BienDong.Net: Philippines đã thuê một nhóm chuyên gia pháp lý quốc tế dày dặn kinh nghiệm để giúp chuẩn bị các văn kiện cần thiết đệ trình lên tòa án trọng tài Liên Hiệp Quốc trước thời hạn cuối tháng 3 năm tới trong vụ kiện bản đồ đường lưỡi bò của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tờ “Manila Bulletin” ngày 30.9 cho biết nhóm chuyên gia này đang chuẩn bị các lập luận để chứng minh rằng yêu sách đường 9 đoạn là vô căn cứ chiểu theo Công ước LHQ về Luật Biển.
Họ cũng tìm cách làm rõ ràng các giới hạn lãnh thổ theo luật định của những bãi cạn, bãi đá ngầm như bãi Scarborough. Dẫn đầu đội ngũ này là luật sư Paul Reichler đến từ Washington.
Người Philippines biểu tình phản đối đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Ảnh: Getty Images
Các chuyên gia pháp lý độc lập mô tả đội ngũ này là “xuất sắc” với những kinh nghiệm phong phú về Luật Biển.
Về phần mình, Trung Quốc tiếp tục từ chối tham gia vụ kiện, nói rằng nó “không có giá trị pháp lý” và dọa sẽ bác bỏ bất kỳ kết quả nào. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói, Bắc Kinh coi đó là sự vi phạm tuyên bố năm 2002 giữa Trung Quốc và ASEAN.
Theo các quan chức ngoại giao Philippines, Bắc Kinh đã yêu cầu Manila từ bỏ vụ việc như một điều kiện cho chuyến công du của Tổng thống Benigno Aquino tới Trung Quốc tham dự hội chợ thương mại Trung Quốc – ASEAN.
Việc Philippines tập hợp đội ngũ chuyên gia pháp lý quốc tế để hỗ trợ vụ kiện chưa từng có theo UNCLOS, bỏ qua mọi áp lực đang ngày càng gia tăng từ Bắc Kinh nhằm ngăn chặn vụ kiện được một nhà quan sát ASEAN đánh giá như một “cuộc chiến ủy nhiệm” trên Biển Đông.
Theo các chuyên gia pháp lý, kết quả của vụ kiện, phán quyết của tòa án có thể sẽ không được thực hiện, nhưng nó lại rất có trọng lượng về mặt chính trị, ngoại giao.
Storey, một học giả thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore nhận xét, Philippines đã đầu tư một lượng lớn nguồn vốn chính trị trong ván cờ pháp lý này, và họ muốn đảm bảo nó sẽ thành công.
Ông nhận định: Khi đã khởi kiện, nếu Philippines đưa ra các chứng lý ít thuyết phục thì sẽ rất nguy hiểm, bởi Bắc Kinh sẽ được thể theo đuổi yêu sách (phi lý) của họ ở Biển Đông, thậm chí Trung Quốc sẽ còn hung hăng hơn.
Theo Reuters, Mỹ, Nhật Bản, Việt Nam đang đặc biệt quan tâm theo dõi diễn biến của vụ kiện. Ngoài ra các nước Châu Âu, Nga, Ấn Độ và Hàn Quốc cũng đang theo dõi những động thái trên tuyến đường hàng hải trọng yếu và vùng biển giàu tài nguyên này.
Giáo sư Clive Schofield
Tuy nhiên một học giả về Luật Biển, Clive Schofield, giáo sư tại đại học Wollongong, Australia tỏ ra khá lạc quan về vụ kiện của Philippines. Ông cho rằng vụ kiện này có thể tiến triển nhanh hơn cả dự kiến của Manila.
“Philippines sẽ có thể trình bày lập luận của mình vào nội dung chính của vụ kiện ngay sau khi các rào cản pháp lý được khắc phục. Nếu tôi ở vào vị trí của Philippines bây giờ tôi sẽ hạnh phúc hơn so với trường hợp tôi ở vào vị trí của Trung Quốc”, Schofield nói.
BDN (tổng hợp)