Saturday, September 7, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTẬP – LÝ CÔNG DU CÁC NƯỚC ĐÔNG NAM Á ĐỂ GIẢI...

TẬP – LÝ CÔNG DU CÁC NƯỚC ĐÔNG NAM Á ĐỂ GIẢI TOẢ SỨC ÉP ĐỐI VỚI TRUNG QUỐC TRÊN VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG

BienDong.Net: Trong những ngày đầu tháng 10, Lãnh đạo cấp cao Trung Quốc chia nhau đi một số nước Đông Nam Á để tranh thủ các nước này giải toả sức ép đối với Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình thăm Indonesia và Malaysia từ 02 – 08/10/2013 và dự Hội nghị cấp cao APEC; Thủ tướng Lý Khắc Cường thăm Thái Lan và Việt Nam từ 11 – 15/10/2013 và dự Hội nghị cấp cao ASEAN – Trung Quốc và Diễn đàn cấp cao Đông Á.

Đi đến đâu, Tập – Lý cũng cao giọng quảng bá cho chính sách “phát triển hoà bình” và “coi trọng quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng” của Trung Quốc để lấp liếm cho những hành động gây hấn của họ ở Biển Đông thời gian qua.

Trong mấy năm trở lại đây, nhất là từ khi Tập – Lý lên cầm quyền ở Bắc Kinh, Trung Quốc thi hành chính sách ngày càng cứng rắn trên vấn đề biển đảo với các nước láng giềng ven Biển Đông và biển Hoa Đông. Một mặt, Trung Quốc gia tăng các hoạt động gây hấn, đe doạ, uy hiếp trên thực địa ở Biển Đông và biển Hoa Đông, mặt khác tìm mọi cách phân hoá chia rẽ sự đoàn kết của các nước ASEAN trên vấn đề Biển Đông. Điều này không chỉ xâm phạm các quyền và lợi ích hợp pháp trên biển của các nước ven Biển Đông mà còn gây mối lo ngại cho cả cộng đồng quốc tế. Quốc tế và khu vực đều hết sức bất bình trước những việc làm của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc phải tôn trọng luật pháp quốc tế, không uy hiếp, hăm dọa hoặc gây hấn đối với các nước láng giềng ven biển của Trung Quốc; yêu cầu Trung Quốc tiến hành đàm phán chính thức với các nước ASEAN về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Việc Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động gây hấn trên biển nhằm hiện thực hóa yêu sách “đường lưỡi bò”, từng bước khống chế, tiến tới độc chiếm Biển Đông đã làm cho hình ảnh của Trung Quốc xấu đi nghiêm trọng trong con mắt của cộng đồng quốc tế. Các nước láng giềng ven biển của Trung Quốc không thể tin được vào cái gọi là “thân thiện với láng giềng, làm đối tác với láng giềng” của Trung Quốc đối với các nước láng giềng; dư luận quốc tế lo ngại về sự lớn mạnh của Trung Quốc đang tạo ra một nguy cơ cho cả thế giới. Các nước láng giềng đã thấy được sự khác nhau giữa lời nói và việc làm trên thực tế của Trung Quốc, đều có thái độ đề phòng cảnh giác với Trung Quốc. Hơn thể nữa, việc Philippines khởi kiện Trung Quốc ra Toà Trọng tài quốc tế đã làm Trung Quốc hết sức lo ngại; Trung Quốc tìm mọi cách để gây sức ép với Philippines.

Tập – Lý thăm một số nước ASEAN lần này là để “hóa giải” sức ép của quốc tế và khu vực đối với Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông để tiếp tục đẩy mạnh chiến lược “xây dựng cường quốc biển” của Trung Quốc. Tại các nước đến thăm hay trên các diễn đàn, Tập – Lý đều không ngượng mồm hô vang khẩu hiệu Trung Quốc “không xưng bá”, Trung Quốc “phản đối chủ nghĩa bá quyền và chính trị cường quyền”. Cho dù Lãnh đạo Trung Quốc có ngụy biện thế nào đi chăng nữa thì cộng đồng quốc tế đều cho rằng những hành động của Trung Quốc đối với các nước láng giềng trong thời gian qua là hành động của một kẻ bá quyền và cường quyền. Đáng chú ý là Lãnh đạo Trung Quốc đưa ra con bài mới “cùng nhau xây dựng con đường tơ lụa trên biển của Thế kỷ 21” để che đậy cho âm mưu thúc ép các nước “cùng khai thác” trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của các nước ven Biển Đông.

Tại các nước đến thăm, cả Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường đều đưa ra chiêu bài “hợp tác kinh tế” để gây sức ép, mặc cả, đánh đổi sự ủng hộ của các nước đối với cách làm của Trung Quốc trên vấn đề biển. Mặc dù các nước đều có lợi ích lớn trong hợp tác kinh tế với Trung Quốc, nhưng các nước đều ý thức sâu sắc rằng Trung Quốc là mối đe dọa và nguy cơ lớn đối với hoà bình, ổn định, an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông. Do vậy, các nước không thể đồng tình với những việc làm của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Bất chấp sự vận động, phân hoá ráo riết của Trung Quốc, các nước ASEAN có sự đoàn kết nhất trí cao đối với các nguyên tắc cơ bản trong giải quyết tranh chấp ở Biển Đông là thông qua biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 và yêu cầu Trung Quốc sớm đàm phán chính thức với ASEAN về COC. Xem ra chuyến đi Đông Nam Á của Tập – Lý chưa đạt được mục tiêu đề ra là “giải toả sức ép” của quốc tế đối với Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới