BienDong.Net: Giới chức ASEAN – Trung Quốc đang bàn về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), giữa lúc tranh chấp chủ quyền tại vùng biển này đang căng thẳng.
Ngày 14.9 tại thành phố Tô Châu thuộc miền đông Trung Quốc, đại diện ngoại giao 10 nước ASEAN và nước chủ nhà bắt đầu cuộc hội đàm 2 ngày nhằm thiết lập COC. Kyodo News dẫn lời giới chức ASEAN cho hay trong ngày đầu, đại diện hai bên bàn chi tiết của dự thảo COC và trình kết quả thảo luận cho quan chức cấp cao hai bên xem xét vào ngày thứ hai.Theo lịch trình, hai bên còn tập trung thảo luận về việc thực thi Tuyên bố ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC) được ký hồi năm 2002. Kết quả của cuộc họp dự kiến sẽ được đưa vào tuyên bố chung sau cuộc gặp thượng đỉnh ASEAN – Trung Quốc ở Brunei vào tháng tới.
Việc các ngoại trưởng ASEAN và Trung Quốc hồi tháng 6 quyết định tổ chức cuộc họp tại Tô Châu được cho là bước tiến đáng kể trong vấn đề Biển Đông. Giới quan sát cũng khẳng định cần sớm cho ra đời COC để giải quyết căng thẳng do tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông hiện nay.
Mặc dù một số nhà phân tích cho rằng Trung Quốc gần đây tỏ ra “bớt cứng rắn hơn” trong thái độ đối với ASEAN, song vẫn có không ít hoài nghi về ý đồ thực sự của nước này. Còn nhớ hồi tháng 8, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị từng nhấn mạnh “Trung Quốc không thấy có gì phải vội” để đi đến COC. Ngoài ra, trước khi cuộc họp diễn ra vài ngày, phía Trung Quốc đã có nhiều động thái thị uy. Cụ thể, ngày 12.9, Phó chủ tịch Quân ủy T.Ư Trung Quốc Phạm Trường Long thăm một đơn vị hải quân ở tỉnh Quảng Đông, vốn tiếp giáp Biển Đông, và ra lệnh binh sĩ tại đây tăng cường khả năng sẵn sàng tác chiến, theo Tân Hoa xã.
Cũng trong ngày 12.9, Reuters dẫn lời Tư lệnh hải quân Trung Quốc Ngô Thắng Lợi tuyên bố sẽ cân nhắc về việc đưa tàu sân bay Liêu Ninh vào tác chiến trong vòng vài năm tới. Đến ngày 13.9, Bộ Quốc phòng Trung Quốc ra thông cáo cảnh báo Mỹ tránh xa tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
AFP dẫn thông cáo cho hay khi tiếp Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ James Miller hồi đầu tuần, Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Vương Quán Trung nói Bắc Kinh hy vọng Washington sẽ không trở thành bên thứ ba trong các tranh chấp ở Biển Đông và Hoa Đông.
Đáp lại, ông Miller nhấn mạnh Washington phản đối dùng vũ lực giải quyết tranh chấp chủ quyền và Mỹ có trách nhiệm bảo vệ theo hiệp ước đã ký với một số nước ở hai vùng biển trên.
Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh
Trong khi đó, trao đổi với báo chí tại Brunei ngày 11.9, Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh cho rằng giải quyết những xung đột gần đây giữa một số nước thành viên ASEAN và Trung Quốc trên Biển Đông có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực. Theo ông Minh, Biển Đông không phải là vấn đề duy nhất trong quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc. Về tổng thể, quan hệ hợp tác hai bên đang rất đáng khích lệ và tốt đẹp, Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại lớn và quan trọng nhất của ASEAN. Để đảm bảo Biển Đông không ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác toàn diện, Trung Quốc cần ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong vấn đề này. ASEAN đã đưa ra bản nguyên tắc 6 điểm dựa trên việc tôn trọng luật pháp quốc tế như Công ước LHQ về luật biển (UNCLOS) 1982, cam kết giải quyết căng thẳng thông qua các biện pháp hòa bình, kiềm chế không sử dụng vũ lực. ASEAN và Trung Quốc cũng đã có chung Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) từ năm 2002, là nền tảng quan trọng để xây dựng Bộ quy tắc ứng xử (COC) mà hai bên đã thống nhất tiến hành ngay các bước tham vấn chính thức để hoàn thiện càng sớm càng tốt.
BDN (Nguồn: SGTT và VietNamNet)