Wednesday, January 15, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiTrung Quốc ngày càng bành trướng ở Thái Bình Dương

Trung Quốc ngày càng bành trướng ở Thái Bình Dương

BienDong.Net: Các quan chức Nhật Bản, Mỹ và Australia đang ngày càng lo ngại trước việc Trung Quốc tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng tại các quốc đảo trên Thái Bình Dương và các cơ sở này được cho là sẽ trở thành nơi trú chân của Hải quân Trung Quốc trong tương lai.

Theo tờ Yomiuri Shimbun, Nhật Bản, Mỹ và Australia có ý định cùng nhau hành động để ngăn chặn Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng tại khu vực Thái Bình Dương thông qua Diễn đàn các đảo Thái Bình Dương và các diễn đàn khác.

Cầu cảng có thể dành cho tàu chiến

Vào cuối tháng Bảy, một tàu tuần tra 1.900 tấn của New Zealand đã cập bến tại thủ đô của vương quốc Tonga. Toàn bộ cầu tàu dành cho các phà chở khách được xây dựng hoàn toàn bằng tiền đầu tư của Trung Quốc. Một chiếc cầu dài khoảng 120 mét và chân cầu sâu xuống biển khoảng 20 mét giúp cầu tàu này có thể nhận tàu chiến.

Cầu cảng Vuna ở Vương Quốc Tonga được xây dựng bằng tiền viện trợ của Trung Quốc.

Cầu tàu này bị lốc xoáy làm hư hại vào năm 1982 và từ đó về sau vẫn không được tu bổ. Tuy nhiên Trung Quốc đã cho Tonga vay lãi suất thấp tổng số tiền 16 triệu USD trong giai đoạn 2009 – 2012. Toàn bộ chi phí xây dựng lại cầu cảng được lấy từ số tiền này và cầu cảng mới được hoàn thành vào cuối năm ngoái.

Các công nhân của một nhà thầu phụ Trung Quốc cho dự án này đã chụp hình cầu cảng này sau khi hoàn thành.

Ở Tonga, tiền viện trợ của Trung Quốc cũng được dùng để sửa chữa đường sá, các khu trung tâm và thậm chí các dinh thự của nhà vua. Trong giai đoạn 2009 – 2012, Bắc Kinh đã viện trợ cho Tonga tổng cộng 62 triệu USD để xây dựng cơ sở hạ tầng trong đó có dự án xây cầu cảng Vuna. Từ năm 2011 tới năm 2013, Bắc Kinh cho quốc đảo này vay tiếp một khoản khác trị giá 47 triệu USD để sửa chữa đường xá.

Theo Quĩ tiền tệ quốc tế (IMF), các khoản vay của Trung Quốc dành cho Tonga đóng góp khoảng 30% tổng thu nhập quốc dân (GDP) của quốc đảo này.

Một nguồn tin quân sự Australia cho hay Trung Quốc đang dùng viện trợ để lôi kéo Tonga về phía mình và cầu cảng Vuna có thể được dùng để làm nơi cập cảng tàu chiến.

Theo thông tin từ báo giới, trong đó có tờ Post – Courier của Papua New Guinea, năm 2010, một công ty Trung Quốc đã giành được hợp đồng mở rộng cảng cá ở Madang, phía đông bắc Papua New Guinea. Năm ngoái, ở Lae, phía nam Madang, một công ty Trung Quốc khác đã giành được một hợp đồng mở rộng cảng hàng hóa. Năm 2011, Trung Quốc quyết định gia hạn khoản vay lãi suất thấp 71,2 triệu USD cho quốc đảo này.

Giới chức tỉnh Papua ở phía đông Indonesia cho hay một công ty Trung Quốc đã mua một phần cảng cá ở khu vực Merauke thuộc tỉnh này, khu vực tiếp giáp với Papua New Guinea. Các tàu cá Trung Quốc được độc quyền sử dụng cảng và có kế hoạch mở rộng cơ sở này.

Trung Quốc đã bắt đầu sử dụng các cảng ở Nam Thái Bình Dương để tăng cường ảnh hưởng của mình. Trong một cuộc họp các ngoại trưởng Trung Quốc và các quốc gia ASEAN, Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Liu Zhenmin thông báo rằng nước này sẽ tài trợ tổng cộng khoảng 471 triệu USD để xây các cảng cá và thành phố cảng cho các quốc gia ASEAN.

“Chuỗi ngọc trai” mới

Một nguồn tin chuyên về quan hệ Nhật – Mỹ nhận định rằng những hành động vừa qua của Trung Quốc cho thấy nếu Mỹ và đồng minh tìm cách chặn các tuyến đường hàng hải then chốt thì Trung Quốc muốn bảo vệ các tuyến đường biển khác nối Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương.

Trung Quốc tăng cường xây dựng cảng tại nhiều quốc đảo ở nam Thái Bình Dương.

Trong trường hợp có biến cố với Mỹ, Trung Quốc có thể sẽ sử dụng các vùng biển xa xôi ở khu vực nam Thái Bình Dương. Trong khi đó, quân đội Mỹ có thể sử dụng đảo Guam và các căn cứ quân sự để tiến hành các hoạt động của mình ở Châu Á.

Trung Quốc cũng đã viện trợ cho việc xây dựng các cảng ở Sri Lanka, Pakistan và các quốc gia khác dọc Ấn Độ Dương. Mạng lưới cơ sở hàng hải trên của Trung Quốc được đặt tên là “Chuỗi ngọc trai”, bao vây Ấn Độ. Tại thành phố cảng Gwadar của Pakistan, một công ty nhà nước Trung Quốc đã giành quyền kiểm soát cảng này từ tay một công ty Singapore. Cảng này sẽ đóng vai trò là bốt hàng hải chiến lược cho Hải quân Trung Quốc.

Có vẻ như Bắc Kinh đang nỗ lực tạo dựng một “Chuỗi ngọc trai” khác trên Thái Bình Dương, khu vực mà cho tới nay Mỹ đang giữ vị trí bá chủ.

BDN (Theo Infonet)

RELATED ARTICLES

Tin mới