Sunday, December 29, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiYÊU SÁCH “ĐƯỜNG LƯỠI BÒ” CỦA TRUNG QUỐC Ở BIỂN ĐÔNG NÓI...

YÊU SÁCH “ĐƯỜNG LƯỠI BÒ” CỦA TRUNG QUỐC Ở BIỂN ĐÔNG NÓI LÊN ĐIỀU GÌ?

BienDong.Net: Thời gian qua rất nhiều chính khách, chuyên gia, học giả và các nhà nghiên cứu đã lên tiếng phê phán yêu sách phi lý “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông. Nhiều ý kiến cho rằng yêu sách “đường lưỡi bò” thể hiện rõ tư tưởng bành trướng, bá quyền của những người cầm quyền ở Bắc Kinh.

 

Xét từ tất cả các khía cạnh thì “đường lưỡi bò” chứa đựng trong nó chủ nghĩa dân tộc đại Hán hẹp hòi và chủ nghĩa cường quyền. Điều đó càng được thể hiện rõ hơn qua những hành động gây hấn của Trung Quốc đối với các nước ven Biển Đông nhằm hiện thực hoá yêu sách “đường lưỡi bò” thời gian gần đây.

Biển Đông có diện tích khoảng 3 triệu km2, gồm vùng biển của các nước Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Indonesia thế mà “đường lưỡi bò” của Trung Quốc chiếm mất 2 triệu km2. Đặc biệt, “đường lưỡi bò” xâm phạm đến 70% diện tích vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam, 80% vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa 200 hải lý của Philippines, 70% diện tích vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Malaysia. Với một yêu sách như vậy ở Biển Đông thì Trung Quốc hiện nguyên hình của một kẻ bành trướng, bá quyền. Họ muốn thông qua “đường lưỡi bò để biến vùng biển của các nước thành “ao nhà” của họ.

Trung Quốc đưa ra lập luận về quyền lịch sử của họ ở Biển Đông để biện minh cho yêu sách “đường lưỡi bò” là thể hiện rõ tư tưởng đại Hán của Bắc Kinh. Họ cho rằng “từ xa xưa họ đã có các quyền ở Biển Đông” và giờ đây trở thành cái gọi là “quyền lịch sử” của họ. Cái khái niệm về “quyền lịch sử” hoàn toàn không có trong Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Nó chỉ đơn thuần là cách nghĩ của những người mang dòng máu đại Hán. Nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng cường quốc biển, Trung Quốc đang kích lệ chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi kêu gọi Đài Loan cùng hợp tác với họ trong việc “bảo vệ” cái yêu sách quái đản về “đường lưỡi bò”.

Yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc hết sức mơ hồ, nó không tuân theo bất kỳ một chuẩn mực quốc tế nào. Bản đồ “đường lưỡi bò” không có sự nhất quán, liên tục thay đổi và nó không có một toạ độ cụ thể. Sự mập mờ này càng cho thấy tính bất hợp pháp của yêu sách “đường lưỡi bò”. Cộng đồng quốc tế đang yêu cầu Trung Quốc phải làm rõ yêu sách của họ ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế; giải thích rõ về “đường lưỡi bò”, nhưng Trung Quốc vẫn làm ngơ.

Năm 1996, Trung Quốc đã phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 và trở thành thành viên của Công ước. Trung Quốc có trách nhiệm phải xác định các yêu sách về vùng biển của họ theo các quy định của Công ước Luật biển 1982. Tuy nhiên, Trung Quốc đã không làm tròn trách nhiệm và bổn phận của một thành viên Công ước Luật biển 1982. Bất chấp luật pháp quốc tế và ý kiến của công luận, Trung Quốc ra sức triển khai các hoạt động theo yêu sách “đường lưỡi bò” ở Biển Đông. Họ đang dùng sức mạnh của mình để gây hấn, hăm doạ các nước ven Biển Đông nhằm gây sức ép buộc các nước chấp nhận cái gọi là “cùng khai thác” trong phạm vi yêu sách “đường lưỡi bò”. Họ đang thi hành chính sách của một kẻ cường quyền. Một số học giả còn cho rằng những hành động của Trung Quốc nhằm hiện thực hoá yêu sách “đường lưỡi bò” ở Biển Đông cho thấy Trung Quốc là một “thực dân kiểu mới”. Họ đang cố tình biến những cái của người khác thành cái của mình.

Yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông đang lâm vào tình cảnh khó khăn về chính trị và pháp lý. Về chính trị, yêu sách “đường lưỡi bò” đã làm cho hình ảnh của Trung Quốc ngày càng xấu đi trong con mắt của cộng đồng quốc tế và đang tạo ra mối đe doạ với các nước láng giềng. Về mặt pháp lý, “đường lưỡi bò” vi phạm nghiêm trọng Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982, bị cả cộng đồng quốc tế lên án. Chính vì yêu sách “đường lưỡi bò” mà Philippines đã khởi kiện Trung Quốc ra Toà Trọng tài quốc tế để bác bỏ yêu sách phi lý này. Điều này đang tạo ra một áp lực về mặt pháp lý lên những người cầm quyền ở Bắc Kinh.

Tóm lại, với yêu sách “đường lưỡi bò” ở Biển Đông và những hành động của họ nhằm thực hiện yêu sách này, Trung Quốc đang hiện nguyên hình của một kẻ bành trướng, bá quyền, đại Hán với chính sách chính trị cường quyền ở khu vực.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới