BienDong.Net: Ngày 18/9, Singapore đã khánh thành nhà máy xử lý nước biển Tuaspring công suất 70 triệu gallon nước ngọt/ngày, trở thành nhà máy lớn nhất Đông Nam Á.
Với công trình này, các nhà máy lọc nước biển tại Singapore đã có khả năng cung cấp ¼ nhu cầu nước ngọt của cả nước.Nhà máy Tuaspring được khởi công xây dựng từ năm 2011 trên diện tích 14 hécta ở Tuas, miền Tây Singapore với vốn đầu tư 1,05 tỷ SGP (tương đương 840 triệu USD), tiếp theo sau nhà máy khử mặn đầu tiên đi vào hoạt động từ năm 2005.
Mô hình một nhà máy xử lí nước biển thành nước ngọt
Lọc nước biển thành nước ngọt là giải pháp lựa chọn đối với không ít quốc gia và vùng lãnh thổ khan hiếm nước. Các nhà khoa học dự báo đến năm 2016, lượng nước ngọt có nguồn gốc từ nước biển sẽ lên đến khoảng 38 triệu m3, cao gấp đôi so với năm 2008. Nước biển được ép qua màng chất dẻo bán thấm siêu mỏng. Các phân tử lớn hơn như sắt, muối không qua được màng sẽ bị giữ lại và nước ngọt được lọc sang phía bên kia. Phương pháp này tốn ít năng lượng hơn so với các công nghệ khử mặn trước đây như công nghệ chân không đun nước biển để thu nước ngọt từ hơi nước ngưng tụ. Mặc dù vậy, với các nhà máy sử dụng công nghệ thẩm thấu ngược, chi phí dành cho năng lượng vẫn chiếm tới 40% chi phí vận hành.
Các loại màng thẩm thấu ngược đã được cải tiến rất nhiều từ khi ra đời những năm 1960. Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, vi khuẩn trong nước tích tụ lại trên màng làm giảm hiệu quả của thiết bị. Clo có tác dụng làm sạch vi khuẩn, nhưng loại màng thẩm thấu ngược phổ biến hiện nay lại rất nhạy cảm với Clo và nhanh chóng bị phân hủy khi tiếp xúc với hóa chất này. Chi phí xây dựng và vận hành nhà máy khử mặn dùng công nghệ thẩm thấu cũng rất đắt đỏ. Với chi phí lớn, các nước đang phát triển rất khó hi vọng khai thác nước biển để thỏa mãn cơn khát của mình. Một vấn đề khác là xử lí nước muối sinh ra trong quá trình khử mặn vì nước muối thải ra sẽ gây ô nhiễm môi trường.
Do đắt đỏ như vậy nên hiện tại những dự án lớn khử mặn nước biển vẫn là công trình của các nước giàu về tài chính. Hiện tại, dự án nhà máy khử mặn nước biển lớn nhất thế giới đang được xây dựng tại Ras Az Zawr, A rập Xê út với kinh phí 1,46 tỉ USD, công suất 228 MIGD (1 migd tương đương 3810 m3 nước/ngày, đáp ứng nhu cầu của 3,5 triệu dân sẽ đi vào sản xuất nửa cuối năm nay. 5 trong số các thiết bị phục vụ nhà máy này được Công ty công nghiệp nặng Doosan Việt Nam (Doosan Vina) chế tạo tại Khu kinh tế Dung Quất.
Tại Việt Nam, từ nhiều năm nay đã có những nỗ lực khiêm tốn nhằm lọc nước biển cung cấp cho các đảo xa thiếu nước nhưng hiệu quả còn hạn chế, chủ yếu do chi phí quá cao. Một ví dụ điển hình là Nhà máy xử lý nước biển thành nước ngọt có công suất 200 m3 một ngày/đêm, với vốn đầu tư 1 triệu USD do công ty Doosan của Hàn Quốc xây tặng đảo Bé (xã An Bình), huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi. Sau 6 tháng hoạt động suôn sẻ, đến tháng thứ 7 – tháng không còn miễn phí nước ngọt nữa, muốn nhà máy vận hành, người dân phải góp tiền để mua nhiên liệu. Để có một m3 nước ngọt, dân phải bỏ ra 119.000 đồng tiền mua dầu, đắt gần gấp đôi số tiền mua một khối nước ngọt từ đảo Lớn chở qua. Đứng trước bài toán này, người dân đã chọn cách là sang đảo Lớn mua nước. Để cho nhà máy khỏi thành đống sắt vụn, chính quyền địa phương phải trích ngân sách ra để mua dầu, nhưng 3 ngày mới nổ máy một lần, mỗi lần cũng chỉ cấp được cho mỗi người dân 1 lít nước ngọt.