Wednesday, December 25, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiVăn hoá - Thể thao BiểnCá voi trong đời sống văn hoá - tâm linh của người...

Cá voi trong đời sống văn hoá – tâm linh của người Việt

BienDong.Net: Sáng 11.10, trong lúc đánh bắt thủy hải sản tại bãi biển thuộc khóm Sân Chim, phường 2, nhiều ngư dân Sóc Trăng đã phát hiện một con cá voi có chiều dài gần 13 m, chiều ngang gần 2 m, ước chừng trên 10 tấn đang mắc cạn.

Mặc dù được nỗ lực giải cứu nhưng cá voi đã chết và xác của cá voi đã được ngư dân đưa về một ngôi chùa để an táng và chôn cất theo phong tục địa phương.

 

Hàng nghìn người dân ven biển miền Tây kéo về chùa Sala Pô Thi Sêrây SaKô ở thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) để xem cá voi nặng hơn 10 tấn được phát hiện nằm trên bãi bồi ven biển sáng 11.10. Đến chiều cùng ngày nước biển chưa dâng lên, người dân địa phương dùng bạt che nắng cho cá. (Ảnh Vnexpress)

Cá ông trong đời sống văn hoá tâm linh ngư dân Việt

Tục thờ cá Ông (tức cá voi) là một tín ngưỡng dân gian vùng duyên hải miền Trung  miền Nam Việt Nam. Đây là một tín ngưỡng dân gian hình thành trong quá trình tiến biến văn hóa Việt – Chăm diễn ra từ đèo Ngang trở vào.

Trong chiều sâu tâm thức, người đi biển đặt niềm tin vào sinh vật khổng lồ vừa “hiền” vừa “thiêng” là loài cá voi, mà họ gọi một cách kính trọng là cá Ông, hoặc Ông, dù rằng sự cứu giúp đó mang tính huyền thoại nhiều hơn là hiện thực.

Có rất nhiều danh từ để gọi cá voi với sự cung kính: Ông Nam Hải, Ông Lớn hay Ông Cậu để chỉ những cá voi to lớn, Ông Khơi để chỉ cá voi sống ngoài biển khơi, Ông Lộng để chỉ cá voi sống gần bờ. Ngoài ra còn có những cách gọi khác nhau như ông Thông, Ông Chuông, Ông Máng với ý nghĩa tôn kính.

Cá chết thị gọi là Ông “lụy”. Khi phát giác có Ông lụy ngoài biển, người ta đưa thuyền ra dìu xác cá vào bờ rồi tổ chức lễ chôn cất rất long trọng.

alt 

Đền thờ cá Ông trên đảo Lý Sơn – Quảng Ngãi (ảnh BienDong.Net)

Nơi thờ cá Ông được gọi là miếu Ông, đền thờ Ông, nhưng thông dụng nhất là Lăng ông. Việc thờ cá Ông được quan niệm như là một cách đền ơn đáp nghĩa theo luật nhân quả của đạo Phật, coi cá Ông như là một vị thần hộ mạng giữa biển khơi đầy sóng gió. Niềm xác tín ấy được phản ánh trong nội dung các bài tế văn tế bằng Hán Nôm, trong các bài hát bả trạo (còn gọi là hát đưa linh) và cả trong một số bài vè lưu hành trong cư dân ven biển. Nếu như trong các văn tế nghinh ông của các ngư dân miền Trung nghiêng về phần ngợi ca và gửi gắm niềm tin ở Ông về việc cứu người cứu thuyền trong cơn lâm nạn, thì nội dung văn tế trong nghinh Ông từ Bà Rịa trở vào đến Cà Mau, Hà Tiên thường nhấn mạnh đến sự “phù hộ của Ông” để cho được mùa đánh bắt, tôm cá đầy khoang, ghe thuyền ra khơi vào lộng an toàn.

Lễ hội nghinh Ông là loại lễ hội nước lớn nhất của ngư dân. Có nhiều tên gọi khác nhau như lễ rước cốt ông, lễ cầu ngư, lễ tế cá “Ông”, lễ cúng “Ông”, lễ nghinh “Ông”, lễ nghinh ông Thủy tướng. Thời gian tổ chức lễ giữa nơi này và nơi khác có thể chênh nhau, nhưng thường diễn ra trước mùa đánh bắt ở biển.

Nếu như tín ngưỡng thờ Thành Hoàng chỉ diễn ra trong khuôn viên của đình làng, thì tín ngưỡng thờ cá Ông và lễ hội Nghinh Ông lại vừa diễn ra ở lăng thờ cá Ông và cả trên mặt biển. Do đó, không khí của phần lễ cũng như của phần hội ở đây thường diễn ra sôi động và cuồng nhiệt hơn.

Trong tâm linh của người dân đi biển, lễ hội Nghinh Ông không chỉ là dịp để họ bày tỏ lòng kính trọng và biết ơn đối với một sinh vật linh thiêng mà còn gửi gắm vào đó cả niềm tin và hy vọng ở một vị thần hộ mạng sẵn sàng cứu giúp họ trong cơn hoạn nạn, trong những lúc hiểm nghèo giữa nơi biển cả.

Sự thờ cúng cá Ông tạo ra một lễ hội trong đời sống văn hóa các xã vùng biển. Tại Bến Tre, ngày lễ hội Nghinh Ông là ngày tưng bừng đối với người dân vùng biển. Không khí náo nức, tràn trề hưng phấn bắt đầu khi chờ đợi “Ông lên vọi” ngoài khơi, khi thấy việc xin ông làm chứng đã hoàn tất qua động tác xin keo của ông chánh bái. Dọc đường đoàn ghe ra khơi nghinh Ông trở về, hai bên bờ sông các ghe thuyền đều chăng kết hoa, bày lễ cúng và đốt pháo giòn giã. Ở tại nhà suốt ngày hôm ấy, các ngư dân mời mọc nhau, kể cả khách từ xa đến, cùng nhau ăn uống vui chơi, trò chuyện thân tình.

BDN (theo bentre.gov.vn và tài liệu trên Internet)

RELATED ARTICLES

Tin mới