Thursday, April 18, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiĐội tàu đánh bắt xa bờ của Trung Quốc làm cạn kiệt...

Đội tàu đánh bắt xa bờ của Trung Quốc làm cạn kiệt nguồn cá đại dương

BienDong.Net: Trung Quốc là nước khai thác hải sản lớn nhất thế giới. Do tình trạng đánh bắt quá mức và do tình trạng tranh chấp ở các vùng biển gần, Trung Quốc đã tiến hành mở rộng hoạt động đánh cá ra các vùng biển xa, vươn tới cả vùng đặc quyền kinh tế của các nước ở Châu Phi và châu Đại Dương.

Trung Quốc hiện có đội tàu cánh cá xa bờ lớn hơn đội tàu cá của bất cứ nước nào trên thế giới.

Nó bị tố cáo là thường xuyên kê khai thấp số lượng cá mà nó đánh bắt được trên các vùng biển quốc tế. Với 87% số lượng đàn cá biển trên các đại dương hiện bị đánh bắt triệt để, đánh bắt quá mức và bị suy giảm, vai trò của Trung Quốc trong việc khai thác và điều hành một cách bền vững nguồn hải sản toàn cầu một lần nữa đang trở thành vấn đề vô cùng lớn về kinh tế và môi trường với những liên đới cả về vấn đề an ninh.

Trung Quốc bắt đầu xây dựng đội tàu cá đánh bắt xa bờ của họ vào năm 1985, chủ yếu để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về hải sản ở trong nước trong bối cảnh nguồn cung từ trong nước sụt giảm do khai thác quá mức. Được sự hỗ trợ của chính phủ, đội tàu này đã phát triển vượt bậc, hiện lên tới hơn 2.000 chiếc hoạt động trên khắp các đại dương của thế giới, từ Bắc Thái Bình Dương, Châu Phi tới Nam Mỹ và Nam Cực. Đội tàu đánh bắt xa bờ khổng lồ của Trung Quốc gây quan ngại bởi nhiều lý do, trong đó nổi bật nhất là việc họ thường đánh bắt cá một cách bất hợp pháp và theo kiểu hủy diệt. Phần lớn trong tổng số khoảng 4,6 triệu tấn cá mà Trung Quốc đánh bắt được mỗi năm là từ các vùng biển nước ngoài.

 alt

Tàu cá Trung Quốc đã tràn vào biển Hoa Đông để đánh bắt. Ảnh: Nhân dân Nhật báo

Cùng với nhiều quốc gia đánh bắt cá xa bờ khác, Trung Quốc tập trung nỗ lực của họ vào vùng Đại Tây Dương ở phía tây Châu Phi, do ở đó có nguồn hải sản rất dồi dào. Nhiều nước Châu Âu và các nước khác ngoài Châu Âu đã ký các hiệp định tuân theo tinh thần Công ước về Luật Biển của Liên hiệp quốc (LHQ), trong đó xác định số lượng khai thác và các thông số cần thiết khác với các nước Châu Phi. Đi ngược lại thông lệ này, Trung Quốc không công bố các số liệu của mình, vì vậy người ta không rõ bao nhiêu phần trăm trong sản lượng đánh bắt của họ là từ hoạt động bất hợp pháp. Ước tính, có tới 80% trong tổng số 3,1 triệu tấn hải sản mà Trung Quốc đánh bắt được hàng năm ở ngoài khơi bờ biển Châu Phi là bất hợp pháp. 

Việc Trung Quốc tập trung đánh bắt trên vùng biển phía Tây Châu Phi đã gây quan ngại do nó làm cạn kiệt nguồn thực phẩm của người dân trong vùng. Do thiếu năng lực thực thi pháp luật và nạn tham nhũng tràn lan, các lực lượng hải quân ven biển của các nước trong khu vực không thể giám sát vùng biển của mình một cách hiệu quả và các quốc gia bị ảnh hưởng cũng thường không muốn hợp tác với nhau để ngăn chặn. Các con tàu của Trung Quốc còn tháo bỏ cờ hiệu hoặc thay đổi tên đăng kí để che mắt các cơ quan chức năng. Còn người dân địa phương thì không thể cạnh tranh với các đội tàu được trang bị công nghệ tiên tiến của Trung Quốc. 

Mặc dù tầng lớp trung lưu ngày càng tăng của Trung Quốc được nhìn nhận là một động lực dẫn đến nhu cầu ngày càng tăng về hải sản, phần lớn số hải sản quý mà Trung Quốc đánh bắt được từ các vùng biển xa và khoảng một nửa sản lượng của Trung Quốc được xuất khẩu sang Châu Âu, Mỹ và Nhật Bản. Ở đây ngoài vấn đề cung và cầu còn là mục đích địa – chính trị. Trung Quốc đang tăng cường lực lượng đánh bắt xa bờ của họ như là một phương cách để khẳng định mình như một cường quốc đang lên, là chủ sở hữu hợp pháp một phần nguồn cá trên thế giới. 

Theo mạng tin “New Security Beat” thuộc trung tâm Wilson Center chuyên hoạt động về vấn đề bảo tồn và môi trường, vấn đề quản lý tài nguyên trên biển rõ ràng là phức tạp hơn so với trên đất liền, đặc biệt là khi Trung Quốc tiếp tục tăng cường lực lượng và đẩy xa giới hạn đánh bắt. Để giảm thiểu những tác động tiêu cực từ hoạt động này, các nước nhập khẩu có thể sử dụng các biện pháp để tăng cường áp lực đối với Trung Quốc. Trước hết, họ cần nghiêm khắc đòi Trung Quốc công bố dữ liệu đánh bắt tại vùng biển của họ nhằm buộc Trung Quốc thay đổi hành vi đánh bắt cá. Ngoài ra, việc hỗ trợ các quốc gia Châu Phi trong thực thi các thỏa thuận hiện có với Trung Quốc cũng như tìm kiếm các phương thức giúp cải thiện sự hợp tác giữa các quốc gia bị ảnh hưởng cũng sẽ là một bước tiến.

Trung Quốc không phải là nước duy nhất tham gia hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, khai thấp mức đánh bắt và đánh bắt không theo đúng qui định, một hoạt động rất khó tiến hành kiểm soát, và đang gây ra mối đe dọa lớn đối với các đàn hải sản và môi trường sống dưới đại đương. Tuy nhiên, khi nhận thức về môi trường ở Trung Quốc và nước ngoài tăng lên, người ta có thể hy vọng về những hành vi có trách nhiệm hơn của Trung Quốc trong việc khai thác bền vững nguồn cá và hải sản của đại dương, tránh tình trạng khai thác như ăn cướp hiện nay đã từng gây ra nhiều vụ đụng độ giữa tàu Trung Quốc và tàu chấp pháp của các nước từ Nga, Hàn Quốc, Argentina và Papua New Guinea thời gian gần đây…

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới