Wednesday, January 15, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiNHÌN LẠI 1 NĂM TRUNG QUỐC XÂY DỰNG CƯỜNG QUỐC BIỂN

NHÌN LẠI 1 NĂM TRUNG QUỐC XÂY DỰNG CƯỜNG QUỐC BIỂN

BienDong.Net: Thời gian gần đây, Trung Quốc tỏ ra “ôn hoà” hơn với các nước láng giềng Đông Nam Á trên vấn đề Biển Đông, song trên thực tế họ vẫn đang tiếp tục triển khai chính sách cứng rắn trên vấn đề Biển Đông và biển Hoa Đông với những biện pháp và cách làm tinh vi hơn, xảo quyệt hơn.

Chúng ta hãy cùng nhìn lại những lời nói và việc làm của Trung quốc trong 1 năm qua kể từ khi Trung Quốc đề ra mục tiêu xây dựng cường quốc biển tại Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Trước hết, cần thấy rằng ngay sau khi thâu tóm quyền lực ở Trung Quốc, ông Tập Cận Bình cũng như Ban lãnh đạo mới ở Bắc Kinh đã có những phát biểu hết sức cứng rắn trên vấn đề biển đảo với các nước láng giềng. Theo các nhà bình luận thì phát biểu của ông Tập Cận Bình cũng như của một số lãnh đạo khác của Trung Quốc toát lên nội dung chính là “Trung Quốc sẽ sử dụng tất cả sức mạnh – chính trị, ngoại giao, kinh tế, pháp luật, văn hóa và quân đội – để bảo vệ các quyền lợi và lợi ích biển của mình”. Trong một bài phát biểu quan trọng tại cuộc họp của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc thảo luận về việc Trung Quốc tiến lên thành cường quốc biển ngày 31/7/2013, ông Tập Cận Bình đã đưa ra cam kết bảo vệ lợi ích biển của Trung Quốc.

Truyền thông Trung Quốc cũng ra sức tuyên truyền cho những quan điểm cứng rắn của Lãnh đạo Trung Quốc trên vấn đề biển đảo. Một phóng sự khá dài trên tờ Nhân dân Nhật Báo ngày 2/8 cũng đã nhấn mạnh bài phát biểu của ông Tập Cận Bình về việc ủng hộ phát triển khả năng chiến đấu xa bờ của Hải quân Quân giải phóng Nhân dân và khen ngợi khả năng “vượt qua” cái gọi là chuỗi đảo đầu tiên bao gồm Nhật Bản, Đài Loan và Philippines để có được sự tiếp cận tự do hơn và cũng để thực hiện các chiến dịch quân sự ở bờ tây Thái Bình Dương. Đây chính là nguyên nhân vì sao Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động gây hấn với các nước ở Biển Đông và với Nhật Bản ở biển Hoa Đông.

Ngày 27/8, Trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhân chuyến thăm của ông tới Trung Quốc, Thủ tướng Lý Khắc Cường tái khẳng định quyết tâm “không thể lay chuyển” của Trung Quốc trong các vấn đề chủ quyền và lãnh thổ. Bình luận chính thức về buổi làm việc này, truyền thông Trung Quốc đã nhắc lại những chỉ trích dành cho phát biểu của ông Lý Hiển Long vào tháng 5 về những hậu quả quốc tế tiêu cực đối với Trung Quốc nếu nước này theo đuổi “cách tiếp cận không hòa bình” trong các tranh chấp lãnh thổ.

Đánh giá về chính sách biển của Trung Quốc trong 1 năm qua, các chuyên gia nghiên cứu quốc tế cho rằng bộ đôi Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường đã dùng chính sách cứng rắn trên vấn đề biển đảo với các nước láng giềng để củng cố quyền lực nội bộ của họ. Các nhà phân tích nhận định ông Tập và ông Lý đã đạt được mục đích trong việc tăng cường vị thế lãnh đạo của mình và kiểm soát các quyết định chính sách bằng cách nêu cao quyết tâm kiên định trong các vấn đề lãnh thổ.

Việc nhấn mạnh quyết tâm bảo vệ “lợi ích cốt lõi” trên biển của Ban lãnh đạo mới ở Bắc Kinh đã tiếp tục được phụ hoạ và được phân tích trong Sách trắng Quốc phòng Trung Quốc được công bố tháng 4/2013 và Sách trắng Ngoại giao Trung Quốc được phát hành tháng 7/2013. Cả 2 cuốn sách này cùng chung một giọng điệu hiếu chiến, “sặc mùi chiến tranh”, hăm doạ các nước láng giềng thể hiện rõ chính sách ngoại giao nước lớn sô vanh, bá quyền và bành trướng trên biển, thậm chí còn đề cp đến vấn đề sử dụng lực lượng vũ trang để bảo vệ những lợi ích của Trung Quốc ngoài biên giới. Trong các cuốn sách trắng Quốc phòng và sách trắng Ngoại giao còn nhấn mạnh vai trò quan trọng của Hải quân Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc trong việc hỗ trợ cơ quan chấp pháp trên biển, hỗ trợ các hoạt động đánh bắt thủy sản và khai thác dầu khí của Trung Quốc trong khu vực biển yêu sách của họ.

Những lời lẽ cứng rắn của Ban lãnh đạo mới ở Bắc Kinh trên vấn đề biển đảo được thể hiện rõ trong những hoạt động gây hấn, xâm phạm vùng biển của các nước láng giềng trên thực địa, xin nêu một vài ví dụ điển hình:

Tháng 3/2013, Hải quân Trung Quốc mở rộng diễn tập đổ bộ trên biển đến tận bãi Tăng Mẫu điểm cực nam của Yêu sách “đường lưỡi bò”; tháng 5/2013 Hải quân Quân giải phóng Nhân dân đã sử dụng tàu từ ba hạm đội của mình (Bắc Hải, Đông Hải, Nam Hải) để tiến hành một cuộc tập trận chung trên Biển Đông.

Tháng 3/2013 Quốc hội Trung Quốc thông qua việc cải cách lực lượng chấp pháp trên biển của Trung Quốc; quân số lực lượng chấp pháp trên biển hợp nhất theo kế hoạch là ở mức 16.300 người. Theo một vài nhà phân tích Trung Quốc và các chuyên gia nước ngoài, Lực lượng chấp pháp trên biển Trung Quốc sẽ được trang bị vũ khí tương tự như đối với các tàu thuộc lực lượng bảo vệ bở biển của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Các lực lượng chấp pháp trên biển của Trung Quốc gia tăng trấn áp, truy đuổi, uy hiếp các tàu cá của Việt Nam, thậm chí bắn cháy tàu cá của ngư dân Việt Nam. Đồng thời, các tàu chấp pháp trên biển của Trung Quốc hỗ trợ các tàu cá Trung Quốc tiến hành đánh bắt trái phép trên vùng biển của các nước ven Biển Đông. Đặc biệt là, tháng 5/2013 một đội gồm 30 tàu cá Trung Quốc được hộ tống bởi các tàu ngư chính đã rời Đảo Hải Nam trong 40 ngày để thực hiện đánh bắt cá ở khu vực tranh chấp tại Quần đảo Trường Sa trên Biển Đông để thực hiện ý đồ dùng tàu cá “khẳng định chủ quyền” của Trung Quốc.

Trung Quốc đẩy mạnh và mở rộng các hoạt động liên quan đến cái gọi là “thành phố Tam Sa”. Các bến tàu dân sự đã được xây dựng, hai tàu du lịch thường xuyên đưa dân Trung Quốc đi thăm đảo, một tàu viện trợ có thể chở hành khách đã thực hiện 70 chuyến đến Tam Sa trong năm ngoái, một tàu viện trở mới sẽ sẵn sàng để được đưa vào sử dụng trong năm 2014, và dịch vụ hàng không nối Hải Nam với Tam Sa sử dụng hai máy bay thủy phi cơ 19 chỗ đang đợi sự phê duyệt của Chính phủ. Ngày 23/7/2013, Tân Hoa Xã đưa tin về việc Trung Quốc sẽ thực hiện chuyến khảo sát tài nguyên đảo lần thứ hai, bao gồm 10.000 “đảo thuộc chủ quyền” trong vòng 5 năm tới. Cuộc khảo sát mới này được cho là cần thiết để Trung Quốc hình thành bản “kế hoạch chiến lược” cho việc phát triển kinh tế biển đối với các đảo trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 của Trung Quốc (2016 – 2020).

Đáng chú ý là trong 1 năm trở lại đây, Trung Quốc tập trung chĩa mũi nhọn vào Philippines để gây sức ép buộc Philippines phải rút đơn kiện. Trung Quốc tăng cường kiểm soát, khống chế bãi cạn Scarborough. Trung Quốc đã cho tàu quân sự và nhiều tàu chấp pháp bao vây, phong toả bãi Cỏ Mây, không cho các tàu của Philippines tiếp cận khu vực bãi Cỏ Mây để tiếp tế cho lính đóng trên tàu chiến cũ của Philippines bị mắc cạn ở khu vực này từ năm 1999. Giữa Trung Quốc và Philippines xảy ra “đấu khẩu” xung quanh vấn đề này. Ngày 10/5/2013, chính phủ Philippines gửi công hàm phản đối tới Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila về việc Trung Quốc triển khai “trái phép và có tính chất khiêu khích” một tàu Hải quân và một tàu hải giám tới khu vực gần bãi Cỏ Mây. Khoảng một tuần sau, một quan chức địa phương của Philippines nói với báo chí rằng một tàu dân sự chở vị quan chức này và 150 dân thường đã bị một tàu chiến Trung Quốc truy đuổi khi tàu của Philippines đang đi gần bãi Cỏ Mây. Cuối tháng 5, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Trung Quốc cùng với Đại sứ Trung Quốc tại Manila đã lên án việc Philippines đặt một tàu chiến cũ tại bãi Cỏ Mây vào năm 1999 và tiếp tục triển khai một lực lượng nhỏ thủy quân lục chiến tại đây. Đại diện Bộ Ngoại giao nói rằng Bắc Kinh “không bao giờ chấp nhận các nỗ lực bất hợp pháp của Manila nhằm chiếm lấy Bãi cạn và rằng các tàu của Trung Quốc có quyền tuần tra tại đó”.

Mặc dù, Trung Quốc cuối cùng đã đồng ý cùng với các nước ASEAN tham vấn về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) tại Tô Châu Trung Quốc vào trung tuần tháng 9/2013. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn không đồng ý tiến hành đàm phán chính thức về COC mà luôn tìm cách trì hoãn, ngăn cản tiến trình xây dựng COC.

Thời gian gần đây, Trung Quốc đẩy mạnh phân hoá chia rẽ ASEAN trên vấn đề Biển Đông thông qua chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường tới Indonesia, Brunei, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam. Truyền thông Trung Quốc thổi phồng kết quả chuyến thăm đã đạt được việc khẳng định chủ trương “cùng khai thác” để cô lập Philippines trên vấn đề Biển Đông và gây sức ép đối với các nước trong việc “cùng khai thác” trong yêu sách “đường lưỡi bò”.

Còn đối với Nhật Bản, Trung Quốc tiếp tục gây căng thẳng xung quanh vấn đề quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Tàu chiến và tàu chấp pháp của Trung Quốc liên tiếp xâm nhập vùng biển của quần đảo Senkaku/Điều Ngư hiện do Nhật quản lý. Trung Quốc còn điều các máy bay trinh thám xâm nhập vùng trời gần quần đảo Okinawa của Nhật. Các quan chức Trung Quốc có những phát biểu rất cứng rắn, đe doạ Nhật Bản.

Như vậy, trong 1 năm cầm quyền, Ban lãnh đạo mới ở Bắc Kinh với hạt nhân là Tập Cận Bình đã thi hành một chính sách quyết liệt và cứng rắn trên vấn đề biển đảo với các nước láng giềng, đe doạ hoà bình ổn định, tự do và an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông và biển Hoa Đông, tạo mối lo ngại cho cả cộng đồng quốc tế.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới