Wednesday, January 15, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnViệt Nam đã có lực lượng tàu ngầm đầu tiên

Việt Nam đã có lực lượng tàu ngầm đầu tiên

BienDong.Net: Theo Cổng thông tin Chính phủ Việt Nam, lễ ký kết Biên bản bàn giao chiếc tàu ngầm đầu tiên mang tên “Hà Nội” do Nga đóng cho Việt Nam đã diễn ra hôm 7.11 tại thành phố St. Petersburg (Nga).

Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân Việt Nam, Phó đô đốc Phạm Ngọc Minh và Tổng giám đốc Nhà máy đóng tàu Admiralty Verfi, ông Alexander Buzakov, đã tham dự buổi lễ ký kết bàn giao.

Tàu ngầm Hà Nội (ảnh VNA chụp tháng 5.2013)

Sau lễ ký biên bản tại Nga, tàu ngầm “Hà Nội” sẽ được chuyển lên tàu vận tải để đưa về Việt Nam và dự kiến đến tháng 1.2014 sẽ cập cảng Cam Ranh.

Theo Đài Tiếng nói nước Nga, đại diện Nga và Việt Nam cũng đã gặp nhau tại thủ đô Moscow (Nga) vào ngày 5.11, để ký kết văn bản về việc chuyển giao Trung tâm đào tạo thủy thủ tàu ngầm tại Cam Ranh (Khánh Hòa) cho Hải quân Việt Nam.

Truyền thông Nga cũng cho biết hơn 40 sĩ quan Hải quân Việt Nam đã trải qua một năm rưỡi học tập tại Nga theo chương trình đào tạo chuyên về tàu ngầm.

Việt Nam đã đặt mua 6 chiếc tàu ngầm điện – diesel Kilo (Dự án 636 Varshavyanka) vào năm 2009, theo hãng tin Interfax.

Hợp đồng này, bao gồm cả việc huấn huyện cho đội vận hành tàu ngầm Việt Nam, có thể trị giá đến 2 tỉ USD.

Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia nhận định trên tạp chí The Diplomat (Nhật) rằng cán cân sức mạnh hải quân tại Biển Đông sẽ thay đổi khi Việt Nam nhận các tàu ngầm hiện đại lớp Kilo từ Nga.

Cũng theo ông Thayer, với sự hỗ trợ của Nga, sức mạnh của Việt Nam tại Biển Đông sẽ gia tăng đáng kể.

 

Thủy thủ đoàn của tàu ngầm Hà Nội

Trả lời phỏng vấn BBC nhân sự kiện Việt Nam tiếp nhận chiếc tàu ngầm đầu tiên này, ông Konstantin Makienko, Phó Giám đốc Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ của Nga nói: “Việc chuyển giao tàu ngầm có ý nghĩa rất quan trọng, trước hết là vì hợp đồng sáu chiếc tàu ngầm này là hợp đồng thuộc loại khổng lồ.

Cho tới thời điểm này thì hải quân Việt Nam vẫn còn nhỏ lẻ, nhưng sau khi có tàu ngầm và cả các chiến hạm Gepard 3.9 mà Việt Nam đã nhận hàng thì hải quân Việt Nam đã có thể chuyển dịch xa bờ, vượt ra ngoài các ranh giới tác chiến ngày trước.

Điều thứ hai là Việt Nam chưa bao giờ có trong tay tàu ngầm, chưa bao giờ vận hành tàu ngầm, bởi vậy có thể nói gần như nay quân đội Việt Nam đã có một lực lượng vũ trang mới, phức tạp hơn về mặt tổ chức, đòi hỏi cao hơn về mặt tài chính, nhưng hùng mạnh hơn gấp bội về mặt quân sự.

Theo ông Makienko, quyết định mua một lần sáu tàu ngầm là một quyết định lớn, và một khi Việt Nam muốn bảo vệ tài nguyên và chủ quyền, nhất là biển đảo, thì không thể không có tàu ngầm. Bởi vậy đây là một quyết định chín chắn của chính phủ Việt Nam”.

Ông Makienko cũng giải thích rằng Việt Nam sẽ cần ít nhất là hai năm nữa mới có thể vận hành tàu ngầm để sẵn sàng chiến đấu, vì công nghệ tàu ngầm vô cùng phức tạp, có thể nói là một trong các công nghệ quốc phòng phức tạp nhất, khó khăn hơn tàu chiến thông thường nhiều lần. Thêm vào đó, Việt Nam hoàn toàn chưa có kinh nghiệm về tàu ngầm.

Tuy nhiên, ông tin tưởng răng hải quân Việt Nam có khả năng học hỏi nhanh và kỹ lưỡng, lại có tính kỷ luật cao nên sẽ hoàn thành được nhiệm vụ này.

Cũng nhân việc Việt Nam nhận bàn giao chiếc tàu ngầm Kilo đầu tiên, trong cuộc trả lời phỏng vấn Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Chuẩn Đô đốc Thiếu tướng Lê Kế Lâm – nguyên Giám đốc Học viện Hải quân Việt Nam đánh giá: Đối với hải quân nói riêng và quân đội Việt Nam nói chung, đây là sự kiện có ý nghĩa lớn. Trong 4.000 năm lịch sử của Việt Nam, đến nay chúng ta đã có lực lượng tàu ngầm đầu tiên. Sự kiện này đặc biệt có ý nghĩa khi hiện nay chủ quyền biển đảo của ta đang bị cố tình đưa vào tranh chấp, bị đe dọa tranh chấp. Do vậy ta có thêm một lực lượng để tự vệ, bảo vệ trên biển đồng thời cũng răn đe với kẻ thù muốn xâm phạm biên giới lãnh thổ trên biển của Việt Nam. Binh chủng tàu ngầm có sức tấn công, công phá lớn sẽ tăng thêm sức mạnh để thực hiện nhiệm vụ chủ quyền biển đảo…

Về phương thức tác chiến của binh chủng tàu ngầm, Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm giải thích: Thông thường chiến thuật sử dụng tàu ngầm trong chiến đấu có 3 cách: Thứ nhất là đánh phục kích (tương tự cách đánh du kích trên bờ); Thứ hai là đánh cơ động tập kích; Thứ ba là cho được tự do đi săn…

Về kinh nghiệm tác chiến trên biển thì có thể nói hải quân mình đang rất thiếu, ông Lâm nói. Tuy nhiên với đặc tính của người Việt Nam rất cần cù, sáng tạo và thông minh, tôi tin sau này khi chiến đấu với kẻ thù chúng ta sẽ tìm ra cách đánh phù hợp để bảo vệ tổ quốc.

BDN (tổng hợp)

 

RELATED ARTICLES

Tin mới