Wednesday, December 25, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiVăn hoá - Thể thao BiểnLái lặn - những người tầm ngư bằng tai

Lái lặn – những người tầm ngư bằng tai

BienDong.Net: Sống với biển và sống nhờ biển, trong làng ngư dân Việt có những nhân vật kì tài, có khả năng lặn xuống nước để nghe luồng cá, đánh giá được đàn cá đang bơi gần đó là loài gì, số lượng bao nhiêu, đang đi theo hướng nào…

Họ là những lái lặn, những người tầm ngư bằng tai để hướng dẫn ghe tàu đến bủa lưới.

Lần đầu tiếp xúc với báo chí nhưng Tèo, một “ngôi sao” trẻ của nghề lái lặn không lấy gì làm ngạc nhiên. Tèo nói: “Em biết thế nào có ngày nghề này cũng lên báo hay truyền hình, vì nó rất là siêu… “.

Trông Tèo không có vẻ là một thợ lặn mà ra vẻ là một giáo viên dạy thể dục thể thao hơn: áo thun, quần thể dục, bỏ áo vô quần nghiêm chỉnh. Chỉ có mái tóc vàng hoe và đôi mắt ngầu đỏ là phần nào cho biết anh làm nghề lưới lặn, nghề truyền thống nổi tiếng ở Phước Hải, Long Hải thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

alt 

Anh Hiếu, một lái lặn nổi tiếng ở Quảng Trị có thể “nghe” được âm thanh của nhiều loài cá

Năm Nhàn, một lái lặn có hơn 30 năm trong nghề, giải thích: “Các loại cá sống ở đáy như cá ngao, cá đù, các sóc, cá lò… ở dưới biển thường tụ tập thành bầy như học trò đi học ở trường vậy”.

Chín Ky, một ngư dân chuẩn bị theo ghe lưới lặn kể: tháng giêng năm ngoái, ghe của anh đi, có lái lặn Mười Mùa, đánh được một mẻ cá nổi tiếng ở Sông Ðốc với trên 3 tấn cá, trong đó 2,2 tấn cá sóc nanh, loại cá xuất khẩu có giá hai mươi mấy ngàn một ký, mỗi bạn được chia đến 2 triệu đồng…

Dân Phước Hải thường ví chuyện làm nghề lưới lặn như chuyện lập một đoàn cải lương, cần có bầu đoàn, có “ngôi sao” ca cổ. Ba Tăng, một chủ ghe từng nhiều năm làm nghề, nói: “Nồi cơm của các gia đình chủ ghe, bạn chài đều lệ thuộc vào anh lái lặn, nên ảnh mà giỏi thì được nhờ, làm eo làm xách gì cũng phải chịu”.

Năm năm trước, Năm Nhàn đã từng được một chủ ghe ở Vàm Láng nghe tiếng, mời về hợp tác. Ông Năm kể: “Hôm đó 28 tết, chủ ghe ứng cho 3 triệu đồng, đến mồng hai họ lên rước về làm”. Bước đầu hợp tác thật trọng vọng: chủ ghe khoản đãi nào cà phê, thuốc ba số năm, bia Saigon, mùng chiếu mới… “Có lúc đi vệ sinh mà chủ ghe cũng canh, họ sợ mình trốn”, ông Năm nói.

Mấy tháng làm ăn, Năm Nhàn đem lại mức lợi 190 triệu đồng cho chủ, nhưng chỉ được chia 9 triệu đồng. Bất mãn, ông quay về Phước Hải. Năm Nhàn than: “Họ ăn chia không theo luật”.

Theo Nam Nhàn, thông thường, nếu ăn chia bổ đồng thì khi bạn được một phần, lái lặn được hai. Nếu tính lưới, lái được đem theo 10 tấm lưới, gấp đôi bạn, còn được gửi theo chủ 2 tấm (chủ có số lưới bằng tổng số lưới của bạn, mỗi tấm lưới dài 30 sải, nối với nhau). Khi bủa, tùy may rủi, cá “đóng” vào lưới ai thì người nấy hưởng. Một lái lặn giỏi có thể dẫn theo 1 – 2 ghe đánh “ăn theo”, mỗi ghe anh ta gửi được thêm 5 tấm lưới.

Ở Phước Hải, nói đến lái lặn Mừng, biệt danh Chí Tâm, thì không ai không biết. Anh thợ lặn thuộc hàng “siêu sao” này có biệt danh lấy theo tên của một danh ca vọng cổ, và cái tật lười tắm của mình (Chí Tâm là chữ nói lái của tắm chi).

“Ổng là người lội giỏi nhất vùng, khi nhảy xuống nước rồi là theo đàn cá đến mất tăm, ghe chạy theo kiếm mệt nghỉ”, Tèo cho biết. Chí Tâm từng dám thách mọi lái lặn của vùng lặn thi, ai thua người đó chỉ việc… chặt mất cái đầu của mình. Rất nhiều chủ ghe trọng vọng, dẫn đi ăn chơi nhậu nhẹt riết thành tật, nghề nghiệp của danh lặn này mấy năm gần đây có phần kém sút.

Thời của lái trẻ

Năm Nhàn nói: “Lũ nhỏ bây giờ nổi lên dữ quá”. Nghề lái lặn tưởng đã bị mai một, nhưng vài năm gần đây lại phát triển mạnh hơn trước. Phước Hải có trên 100 ghe, với khoảng 50 lái lặn. “Giá thu mua cá gần đây trở nên cao hơn nên nhiều người nhảy ra làm đại, rồi từ từ con cá nó dạy mình nghề, nên ngày càng có nhiều lái”, Tèo giải thích.

Khi mới 19 tuổi, Tèo vào nghề do nhận lấy trách nhiệm với gia đình. Anh tâm sự: “Của nhà mà, làm cực lắm nhưng cũng phải làm”. Mới 4 – 5 giờ sáng là các lái lặn đã xuống nước, bất kể trời mùa nghịch, “nước biển lạnh như nước đá”. Lúc đầu xuống lặn, Tèo thường đánh chệch luồng cá, nhưng chỉ 4 – 5 tháng sau anh đã vững nghề. Dân biển mà đào ở đâu ra một người không uống rượu, không hút thuốc như anh quả là hiếm. Rượu và thuốc lá dễ bị lầm tưởng là giúp cho ngư dân bớt lạnh, kỳ thực làm cho những lái lặn lớp trước ngày càng sợ nước và các giác quan ngày càng kém tinh nhạy hơn những lái lặn trẻ.

Tèo nói: “Nghề này mà thành công là nhờ bà độ và mình biết độ biển”. “Ðộ biển” là khả năng ước đoán đường đi của luồng cá trên biển. “Nghề lặn tranh hơn tranh thua rất dữ, mình đánh chệch luồng cá mà người ta đánh trúng, họ sẽ cười vô mặt mình”, Tèo nói. Hai chiếc ghe cùng đến một địa điểm để lặn, có khi hơn thua với nhau chỉ một hơi lặn của lái là một chiếc định được hướng cá, chiếc còn lại lái lặn chỉ nghe được tiếng máy tàu của “đối thủ” chạy đi bủa lưới.

BDN (biên tập theo SGTT)

RELATED ARTICLES

Tin mới