Friday, November 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTrung Quốc tranh giành ảnh hưởng với Mỹ tại Nam Thái Bình...

Trung Quốc tranh giành ảnh hưởng với Mỹ tại Nam Thái Bình Dương

BienDong,Net: Ngày 8.11, Trung Quốc cho biết nước này sẽ cung cấp một khoản vay ưu đãi lên tới 1 tỷ USD cho các quốc đảo Nam Thái Bình Dương để hỗ trợ các dự án xây dựng lớn.

Tuyên bố trên được Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương đưa ra trong bài phát biểu tại Diễn đàn Hợp tác và Phát triển Kinh tế giữa Trung Quốc và các quốc đảo Thái Bình Dương tổ chức tại Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc. Các đại diện từ Micronesia, Samoa, Papua New Guinea, Vanuatu, Đảo Cook, Tonga, Niue và Fiji đã tới dự diễn đàn.

Phó Thủ tướng Uông Dương cũng công bố một loạt biện pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội tại các quốc đảo Thái Bình Dương, bao gồm cung cấp một khoản vay đặc biệt trị giá 1 tỷ USD để xây dựng cơ sở hạ tầng, cấp 2.000 học bổng trong vòng 4 năm tới để giúp các quốc đảo này đào tạo nhân tài, xây dựng các cơ sở y tế, đồng thời gửi các chuyên gia, thuốc men và thiết bị y tế tới các nước này.

alt 

Một số quốc đảo được hưởng gói vay 1 tỷ USD của Trung Quốc

Là các lãnh thổ nhỏ và thưa dân, các quốc đảo Nam Thái Bình Dương sở hữu vùng biển kinh tế đặc quyền rộng lớn với nguồn tài nguyên khoáng sản tiềm tàng và ngư trường phong phú, một vị trí chiến lược đặc biệt. Tuy nhiên, các nước này đều đang đối mặt với khó khăn kinh tế và tình trạng biến đổi khí hậu, đặc biết là nguy cơ nước biển dâng đe dọa nhấn chìm nơi sinh cư của họ.

Các đảo quốc ở Nam TBD vốn có lịch sử gắn bó với Mỹ nhưng nhiều năm qua đã tăng cường quan hệ với Trung Quốc.

Có thể nói Nam Thái Bình dương đang là nơi diễn ra cuộc tranh giành ảnh hưởng hết sức quyết liệt giữa Trung Quốc và Mỹ. Lợi dụng sự xao nhãng của Mỹ, từ nhiều năm nay, Trung Quốc đã tranh thủ bắt tay với các quốc đảo này. Theo Viện Chính sách quốc tế Lowy (Úc), từ năm 2005 đến 2012, Trung Quốc đã cam kết cho các đảo quốc trên vay dài hạn hơn 600 triệu USD với lãi suất thấp và không kèm theo điều kiện, trong khi cam kết lớn nhất của Mỹ gần đây chỉ là hỗ trợ 20 triệu USD để bảo vệ môi trường. Thời gian gần đây, nhận rõ chiến lược của Bắc Kinh, Mỹ đã có một vài phản ứng đáp trả mà thể hiện rõ nhất là qua việc bà Clinton, ngoại trưởng Mỹ đầu tiên tới dự Diễn đàn các quốc đảo Thái Bình Dương hồi cuối tháng 8.2012. Còn nhớ tại đây bà Clinton đã thẳng thắn kêu gọi Bắc Kinh có chính sách viện trợ cho các quốc đảo một cách công bằng hơn. Bà nói: “Chúng tôi muốn Trung Quốc đóng vai trò tích cực trong các vấn đề hàng hải và an ninh trên biển. Chúng tôi muốn thấy họ đóng góp vào việc phát triển bền vững cho các dân tộc ở Thái Bình Dương để bảo vệ môi trường quý báu và theo đuổi các hoạt động kinh tế đem lại lợi ích cho người dân nơi đây”,

Theo BBC, lời bình luận này của bà Clinton được cho là ngầm ý nhắm vào Trung Quốc vốn bị chỉ trích là dùng các khoản đầu tư nước ngoài để khai thác tài nguyên bất chấp thiệt hại cho cư dân địa phương. Tuy nhiên, bà cũng nói rằng Hoa Kỳ sẽ không từ bỏ vai trò lâu nay của mình là bảo vệ thông thương trên biển và là đối trọng với mưu đồ thống trị của bất cứ cường quốc nào.

alt 

Nam Thái Bình Dương có nhiều đảo quốc nhỏ nằm rải rác

Mặc dù truyền thông Trung Quốc khi đó đã cáo buộc chuyến công du châu Á của bà Clinton có mục đích tìm cách ‘kiềm chế’ sự trỗi dậy của Trung Quốc song tại Diễn đàn các quốc đảo Thái Bình Dương khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Thôi Thiên Khải đã lên tiếng đấu dịu khi nói rằng Trung Quốc ‘có mặt ở khu vực chẳng phải để tìm kiếm sự ảnh hưởng nào cả, nói chi đến mưu đồ thống trị’.

“Chúng tôi có mặt ở đây để làm một đối tác tốt của các quốc đảo. Chúng tôi không ở đây để tranh đua với ai cả”, ông Thôi nói với các phóng viên.

Trở lại với Diễn đàn Hợp tác và Phát triển Kinh tế giữa Trung Quốc và các quốc đảo Thái Bình Dương tại Quảng Châu, có thể thấy một sự thực là bất chấp nỗ lực được tuyên bố của Mỹ, Trung Quốc vẫn đang tiếp tục xông lên trong cuộc tranh giành ảnh hưởng với Mỹ. Một số quốc đảo trong khu vực đã công khai ngả về phía Trung Quốc, thậm chí nhà lãnh đạo của Samoa bình luận rằng Bắc Kinh là ‘một người bạn tốt hơn Washington’. Trong khi đó, Thủ tướng Henry Puna của đảo Cook chào đón sự trở lại khu vực của người Mỹ nhưng cũng nói rõ rằng khu vực này sẽ không xa lánh Trung Quốc. “Chúng tôi có quan hệ rất gần gũi với Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và chúng tôi không có gì phải ngại về điều đó… Họ rất tốt với chúng tôi”, ông nói.

Được biết Hoa Kỳ đã chấm dứt chương trình viện trợ chủ chốt của họ dành cho khu vực Nam Thái Bình Dương hồi năm 1994, và chỉ mới nối lại viện trợ gần đây khi Tổng thống Barack Obama cam kết chuyển trọng tâm sang châu Á.

BDN (tổng hợp)

RELATED ARTICLES

Tin mới