Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiThượng đỉnh APEC và cấp cao ASEAN: Vẫn trăn trở vấn đề...

Thượng đỉnh APEC và cấp cao ASEAN: Vẫn trăn trở vấn đề Biển Đông

BienDong.Net: Theo RFI, Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương APEC bế mạc hôm 08.10.2013 tại Bali (Indonesia) với Chương trình nghị sự chủ yếu liên quan đến vấn đề tự do hóa thương mại giữa 21 nền kinh tế trong khối.

Thế nhưng, thông qua một loạt tuyên bố của các lãnh đạo, đặc biệt trong các cuộc họp song phương bên lề hội nghị, tranh chấp biển đảo giữa Trung Quốc với các láng giềng – trong đó có vấn đề Biển Đông – vẫn tiếp tục được quan tâm.

Phát biểu trong diễn văn kết thúc Hội nghị tập hợp 21 quốc gia và vùng lãnh thổ gồm hơn 3 tỷ dân, chiếm hơn một nửa nền kinh tế thế giới, từ nước nhỏ như Singapore, Brunei cho đến các cường quốc như Mỹ, Nhật hay Trung Quốc, Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono của nước chủ nhà Indonesia đã nhấn mạnh: “Sự hợp tác chặt chẽ sẽ dẫn đến tình hình các bên đều có lợi, đặc biệt vào thời điểm nền kinh tế thế giới vẫn chưa hoàn toàn hồi phục”.

Bản Tuyên bố chung của APEC 2013 chủ yếu là một sự lặp lại của các mục tiêu lâu dài từng được đề ra từ trước. Chỉ có một vài yếu tố mới, chẳng hạn như việc xem xét vấn đề an ninh lương thực, nguồn nước và năng lượng một cách “toàn diện”, tính tới cả nhân tố gia tăng dân số lẫn biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, điều thu hút sự chú ý là các hồ sơ nóng trong khu vực, trong đó có tranh chấp chủ quyền trên vùng Biển Đông giữa Trung Quốc và bốn nước ASEAN: Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei.

Vấn đề này đã được Thủ tướng Nhật Bản chủ động nêu lên trong hai cuộc tiếp xúc song phương với Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang và Tổng thống Indonesia Yudhoyono.

Theo Thư ký báo chí Bộ Ngoại giao Nhật Bản bà Kuni Sato, trong cả hai cuộc hội đàm, các lãnh đạo đều nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại và trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc.

Hãng tin Nhật Kyodo còn cho biết thêm là trong cuộc gặp Chủ tịch nước Việt Nam, ông Abe còn gián tiếp đả kích Trung Quốc về việc đã có những hành động đơn phương nhằm “thay đổi hiện trạng bằng vũ lực” tại các vùng đang tranh chấp.

Liên quan đến vấn đề Biển Đông, Tổng thống Philippines Benigno Aquino là một trong những nhà lãnh đạo luôn thu hút mối quan tâm của mọi người. Nói chuyện với các nhà báo Philippines vào tối 07.10, ông ghi nhận một vài tiến bộ trong các cuộc đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc nhằm hướng tới một bộ quy tắc ứng xử tại vùng Biển Đông. Theo ông Aquino: “Tôi không nói rằng việc ký kết bộ Quy tắc ứng xử đã gần kề… Nhưng đây đang là vấn đề hàng đầu trong tâm trí mọi người” sau 10 năm bị gác qua một bên.

alt 

Toàn cảnh cuộc họp giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry với các nước Asean tại Bandar Seri Begawan ngày 9.10.2013. Ảnh REUTERS/Ahim Rani

Theo các nhà quan sát, đa số các lãnh đạo tập trung tại Bali đã đi thẳng đến Brunei để tham gia Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN và Đông Á, nơi mà vấn đề Biển Đông lại được gợi lên, thậm chí còn mạnh mẽ hơn nữa.

Theo báo quốc nội Tuổi trẻ, phát biểu tại Hội nghị cấp cao ASEAN 23 khai mạc ở Brunei sáng 9.10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng một cộng đồng ASEAN đoàn kết, liên kết, vững mạnh và phát huy vai trò chủ đạo trong việc bảo đảm hòa bình, an ninh và phát triển thịnh vượng ở khu vực.

Trao đổi về các vấn đề khu vực, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh trong việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông, các bên liên quan cần giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, kiềm chế, không sử dụng vũ lực; tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS); thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và thúc đẩy xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Thủ tướng nói: “Với tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp, ASEAN càng cần phải tiếp tục đoàn kết, phát huy vai trò chủ đạo và tiếng nói chung…”. Thủ tướng kêu gọi ASEAN và Trung Quốc sớm đạt được Bộ quy tắc COC.

Theo Reuters, nhân hội nghị thượng đỉnh ASEAN diễn ra trong hai ngày 9 và 10.10.2013 tại Brunei, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, thay mặt Tổng thống Mỹ Barack Obama đi dự hội nghị do chính quyền liên bang ngừng hoạt động, bày tỏ hy vọng thuyết phục được lãnh đạo các nước Đông Nam Á và Trung Quốc tiến hành thảo luận về các tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông trong trao đổi với các nhà lãnh đạo 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), và với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.

Hôm 10.10, trả lời báo giới bên lề Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 8 tại Brunei, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nêu rõ trong dài hạn, Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) là hết sức cần thiết và các bên liên quan (tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông) cần có trách nhiệm làm sáng tỏ các đòi hỏi chủ quyền của mình và các đòi hỏi này phải phù hợp với luật pháp quốc tế.

Cùng ngày, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, bày tỏ hy vọng các bên liên quan trong tranh chấp lãnh hải trên Biển Đông sẽ sớm hoàn tất COC mang tính ràng buộc pháp lý đồng thời nhấn mạnh vùng biển này phải được quản lý bằng luật pháp chứ không phải bằng vũ lực.

Trước đó, ngày 09.10, các nhà lãnh đạo Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN – Trung Quốc lần thứ 16 tại Brunei.

Hiện nay Bắc Kinh đòi hỏi chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông, và có thái độ lần khần không muốn thương lượng với ASEAN trong tư cách một tổ chức khu vực, mà chủ trương thảo luận song phương với từng nước, với mục đích dùng thế mạnh của nước lớn để áp đảo.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc gần đây đã dịu giọng hơn, khi tỏ ý muốn thương thảo về Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông. Hôm 09.10.2013, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã kêu gọi đồng lòng làm việc để biến Biển Đông thành một vùng biển hòa bình, hữu nghị và hợp tác. Ông khẳng định Trung Quốc muốn “đảm bảo tự do hàng hải” trong khu vực – một động thái nhằm chiêu dụ ASEAN nhân sự vắng mặt của ông Obama.

Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng đây chỉ là chiến thuật của Bắc Kinh nhằm kéo dài thời gian để có thể tăng cường sức mạnh quân sự. AFP dẫn nhận định của ông Ian Storey thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore cho rằng, Trung Quốc sẽ không thỏa hiệp về các yêu sách của họ. Hãng tin Reuters cũng nhận xét, các nhà ngoại giao và nhà quan sát thấy rằng các tuyên bố trên chỉ nhằm tạo cảm giác là Bắc Kinh có ý định đối thoại, nhưng không buộc phải nhượng bộ đối với các chủ đề chính.

Các khó khăn mà Nhà Trắng phải đối phó hiện nay làm các đối tác lo ngại Hoa Kỳ sẽ mất đi một phần ảnh hưởng trước Trung Quốc, và thay đổi chiến lược tái cân bằng qua việc xoay trục sang Châu Á. Đáp lại lo ngại này, ông John Kerry khẳng định «Chính sách tái cân bằng này là một cam kết, sẽ kéo dài và tiếp tục trong tương lai».

Theo một viên chức có trách nhiệm của Mỹ, Ngoại trưởng Kerry cũng sẽ nhấn mạnh với ASEAN rằng Hoa Kỳ từ lâu vẫn là «người đấu tranh bảo vệ an ninh và ổn định trong khu vực (…) cũng như tự do hàng hải và nguyên tắc tự do thương mại hợp pháp».

BDN (nguồn: RFI và Tuổi Trẻ và VNA)

RELATED ARTICLES

Tin mới