dân ven biển trong hạt tình nguyện đóng thuyền quyên nộp, theo kiểu mẫu nào cho nhẹ và nhanh, liệu dài rộng hơn. Thuyền cần phải để được các cỗ súng Phách Sơn, Quá Sơn, chiểu theo lệ quyên hậu thưởng cho. Ngoài ra, còn quy định rõ công tác phòng thủ, cùng việc sắp xếp, huấn luyện dân binh bổ sung cho lực lượng thủy quân để sẵn sàng chiến đấu và có thể mưu sinh tại các cửa biển trọng yếu: Cửa biển lớn cần phải bố trí trên dưới 10 chiếc thuyền chiến, cửa biển nhỏ 3 đến 5 chiếc thuyền chiến, liệu lựa chọn dân cư ven biển lân cận chia bổ, hoặc vài trăm người, hoặc trên dưới 100 người, vừa đủ làm việc trên các thuyền, đặt ra đầu mục cai quản huấn luyện cấp cho súng và khí giới, lúc có việc thì sai phái, lúc không việc thì làm ăn.

Kinh nghiệm đóng tàu máy dưới các triều Minh Mệnh (1820 – 1840) và Thiệu Trị (1841 – 1847) cũng được vua Tự Đức có ý thức tiếp tục kế thừa. Năm 1863, nhà vua đã sai quan lính đến Hương Cảng (Hồng Công) học tập về phương pháp chế tạo: Vua sai Vũ khố, Thủy sư lựa chọn người nào cẩn thận, thật thà, khéo, khỏe mạnh, lấy 8 người… phái đi theo các tàu máy chạy bằng hơi nước của Tây dương để học tập và chế tạo… Đến năm 1866, lại tiếp tục cử một số lính thợ của các địa phương tới học cách đúc súng, đóng tàu thủy, các loại máy móc… của Pháp tại Gia Định. Song do tình hình chính trị – quân sự phức tạp, giặc biển hoành hành khắp nước, nên triều đình không kiên trì tập trung lực lượng vào việc đóng tàu máy, mà chủ yếu lấy kinh phí Nhà nước đi mua tàu của các nước phương Tây. Trong thời gian gần 36 năm trị vì đất nước (1848 – 1883), Tự Đức đã nhiều lần sai triều thần sang nước ngoài mua các loại thuyền máy tân tiến tăng cường cho lực lượng thủy quân.

Đại Nam thực lục cho biết: Nhà vua để ý đề phòng mặt biển, cho là thuyền máy chạy bằng hơi nước, so với các thuyền là được việc hơn. Tháng 8 – 1865, triều đình sai Viên ngoại lang bộ Công là Hoàng Văn Xưởng đến Mã Lai (Malysia) thuê đóng, đến tháng 9 – 1865, chiếc tàu được đưa về đến cửa biển Thuận An, Kinh thành Huế. Chiếc tàu thủy bằng đồng là loại lớn được đặt tên là Mẫn Thỏa, với chiều dài 11 trượng 2 thước 3 tấc, rộng 1 trượng 6 thước 9 tấc, giá tiền là 135.000 đồng bạc, lại mua thêm các thiết bị phụ thuộc vào tàu là 20.000 đồng bạc, tổng cộng là 155.000 đồng tương đương 111.600 lạng bạc. Ngay năm sau (1866), triều Nguyễn lại mua thêm một chiếc tàu thủy bọc đồng khác đặt tên là Thuận Tiệp, trang bị vũ khí trên tàu có 6 khẩu đại pháo, 5 khẩu mã sang và 8 buồng ở. Tháng 4 – 1870, chiếc tàu chiến đóng theo kiểu tàu Câu Lư của Pháp được đưa về, sách sử chép: Mua tàu đồng lớn tên là Đằng Huy, dài 7 trượng 2 thước 9 tấc 5 phân, rộng 1 trượng 5 thước 1 tấc. Từ tầng trên đến đáy tàu sâu 7 thước 8 tấc 5 phân, giá tiền là 72.824 đồng bạc (mỗi đồng bạc trị giá 5 quan 5 tiền). Năm 1872, triều Tự Đức lại cho mua thêm một chiếc tàu thủy hơi nước, giá tiền là 40.000 đồng bạc. Triều đình đã thuê các thợ kỹ thuật người nước ngoài phụ trách tàu và hướng dẫn quan binh trong nước để nhanh chóng có thể điều khiển các tàu đi vào hoạt động. Lực lượng thủy quân được sự quan tâm thích đáng của vua Tự Đức đã hình thành một đội thuyền chiến bao gồm: Tàu máy hơi nước, thuyền bọc đồng, thuyền hải vận, thuyền Ô, thuyền Lê, thuyền Khoái, thuyền đinh… Trong đó, riêng thuyền bọc đồng được chia thành các hạng nhất, hạng nhì và hạng ba. Các tàu chiến sau một thời gian sử dụng đã lần lượt bị hư hỏng, chìm, gãy, vỡ… Nhất là các tàu máy hơi nước thì việc duy tu, sửa chữa trở nên vô cùng khó khăn và tốn kém. Sử chép: Chiếc tàu Đằng Huy bị hư hỏng phải cho đi đến Hương Cảng để sửa chữa. Sau này, vào năm 1876, tàu Đằng Huy mắc cạn vỡ chìm ở Vũng Áng, Hà Tĩnh, tàu Mẫn Thỏa cũng bị vỡ ở ngay cửa biển Thuận An. Như vậy, vua Tự Đức đã cố gắng xây dựng, nhưng so với đội ngũ tàu chiến cùng trang thiết bị của các nước phương Tây, nhất là nước Pháp thì lực lượng thủy quân thời kỳ này vẫn còn quá thô sơ và lạc hậu. Hai cuộc xung đột quân sự ở cảng biển Đà Nẵng vào các năm 1847 và 1858, đã chứng tỏ sự thua thiệt về mọi mặt của thuyền chiến triều Nguyễn.

Tự Đức làm vua trong giai đoạn lịch sử có nhiều rối ren biến động, tuy ông đã chăm lo chính sự, nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu canh tân đất nước. Chúng ta cần ghi nhận những nỗ lực của vua Tự Đức trong việc xây dựng đội ngũ thủy quân bảo vệ chủ quyền quốc gia cho vương triều Nguyễn.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới