BienDong.Net: Nhiều học giả, nhà nghiên cứu có lương tri ở Trung Quốc đã nhiều lần lên tiếng bác bỏ yêu sách vô lý của chính phủ họ về cái gọi là “đường 9 đoạn”. Lý Oa Đằng là một trong những học giả như vậy.
BDN xin giới thiệu bài viết của học giả Lý Oa Đằng được đăng trên báo quốc nội Tiền Phong.
Trong giới học thuật quốc tế, điểm nóng trong vấn đề Nam Hải không phải là vấn đề chủ quyền đối với các quần đảo, mà là vấn đề “đường chín đoạn”, đây cũng là vấn đề phải xử lý đầu tiên để giải quyết hòa bình tranh chấp Nam Hải. Suy xét đến việc giữ hay bỏ “đường chín đoạn” vừa có tính lý luận, vừa có tính thực tiễn.
Có thể phân tích như sau:
Thứ nhất, việc đưa ra “đường chín đoạn” là không có căn cứ
Các bên trong tranh chấp Nam Hải đều có những căn cứ nhất định chứng minh chủ quyền đối với các quần đảo thuộc Nam Hải, duy nhất chỉ có “đường chín đoạn” của Trung Quốc (TQ) là không có bất cứ một căn cứ nào. Bắt đầu từ sự ra đời của “đường chín đoạn”, như đường đứt đoạn trong “Bản đồ mới của Trung Quốc” do Bạch Mi Sơ biên tập năm 1936 đã thiếu các căn cứ rõ ràng. Tác giả nói rằng khu vực đó là nơi mà ngư dân TQ tiến hành các hoạt động đánh bắt cá, do đó chủ quyền đương nhiên thuộc về TQ. Không có bất cứ chứng cứ nào cho thấy lúc tác giả vẽ lên đường đứt đoạn đó có căn cứ gì, đã điều tra cái gì. Có thể khẳng định, đó là một đường vẽ hết sức chủ quan.
“Đường chín đoạn” chính thức được đưa vào bản đồ TQ (lúc đó là đường mười một đoạn), là lần thứ hai xuất hiện bản đồ về Nam Hải. Bắt đầu từ đó đến bây giờ, cũng không có một định nghĩa nào về “đường chín đoạn”. Không ai biết “đường chín đoạn” rốt cục là cái gì, chính phủ cũng chưa có tuyên bố chính thức nào để giải thích cho đường vẽ này. Có một cách giải thích rằng đây là kết quả của việc tiện tay vẽ một đường của quan chức phụ trách nội chính của chính phủ lúc bấy giờ, ví dụ như Trịnh Tư Ước.
Thứ hai, “đường chín đoạn” không phải là đường lãnh hải của TQ, thiếu địa vị pháp lý
TQ trước giờ luôn nói “đường chín đoạn”. Tuy nhiên trước giờ TQ chưa bao giờ giải thích “đường chín đoạn” rốt cục là cái gì. Nực cười ở chỗ, “đường chín đoạn” vẽ trên bản đồ TQ đã hơn 60 năm, mà cho đến giờ các chuyên gia TQ vẫn tranh cãi không ngớt về thế nào là “đường chín đoạn”. Nhà nước TQ cũng chưa từng tuyên bố chính thức, cũng chưa có văn kiện tuyên bố hoặc giải thích về “đường chín đoạn”.
Theo nghiên cứu, “đường chín đoạn” trong bản đồ TQ đã nhiều lần được chỉnh sửa, ngoài việc bỏ đi hai đoạn vì phân định Vịnh Bắc Bộ với Việt Nam ra còn có nhiều đợt chỉnh sửa nhỏ khác. Điều này cho thấy, “đường chín đoạn” căn bản không có địa vị pháp lý rõ ràng.
Xét từ góc độ pháp lý, “đường chín đoạn” không phải là đường lãnh hải của TQ. Bởi trong “Luật lãnh hải và vùng tiếp giáp của nước CHNDTH” mà TQ công bố năm 1992 quy định lãnh hải của TQ là 12 hải lý tính từ đường cơ sở. Thế nhưng, trong “tuyên bố về đường cơ sở lãnh hải của nước CHNDTH” năm 1996 lại quy định đường cơ sở của quần đảo Tây Sa. Do đó, khu vực ngoài phạm vị 12 hải lý tính từ đường cơ sở của quần đảo Tây Sa đều không phải là lãnh hải của TQ. Nhưng các khu vực đó lại nằm trong “đường chín đoạn”. Điều này đã chứng minh “đường chín đoạn” không phải là đường lãnh hải của TQ.
Có nhiều các chuyên gia luật biển của TQ cho rằng, “đường chín đoạn” không phải là đường lãnh hải, mà là đường giới hạn lãnh thổ, tức chỉ các quần đảo bên trong là lãnh thổ của TQ.
Nếu đã như vậy, thì việc bỏ đi “đường chín đoạn” không còn trở ngại về mặt pháp lý. Chỉ cần xóa đi hoặc sửa lại trên tấm bản đồ là xong.
Thứ ba, “đường chín đoạn” không phù hợp luật pháp quốc tế
Căn cứ các quy định của Công ước Luật biển mà TQ đã tích cực thúc đẩy, ký kết và phê chuẩn, cho dù TQ hoàn toàn lấy được tất cả quần đảo Nam Sa và quần đảo Tây Sa như tuyên bố, thì vùng đặc quyền kinh tế lớn nhất căn cứ theo luật pháp quốc tế và từ vị trí địa lý của các quần đảo cũng nhỏ hơn nhiều so với phạm vi trong “đường chín đoạn”.
Có người cho rằng, đường chín đoạn xuất hiện trước Công ước Luật biển, bởi vậy không chịu sự ràng buộc của Công ước. Điều này thể hiện sự thiếu hiểu biết về Công ước Luật biển. Trên thực tế, sở dĩ các nước trên thế giới cần phải đàm phán xây dựng Luật biển là bởi khi đó, tình trạng khoanh vùng, chiếm giữ các vùng biển trên thế giới diễn ra quá nghiêm trọng, các nước đều điên cuồng mở rộng phạm vi vùng biển của mình, dẫn tới tình trạng xung đột tranh chấp liên tiếp diễn ra. Sự ra đời của Công ước Luật biển chính là để giải quyết tình trạng đó. Nếu lấy lý do “đường chín đoạn” xuất hiện trước Công ước Luật biển để phủ nhận việc Trung Quốc phải tuân thủ Luật biển quốc tế, vậy Công ước Luật biển này cũng đồng nghĩa với một tờ giấy lộn, bởi đường biên giới trên biển của rất nhiều nước trên thế giới đưa ra đều ra đời trước Công ước Luật biển.
Thứ tư, vùng biển phía trong “đường chín đoạn” không phải là vùng biển lịch sử của TQ
Hiện nay đang có cách giải thích rằng vùng biển phía trong “đường chín đoạn” là vùng biển lịch sử của TQ, được quy định trong Luật biển quốc tế. Trên thực tế, vùng biển lịch sử là một khái niệm đặc biệt ra đời trong quá trình xây dựng Luật biển quốc tế, không hề có quy định chính thức. Nhưng có một tiêu chuẩn được các nước công nhận là, một nước tại vùng biển đó trong một thời gian lâu dài thực thi quyền tư pháp và quyền quản lý mà không hề có tranh chấp. TQ rõ ràng không thể đạt được tiêu chuẩn này.
Từ xưa tới nay, Nam Hải là vùng biển chung của các quốc gia xung quanh cũng như các quốc gia có liên quan. Bắt đầu từ thời Hán Trung Quốc, thuyền buôn từ Chiêm Thành (miền Nam Việt Nam), Phù Nam (hiện nay là Campuchia), Ba Tư, Ấn Độ, Arập… đã đi qua khu vực này, và dần dần trở thành lực lượng chủ đạo trên con đường giao thông đường biển tại Nam Hải. TQ cho tới thời Tống – Nguyên mới bắt đầu giữ vị trí quan trọng trong giao thông buôn bán tại Nam Hải, nhưng cũng chưa quan trọng hơn người Arập. Kể từ thời Minh, do hai triều Minh – Thanh trong một thời gian dài thực hiện chính sách cấm biển, địa vị của Trung Quốc trong giao thông tại Nam Hải lại một lần nữa bị giảm sút, các nước mới nổi như Sulu, Brunây và các nước phương Tây như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha chiếm giữ vai trò chủ đạo. Cho tới thời cận đại, các nước Anh, Pháp… lại giữ vai trò chủ đạo trong giao thông tại Nam Hải. Thực tế đã chứng minh, Nam Hải là vùng biển chung của các quốc gia xung quanh cũng như các quốc gia trên thế giới, không phải là tài sản riêng của TQ.
TQ cũng chưa từng thực thi chủ quyền hoàn toàn trong vùng biển phía trong “đường chín đoạn”. Trước khi “đường chín đoạn” xuất hiện, các đảo tại Nam Hải đều không thuộc quyền sở hữu của TQ. Phía Tây của Tây Sa và quần đảo Nam Sa do Pháp chiếm giữ, tàu chiến Anh – Pháp thường xuyên có hoạt động tuần tra tại Tây Sa và Nam Sa. Cho tới năm 1954 Lâm Tôn tiến hành “thu hồi các đảo tại Nam Hải”, TQ lần đầu tiên mới có lực lượng của chính quyền đặt chân lên Nam Sa. Cho tới năm 1974, TQ mới chiếm hoàn toàn quần đảo Tây Sa, nhưng chưa từng chiếm được phần lớn quần đảo Nam Sa. Trong một thời gian dài, tàu thuyền các nước qua lại buôn bán trong vùng biển phía trong “đường chín đoạn” đều không cần có sự phê chuẩn của TQ, TQ cũng chưa từng tiến hành bảo vệ và cứu trợ.
Có người nói, TQ từ sau năm 1947 đã luôn tuyên bố và dùng các hình thức lập pháp để khẳng định các quần đảo trong “đường chín đoạn” là lãnh thổ của TQ. Điều này đã chứng minh chủ trương “đường chín đoạn” mang tính lịch sử. Nhưng cách giải thích này rất đáng buồn cười. Thứ nhất, việc lập pháp chỉ nhằm vào các đảo tại Nam Hải chứ không phải “đường chín đoạn”, “đường chín đoạn” cho tới nay thậm chí vẫn chưa có địa vị pháp lý gì. Thứ hai, tuyên bố và hoạt động lập pháp đều chỉ là hành động bằng miệng và trên giấy tờ, TQ chưa hề hiện thực hóa những việc này.
Thứ năm, “đường chín đoạn” trở thành vật cản giải quyết vấn đề Nam Hải
Trong vấn đề Nam Hải, điều khiến dư luận quốc tế phản cảm nhất chính là “đường chín đoạn”. Điều này do hai nguyên nhân sau:
Thứ nhất, quá ngang ngược. Như ở phần trên đã nói, phạm vi của “đường chín đoạn” vượt xa so với quy định của Luật quốc tế. “Đường chín đoạn” cách rất gần bờ biển của Phillipin, Malaixia, Brunây, nơi gần nhất chỉ cách bờ biển các quốc gia khác mấy chục km. “Đường chín đoạn” đã bóp nghẹt nghiêm trọng không gian sinh tồn của các quốc gia khác.
Thứ hai, TQ xưa nay chưa từng tuyên bố định nghĩa về “đường chín đoạn”, khiến cho các quốc gia quanh Nam Hải nảy sinh sự hiểu lầm nghiêm trọng. Ở trên chúng ta đã phân tích, “đường chín đoạn” trong pháp luật TQ không phải là lãnh hải. Tuy nhiên, Chính phủ TQ chưa hề có tuyên bố rõ ràng về vấn đề này. Điều này dẫn tới việc các nước xung quanh sẽ hiểu nhầm rằng TQ âm mưu chiếm toàn bộ Nam Hải. Trên thực tế, trong số nhân dân TQ cũng có một bộ phận rất lớn hiểu nhầm rằng, vùng biển phía trong đường chín đoạn là lãnh hải của TQ.
Ngoài ra, “đường chín đoạn” còn khiến cho TQ và Inđônêxia, vốn không có tranh chấp lãnh thổ với TQ, cũng nảy sinh mâu thuẫn, bởi “đường chín đoạn” quá gần quần đảo Natuna của Inđônêxia, do đó đã chồng lấn lên vùng đặc quyền kinh tế do Inđônêxia tuyên bố. Điều này đã dẫn tới việc Inđônêxia đứng về phía Việt Nam, Phillipin, Malaixia, Brunây trong tranh chấp Nam Hải. TQ kiên quyết bảo vệ “đường chín đoạn” sẽ bị coi là biểu hiện của việc TQ thiếu thiện chí giải quyết hòa bình vấn đề Nam Hải.
Thứ sáu, bỏ đi “đường chín đoạn” không ảnh hưởng đến vấn đề chủ quyền, do đó càng dễ chấp nhận
Tôi cho rằng, tranh chấp chủ quyền Nam Hải có hai vấn đề, một là vấn đề lãnh thổ, lãnh hải, hai là vấn đề vùng đặc quyền kinh tế. Hai vấn đề này có thể tách ra để giải quyết. Vấn đề lãnh thổ sợ rằng khó để giải quyết, nhưng vấn đề vùng đặc quyền kinh tế có thể dễ dàng hơn đôi chút.
Điều này là do vấn đề lãnh thổ thường bị các phần tử dân tộc chủ nghĩa rêu rao là vấn đề “yêu nước” hoặc “bán nước”, bắt buộc phải lựa chọn. Trạng thái không lý trí của các phần tử dân tộc chủ nghĩa này đã dần dần hạn chế những nỗ lực thương lượng của chính phủ các bên liên quan. Đàm phán thương lượng giữa các bên chính là yếu tố quan trọng bắt buộc để giải quyết tranh chấp lãnh thổ. Như tôi đã viết ở các bài trước, Đảng CSTQ trong giai đoạn uy quyền của những năm đầu thời kỳ lập nước đã có rất nhiều các thương lượng thỏa hiệp, như trong vấn đề Mông Cổ, Triều Tiên, Myanma… nhưng vẫn được các phần tử dân tộc chủ nghĩa ca tụng là một chính phủ cứng rắn nhất. Đó là vì chính phủ trước đây có năng lực để không bị tác động bởi tâm lý dân tộc phi lý tính, còn chính phủ hiện giờ không có các năng lực chấp pháp như thế (Tôi cũng không cho rằng Chính phủ nên làm như thế). Sự phi lý tính của các phần tử dân tộc chủ nghĩa nếu không được điều chỉnh kịp thời, thì sự thỏa hiệp của bất cứ chính phủ nào trong vấn đề chủ quyền lãnh thổ cũng rất có hạn.
Chúng ta đã phân tích rõ, “đường chín đoạn” không phải là đường lãnh hải của TQ. Do đó, thảo luận vấn đề “đường chín đoạn” có thể tránh thảo luận về những tranh cãi trong vấn đề chủ quyền lãnh thổ.
Vấn đề vùng đặc quyền kinh tế là tương đối nhỏ, bởi những tranh chấp trong vùng đặc quyền kinh tế là tài nguyên, mà tài nguyên cũng chính là vấn đề tiền bạc. TQ hiện nay đứng thứ hai thế giới về GDP và là nước sản xuất lớn nhất, tiền đã nhiều lắm rồi. Cái mà các phần tử dân tộc chủ nghĩa xét nét đó chính là “thể diện”, còn đại bộ phận dân chúng đều không chú ý đến vấn đề tranh chấp này.
Làm thế nào để xóa bỏ “đường chín đoạn”?
Tôi cho rằng có 4 cách từ khó đến dễ như sau:
Thứ nhất, đường hoàng xóa “đường chín đoạn” trong bản đồ.
Thứ hai, thu nhỏ phạm vi “đường chín đoạn”, chỉ cần bao gồm các quần đảo ở Nam Hải là được.
Thứ ba, TQ có thể vẽ mới trên bản đồ một đường phân chia vùng đặc quyền kinh tế phù hợp với luật pháp quốc tế để thay thế cho “đường chín đoạn”.
Thứ tư, công bố chính thức rõ ràng ý nghĩa của “đường chín đoạn”, giải tỏa những nghi ngờ của các nước và dư luận về “đường chín đoạn”.
Tôi cho rằng, TQ ít nhất cũng nên làm được điều thứ tư. Điều này là việc nên làm của một nước lớn, vừa có thể giảm thiểu không khí thù địch trong khu vực, vừa có thể xóa đi hiểu lầm trong nhận thức của nhân dân trong nước trong vấn đề Nam Hải, giảm thiểu áp lực của chính phủ trong vấn đề Nam Hải.
BDN