Friday, January 3, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnDân mình bám biển: Anh Mỵ mù và chiếc đài báo bão

Dân mình bám biển: Anh Mỵ mù và chiếc đài báo bão

BienDong.Net: Rồi sẽ đến ngày những con tàu cá ra khơi xa được trang bị các thiết bị dự báo thời tiết hiện đại giúp họ tránh những rủi ro.

Nhưng cho đến khi ấy, và kể từ rất lâu rồi, chiếc đài báo bão do một người khiếm thị tự nguyện vận hành đã ngày đêm tạo nhịp cầu nối giữa người đi biển với nhau và với người trong đất liền, góp phần cứu sống bao nhiêu số phận trên biển.


Anh Mỵ bên bộ đàm liên lạc với ngư dân trên biển

Anh Nguyễn Văn Mỵ (SN 1961) bị mù từ nhỏ. Cuộc sống của ngư dân vùng biển bãi ngang đã khổ, người mù vùng biển trăm lần khổ hơn. Nhưng, anh Mỵ không bị số phận cướp đi tất cả, bởi anh có rất nhiều tài vặt như sửa các đồ điện tử; đánh đàn ghi ta rất hay.

Bị mù, nên anh Mỵ thường lấy việc nghe đài làm vui. Qua nghe đài, Mỵ biết ở Đà Nẵng và nhiều tỉnh miền Trung ngư dân đi biển thường có bộ đàm đặt ở nhà để liên lạc khi gặp mưa, bão hay sự cố tàu hỏng hóc trên biển. Mỵ bàn bạc với vợ “Hay là nhà ta mua một bộ, anh ở nhà rồi liên lạc với bà con, trước đến giờ bà con giúp nhà mình nhiều nhưng mình có giúp được gì với bà con mô”. Thế là, hai vợ chồng thống nhất vay được 2 triệu đồng từ tiền xóa đói, giảm nghèo của ngân hàng cộng với vay mượn trong làng được gần 5 triệu đồng. Có tiền, anh mua ngay máy bộ đàm để làm một đài phát tín hiệu từ đất liền mà anh tự đặt tên là đài “Biển gọi”. Anh nhớ như in đó là ngày đầu mùa cá năm 1994…

Chính những người ruột thịt của anh Mỵ ở trong làng vẫn không tin nổi vào mắt mình. Anh Hùng, người hàng xóm của Mỵ vẫn còn nhớ như in ngày đó khoảng năm 1994: “Tui kêu mọi người tới xem thằng Mỵ nó bày cái trò này…, hôm đó cả xóm được coi Mỵ mày mò sửa những chỗ bị đứt, hỏng (vì máy bộ đàm mua lại) và liên lạc với các tàu đánh cá của bà con ngoài khơi”. Anh Mỵ tự đặt tên cho máy bộ đàm của mình là “Biển gọi”, như vậy ở tần số B40 các tàu đánh cá ở ngoài khơi có thể liên lạc với anh để nhờ hỗ trợ và đặc biệt phát đi những tín hiệu cảnh báo giúp cho ngư dân tránh bão.

Ngày đầu tiên máy bộ đàm của anh Nguyễn Văn Mỵ bắt được tín hiệu của một tàu ngư phủ trong làng đang đánh bắt cách đất liền hàng trăm km. Lúc đầu chỉ có vài người, rồi hàng chục người, hàng trăm người, cả nhà anh chật ních người làng đến nghe chuyện của người làng mình đang trên biển trao đổi với Nguyễn Văn Mỵ. Từ đài liên lạc của anh, rất nhiều ngư dân đã được cứu sống trong gang tấc khi đối mặt với thủy thần.

Kể từ đó, số ngư dân được anh Mỵ cứu sống ngày càng tăng lên, không chỉ người dân trong làng biết đến anh mà tất cả những ai đang đánh cá ở gần tần số B40 đều liên lạc được. Những người được anh cứu sống đi biển về đều quay trở lại hậu tạ anh, nhưng: “Bà con quê tui còn nghèo nên tui cũng không đòi hỏi chi cả, mỗi khi tàu về đất liền, bà con cho vài ba cân cá để vợ đem ra chợ bán. Hàng ngày, tui trực bộ đàm, còn vợ bán thêm bánh canh, bánh ướt nuôi 5 đứa con… ”, anh Mỵ tâm sự.

Công việc thường ngày của anh Mỵ là thường xuyên nghe dự báo thời tiết của Đài Tiếng nói Việt Nam trước 10 ngày coi có bão hay gió mùa để báo lại cho các tàu đánh bắt trên biển biết để phòng tránh. Đồng thời, thông tin đánh bắt trên biển như cá được khoảng bao nhiêu, loại cá gì… ngư dân lại báo cho anh để anh báo lại cho bà con trên đất liền biết ngày tàu về vào lạch Ròn nhận hàng đem đi tiêu thụ. Từ đó, máy bộ đàm của anh trở thành kênh thông tin hai chiều đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho ngư phủ ở miền Trung.

Anh My kể: Đài “Biển gọi” của tôi mở liên tục 24 giờ trong ngày. Tôi nghe dự báo thời tiết của đài Tiếng nói Việt Nam, đài Duyên hải để thông tin kịp thời cho các đội tàu biết. Hệ thống thông tin hiện thời không những phục vụ cho các đội tàu ở Xuân Hòa mà còn phục vụ cho các tàu ở Quảng Ngãi, Bình Định. Mới đây thôi, tàu 39 của anh Tin ở làng bị lốc đánh chìm, anh Tin thất thanh kêu: “Biển gọi ơi, tàu tôi bị lốc đánh chìm, định vị tọa độ… Cứu… cứu!”. Anh Mỵ liên lạc ngay cho các tàu bạn đến cứu sống 7 người trên tàu.

Hay thuyền anh Bình ở Bình Định bị hỏng máy, họ phải gọi vào máy anh nhắn thuyền ra giúp đỡ. Đài “Biển gọi” của anh không chỉ báo thời tiết cho các tàu trên biển mà còn báo tin vui chuyện gia đình cho các ngư phủ của làng và thông báo cho dân làng những chiếc tàu cập bến chở cá về.

Từ ngày có đài “Biển gọi” của anh Mỵ, những sự cố trên biển với ngư dân Xuân Hòa giảm hẳn. Ngư phủ trong làng vui lắm. Họ yên tâm đi biển dài ngày hơn. Tiền công cho đài anh Mỵ chỉ là những lời khen ngợi, động viên và dăm con cá tươi mà các chủ tàu thuyền đến biếu…

Anh Mỵ mở máy. Tiếng máy khọt khẹt đầy tạp âm. Anh chỉnh tần số bằng đôi tai thính nhạy. Giọng anh vang rõ: “Đài Biển gọi ở Xuân Hòa đây, tàu 39, 61, 29… có nghe rõ không? Hiện nay đang có gió mùa Đông Bắc ở vùng biển này, cấp gió nguy hiểm lắm, các tàu ở gần khu vực đó cần phải trú ẩn”.

Tiếng anh Mỵ vượt qua hàng ngàn con sóng để đến với các ngư dân đang lênh đênh trên biển. Rành rọt tiếng những ngư dân trên tàu trả lời: “Nhận được tin rồi, đang tìm chỗ tránh, trong đất liền có chuyện chi không? Nhắn với gia đình anh em ngoài ni an toàn. “Biển gọi” có nghe rõ không?”. Anh Mỵ đáp lời: “Nghe rõ”. Chỉ vài câu thế thôi, mà người ở nhà và người đang lênh đênh trên biển cảm thấy ấm lòng và tự tin đến kì lạ.

BDN (biên tập theo TP và báo GTVT)

RELATED ARTICLES

Tin mới