Friday, April 26, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiTài nguyên BiểnTìm hiểu hệ sinh thái thảm cỏ biển

Tìm hiểu hệ sinh thái thảm cỏ biển

BienDong.Net: Hệ sinh thái cỏ biển đóng vai trò quan trọng trong hoạt động điều chỉnh, ổn định điều kiện môi trường, tạo nguồn thức ăn, nơi cư trú cho nhiều loài hải sản.

Cỏ biển cùng với các loài thực vật phù du, rong biển và cây ngập mặn, đã tạo nên thế giới thực vật biển rất có giá trị về kinh tế và môi trường.

alt 

Cỏ biển Posidonia oceanica có thể đã sống hơn 100.000 năm dưới đáy biển Địa Trung Hải. Ảnh: San Felix.

Cỏ biển (Seagrass) là nhóm thực vật bậc cao có hoa duy nhất sống trong môi trường biển, và ở nhiều nơi chúng mọc thành từng “cánh đồng” lớn trông giống như đồng cỏ. Cỏ biển chỉ sống được ở đới sáng và thường mọc trên các đáy cát hay bùn ở vùng nước nông ven bờ được che chắn. Đa số cỏ biển thụ phấn và hoàn tất vòng đời dưới nước. Trên thế giới có khoảng 60 loài cỏ biển.

Các bãi cỏ biển là những hệ sinh thái hết sức đa dạng và có năng suất sinh học cao. Tại đó có thể có đến hàng trăm loài sinh vật sinh sống như  (non và trưởng thành), thực vật biểu sinh, rong biển, vi tảo, động vật thân mềm, giun nhiều tơ  giun tròn. Các thảm cỏ biển góp phần quan trọng trong việc cung cấp thức ăn và nguồn giống hải sản cho vùng biển xung quanh.

Các bãi cỏ biển chiếm 15% tổng lượng dự trữ cacbon của đại dương. Mỗi hecta cỏ biển có thể giữ một lượng cacbon điôxít (CO2) gấp đôi so với mỗi hecta rừng mưa. Hàng năm cỏ biến cô lập được 27,4 triệu tấn CO2.

Một số nhà khoa học đánh giá cỏ biển là “các kỹ sư hệ sinh thái” do chúng tự tạo lập một phần môi trường sống của riêng mình. Điều này thể hiện ở chỗ lá cỏ biển làm chậm dòng chảy giúp đẩy mạnh quá trình lắng đọng trầm tích, đồng thời rễ và thân rễ của cỏ còn giúp ổn định đáy biển. Cỏ biển năng suất sơ cấp rất cao nên nó mang đến cho vùng bờ biển nhiều hàng hóa hệ sinh thái  dịch vụ hệ sinh thái như cung cấp bãi đánh bắt cá, nơi sinh sản, ươm nuôi các giống hải sản ven bờ và giúp chắn sóng, giúp chống xói mòn ven biển. Nghiên cứu ở vùng biển Địa Trung Hải cho thấy, tổng số loài cư trú trong cỏ biển thường cao hơn vùng biển bên ngoài 2 – 8 lần. Cỏ biển còn là nguyên liệu sử dụng trong đời sống hàng ngày như vật liệu bao gói, thảm đệm, làm phân bón…

Vào đầu thế kỉ 20, ở Pháp và ở một vùng nhỏ thuộc quần đảo Eo Biển, người ta phơi khô cỏ biển rồi dùng chúng để nhồi nệm (paillasse). Quân đội Pháp thời Chiến tranh thế giới thứ nhất có nhu cầu cao về loại sản phẩm này. Cỏ biển còn được dùng làm băng y tế và dùng cho các mục đích khác, kể cả nguyên liệu sản xuất thuốc súng. Ngày nay, cỏ biển được sử dụng nhiều trong ngành hàng nội thất. Chúng là nguyên liệu để đan, tương tự như mây.

Theo GS.Gary Kendrick, nhà sinh học biển thuộc Đại học Western, Australia, mỗi năm toàn cầu mất gần 30% diện tích cỏ biển, với khoảng 110 km2 và tỷ lệ này đang gia tăng, đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng.

Hệ sinh thái cỏ biển là một trong những hệ sinh thái nhạy cảm và rất dễ bị tổn thương khi môi trường sống thay đổi.

Nguy cơ đối với hệ sinh thái thảm cỏ biển

Hệ sinh thái cỏ biển đang đứng trước đe dọa từ nhiều phía, nhưng chủ yếu do tác động trực tiếp của con người. Theo nhà nghiên cứu Từ Thị Lan Hương và Nguyễn Văn Tiến, con người tác động lên cỏ biển thông qua các hoạt động trực tiếp hoặc gián tiếp. Tác động trực tiếp thường là các yếu tố cơ học như hoạt động của tàu thuyền, phương thức đánh bắt, hoạt động du lịch, nuôi trồng thủy sản, cải tạo đất…Hoạt động cảng cũng gây ra áp lực lớn cho các thảm cỏ biển cận kề do sự tăng độ đục và các chất dinh dưỡng xâm nhập bởi sự đi lại của tàu thuyền cũng như hoạt động giao thông hàng hải. Đô thị hóa ven bờ biển cũng liên quan đến đổ cát, đất khi xây dựng, tăng xói lở bờ biển là vấn đề chính ở những vùng biển du lịch và ảnh hưởng đến thảm cỏ biển và các hệ sinh thái khác.

Phương thức đánh bắt của con người cũng tác động đến hệ sinh thái cỏ biển. Tàu bè tăng nhanh chóng về số lượng và cả kích thước, làm gia tăng các tác động tiêu cực lên thảm cỏ biển. Các hoạt động liên quan đến việc thu lượm hải sản như thả lưới ở vùng biển nông, đào sò, dùng thuốc nổ, lưới cào và xung điện để đánh cá cũng gây hại cho thảm cỏ biển.

Bên cạnh đó, nuôi trồng nước mặn và nước lợ đang phát triển nhanh chóng ở vùng ven biển. Đây là ngành công nghiệp sản xuất thức ăn có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất. Số đầm nuôi gia tăng cùng với ngành công nghiệp chế biến thức ăn tăng nhanh cũng đã tác động đến cỏ biển thông qua hoạt động đổ thải cũng như hủy hoại chất lượng nước và trầm tích.

Quá trình lắng đọng bùn gia tăng ở các vùng ven biển là tác động chính của con người lên hệ sinh thái cỏ biển do các các hoạt động cải tạo hoặc thay đổi mục đích sử dụng đất. Lắng đọng bùn là vấn đề chính ở vùng Biển Đông Nam Á nói chung do tốc độ xói lở tăng, hoạt động chặt phá rừng bừa bãi và cải tạo đất. Lắng động bùn làm giảm ánh sáng khuyếch tán xuống cỏ biển hoặc chôn vùi cỏ làm cho cỏ biển bị chết.

Những tác động gián tiếp của con người thường là những xáo trộn của thiên nhiên do nhiều nguyên nhân, chúng kết hợp với ứng xử của con người ở các khu vực ven biển trong giao thông, hoạt động giải trí. Cỏ biển hiện đang sống trong một môi trường có nhiệt độ trung bình và CO2 thấp. Tuy nhiên xu hướng thay đổi khí hậu như nhiệt độ, mực nước biển và hàm lượng CO2 tăng sẽ gây ra những áp lực đối với nhiều loài cỏ biển. Kèm theo đó là những tác động của con người đến các hệ sinh thái ven bờ làm thay đổi chất lượng nước biển nhanh hơn thời gian thích nghi của cỏ biển. Nước thải sinh hoạt và công nghiệp đổ trực tiếp ra biển tác động đến các hệ sinh thái tự nhiên. Biên đổi khí hậu toàn cầu kích thích và thúc đẩy sự sinh trưởng mạnh các loài tảo và thực vật phù du làm che phủ mặt nước, tăng độ đục và làm giảm ánh sáng xâm nhập xuống nền đáy đồng thời làm giảm sự quang hợp của cỏ biển. Thêm vào đó, hiện tượng phì dinh dưỡng trong nước cũng phá hỏng sự cân bằng giữa thực vật biểu sinh và cỏ làm giảm sự quang hợp của cỏ biển, sinh trưởng cỏ biển suy giảm. Nhiệt độ nước biển tăng là nguyên nhân làm tăng cường độ các cơn gió lốc vùng nhiệt đới, cùng với các trận bão mạnh gây nhiễu loạn và làm suy giảm các thảm cỏ biển ở nhiều vùng trên thế giới và Việt Nam.

Các nhà khoa học cho rằng để bảo vệ và quản lý nguồn lợi cỏ biển, cần nắm rõ sự phân bố và thành phần loài cỏ biển. Việc hoàn thiện mạng lưới quan trắc ở cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu có thể cung cấp công cụ chẩn đoán trên diện rộng và các xu hướng biến động của cỏ biển.

Trong việc quản lí và hoạt động lâu dài của các Khu bảo tồn cỏ biển, vai trò của cộng đồng dân cư ven biển ngày càng được đề cao. Cùng với việc thực thi luật về bảo vệ tài nguyên, nếu không chú trọng giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ thảm cỏ biển cho nhân dân địa phương thì sự nghiệp bảo vệ cỏ biển sẽ không thành công.

BDN (tổng hợp)

RELATED ARTICLES

Tin mới