BienDong.Net: Kết quả nghiên cứu của nhóm các nhà địa chất học Mỹ công bố trên tạp chí Khoa học địa lý Tự nhiên của Anh số ra ngày 5.9 cho biết họ đã phát hiện một núi lửa nằm dưới lòng Thái Bình dương không chỉ lớn nhất trên Trái đất mà còn có thể “ăn đứt” các đối thủ khổng lồ khác trong Hệ Mặt trời.
Được đặt tên Tamu Massif, núi lửa khổng lồ này là một phần thuộc khu vực Rise Shatsky nằm cách phía Đông Nhật Bản khoảng 1.600km.
Núi lửa này chỉ gồm một mái vòm khổng lồ duy nhất mang hình dạng lá chắn, được hình thành do nham thạch từ một đợt phun trào khoảng 144 triệu năm trước.
Diện tích của Tamu Massif vào khoảng 310.000km2 (tương đương diện tích của Anh và Ireland gộp lại), với sườn dốc có độ cao khoảng 3,5km so với đáy biển.
Từ trước tới nay, các nhà khảo sát đại dương đều phỏng đoán rằng Tamu Massif là một hệ thống rộng lớn gồm nhiều núi lửa kết hợp, như dạng núi lửa vốn đã xuất hiện tại khoảng chục địa điểm trên khắp hành tinh của chúng ta.
Chỉ đến khi nhóm các nhà khoa học do William Sager tại Đại học Texas A & M (Mỹ) tiến hành nghiên cứu tổng thể thì Tamu Massif mới được công nhận là ngọn núi lửa đơn lẻ với kích thước cực lớn. Cái tên Tamu là chữ cái đầu của trường Texas A&M University.
Các chuyên gia địa chất đã tập hợp dữ liệu của các mẫu đá lấy từ một dự án khoan đáy Thái Bình Dương và một biểu đồ đáy biển thu được từ máy quét địa chấn xâm nhập sâu đặt trên tàu khảo sát.
Kết hợp các dữ liệu phân tích với nhau, kết quả cho thấy các siêu núi lửa được tìm thấy tại các phần khác của Hệ Mặt Trời có những “anh em họ” trên Trái Đất. Sự đa dạng của núi lửa Trái Đất chưa được hiểu rõ vì những “quái vật” này ẩn náu dưới đáy biển.
Trong khu vực, Tamu Massif gần tương đương với Quần đảo Anh hay Núi lửa Olympus Mons trên sao Hỏa, và được coi là ngọn núi lửa lớn nhất trong Hệ Mặt Trời. Trước đây, núi lửa Olympus Mons từng được ví là “gã khổng lồ” với chiều cao hơn 20km và khối lượng lớn hơn khoảng 25%, tuy nhiên, so với Tamu Massif thì Olympus Mons lại có độ sâu tương đối nông. Trong khi đó, Tamu Massif lại ăn sâu vào vỏ Trái Đất khoảng 30km.
Hiện các nhà khoa học không chắc chắn rằng núi lửa này vẫn còn hoạt động vì Tamu Massif được hình thành trong khoảng thời gian ngắn từ một triệu đến vài triệu năm, và rất có thể nó đã “ngủ yên”.
BDN (theo VNA)