Saturday, April 20, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiĐÀI LOAN LẠI CÓ HÀNH ĐỘNG MỚI Ở TRƯỜNG SA

ĐÀI LOAN LẠI CÓ HÀNH ĐỘNG MỚI Ở TRƯỜNG SA

BienDong.Net: Ngày 05/6/2013, chính quyền Đài Loan thông báo, việc xây dựng một cầu tàu mới và tu bổ tên lửa trên đảo “Thái Bình” (đảo Ba Bình theo tên gọi của Việt Nam) thuộc quần đảo Trường Sa, sẽ bắt đầu vào đầu năm 2014 và dự kiến được hoàn tất trong vòng hai năm.

Đây là một hành động leo thang mới của Đài Loan ở khu vực quần đảo Trường Sa làm cho tình hình Biển Đông thêm căng thẳng.

Theo thông báo của Bộ Giao thông Đài Loan, Công trình bến tàu mới ngoài phần chính là bến tàu dài 320 mét, còn bao gồm các công trình phụ trợ như: đường kết nối dài 210 mét, công trình đường lai dắt tàu, trợ giúp dẫn đường… Tương lai, bến tàu sâu 14 mét có thể đỗ được tàu tuần tra cỡ lớn, mở rộng phạm vi thi hành nhiệm vụ và công năng bảo vệ nghề cá. Ngoài tăng thêm công năng thoát nước cho đường băng máy bay trên đảo Ba Bình, cũng sẽ lắp đặt thêm hệ thống chiếu sáng trợ giúp dẫn đường và thiết bị cấp dầu.

Việc xây dựng cầu tầu và mở rộng sân bay trên đảo Ba Bình từng được ông Mã Anh Cửu, người đứng đầu chính quyền Đài Loan công khai tuyên bố hồi tháng 9/2012, dự kiến số vốn đầu tư để xây dựng cầu cảng là 3,3 tỷ Đài tệ (xấp xỉ 115 triệu USD). Đến tháng 5/2013, trong một cuộc hội thảo về xây dựng tổng thể hạ tầng giao thông Ba Bình, Viện trưởng Viện Hành chính Đài Loan Giang Nghi Hoa cho biết, toàn bộ dự án sẽ giao cho Nha Tuần Tra biển dự trù tổng thể, Hiệp hội Công trình lo việc mua sắp vật liệu, thiết bị, Cục công trình Bộ giao thông lo thi công.

Trước đó, đầu năm 2013, Đài Loan đã tuyên bố sẽ tiến hành kế hoạch thăm dò dầu khí tại vùng biển xung quanh đảo Ba Bình và Việt Nam đã lên tiếng kịch liệt phản đối kế hoạch này. Đài Loan đang ráo riết tăng cường các hoạt động củng cố, mở rộng các công trình quân sự tại Ba Bình cũng như lên kế hoạch thăm dò dầu khí ở khu vực này để qua đó nâng cao vị thế chính trị của Đài Loan trong khu vực, buộc các nước phải tính tới Đài Loan trong vấn đề Biển Đông.

Cùng với việc đẩy mạnh các hoạt động ở đảo Ba Bình, Đài Loan đề nghị được tham gia vào các cơ chế thảo luận về vấn đề Biển Đông, kể cả quá trình thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và tiến trình xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Có thể thấy rằng, mấy năm trở lại đây Đài Loan thi hành chính sách mạnh dạn hơn trên vấn đề Biển Đảo. Trong bối cảnh bị “yếu thế” về chính trị, chính sách đối ngoại của Đài Loan là “hoà với Trung Quốc, thân với Mỹ, hữu nghị với Nhật” và tranh thủ mọi cơ hội để thúc đẩy quan hệ với các nước láng giềng ở Đông Nam Á nhằm nâng cao vị thế chính trị, mở rộng không gian sinh tồn của Đài Loan. Do vậy, chính sách biển đảo của Đài Loan phải phục vụ mục tiêu đối ngoại đó.

Có nhiều chuyên gia học giả (kể cả các học giả Đài Loan) cho rằng với việc thi hành chính sách ngày càng cứng rắn trên vấn đề biển đảo, những người cầm quyền mới ở Bắc Kinh muốn lôi kéo Đài Loan cùng phối hợp trên vấn đề biển đảo nhằm tạo sức ép lên các nước láng giềng. Bắc Kinh chủ trương kích động chủ nghĩa dân tộc, đưa ra khẩu hiệu “chấn hưng Trung Hoa” hay thực hiện “giấc mơ Trung Hoa” nhằm lôi kéo Đài Bắc cùng hợp tác với Trung Quốc đại lục phục vụ cho việc xây dựng cường quốc biển của Trung Quốc. Được sự khích lệ của Bắc Kinh và với sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc đại Hán, Đài Loan đã có những bước đi mạnh bạo hơn trong việc triển khai các hoạt động ở đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, Đài Loan cũng luôn cảnh giác trong việc phối hợp với Trung Quốc trên vấn đề biển đảo vì Đài Loan luôn phải đề phòng với âm mưu “thôn tính, quy phục Đài Loan” của Trung Quốc đại lục. Đây chính là yếu tố kiềm chế sự hợp tác giữa 2 bờ eo biển Đài Loan trên vấn đề Biển Đảo. Các chuyên gia và các học giả của Đài Loan luôn hăng hái trong việc thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc đại lục trên vấn đề biển đảo vì họ đều có dòng máu đại Hán. Nhiều học giả của cả Đài Loan và Đại lục còn lên kế hoạch cùng nhau xây dựng lập luận để bảo vệ yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý ở Biển Đông. Tuy nhiên, những người cầm quyền ở Đài Bắc thì phải cân nhắc kỹ càng hơn trong việc hợp tác với Trung Quốc đại lục. Chính quyền Đài Bắc đã biết tranh thủ “thiện chí hợp tác” của Bắc Kinh để tăng cường quan hệ kinh tế, giao lưu giữa 2 bờ eo biển Đài Loan; tranh thủ sự “cổ vũ, khích lệ” của Bắc Kinh để mở rộng các hoạt động trên biển, nhất là đảo Ba Bình, nơi Đài Loan đang chiếm giữ để phục vụ mưu đồ chính trị của Đài Bắc. Hiện còn nhiều yếu tố khách quan và chủ quan ngăn cản sự hợp tác thực chất giữa Đài Loan và Trung Quốc đại lục trên vấn đề Biển Đảo.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới