Thursday, April 18, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiVẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG NÊN ĐƯỢC GIẢI QUYẾT THẾ NÀO?

VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG NÊN ĐƯỢC GIẢI QUYẾT THẾ NÀO?

BienDong.Net: Tranh chấp ở Biển Đông rất phức tạp, liên quan đến nhiều nước trong và ngoài khu vực. Ở Biển Đông có những tranh chấp liên quan đến 2 nước chẳng hạn như tranh chấp về quần đảo Hoàng Sa giữa Việt Nam và Trung Quốc hay việc phân định những vùng biển chồng lấn giữa các nước liên quan do khoảng cách bờ biển đối diện giữa hai nước không đủ 400 hải lý để mỗi bên có thể xác định vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa 200 hải lý của mình theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (như khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc; khu vực biển chồng lấn giữa Việt Nam và Malaysia; giữa Việt Nam và Indonesia…).

Ở Biển Đông có tranh chấp liên quan trực tiếp đến 5 nước 6 bên như tranh chấp về quần đảo Trường Sa giữa Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan. Ở Biển Đông có những vấn đề liên quan đến lợi ích của cả các nước ngoài khu vực chẳng hạn như vấn đề hoà bình ổn định và tự do, an ninh, an toàn hàng hải trong khu vực; yêu sách phi lý “đường lưỡi bò” của Trung Quốc đe dọa hoà bình ổn định, tự do, an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông và bị cả cộng đồng quốc tế lên án. Để tìm ra giải pháp công bằng, hợp lý cho các tranh chấp ở Biển Đông cần sử dụng cơ chế và công cụ nào là một câu hỏi đặt ra với các nhà nghiên cứu. Bài viết này đề cập đến việc sử dụng các công cụ pháp lý để tìm giải pháp cho tranh chấp Biển Đông.

Điều 33 Hiến chương Liên hợp quốc quy định: “đối với các bên trong tranh chấp mà việc kéo dài các cuộc tranh chấp có thể đe doạ đến hoà bình và an ninh quốc tế, phải cố gắng tìm cách giải quyết bằng: (i) đàm phán; (ii) điều tra; (iii) trung gian; (iv) hoà giải; (v) trọng tài; (vi) phân xử tại Toà; (vii) sử dụng những tổ chức hoặc hiệp định khu vực; (viii) các biện pháp hoà bình khác tuỳ theo sự lựa chọn…”.

Các nước (trừ Đài Loan không được coi là một nước trong tranh chấp Biển Đông và không được tham gia các cơ chế chính trị hay giải quyết tranh chấp ở Biển Đông) liên quan trực tiếp đến tranh chấp ở Biển Đông đều là thành viên Liên hợp quốc và như vậy có thể áp dụng các cơ chế được quy định trong Điều 33 Hiến chương Liên hợp quốc để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông.

Phân xử tại Toà đối với tranh chấp ở Biển Đông có thể được coi là biện pháp công bằng nhất và tạo cơ sở cho mỗi bên có thể giải thích, trang trải nội bộ của mình. Việc phân xử tại Toà có thể được sử dụng thông qua Toà án Công lý quốc tế (ICJ), Toà án quốc tế về Luật biển (ITLOS) hay bằng những cơ chế khu vực khác. Thực tiễn ở khu vực đã có nhiều tranh chấp được giải quyết tại ICJ như vụ Sipadan – Ligitan giữa Indonesia và Malaysia; vụ Pedra Branca giữa Malaysia và Singapore. Tuy nhiên, Trung Quốc lại luôn phản đối việc giải quyết tranh chấp ở ICJ hay ITLOS mặc dù Trung Quốc có thẩm phán cả ở ICJ và ITLOS. Vì sao như vậy? Cách giải thích duy nhất là vì các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông không có cơ sở pháp lý.

Công ước Liên hợp quốc cũng có cơ chế giải quyết tranh chấp. Tất cả các nước liên quan trực tiếp đến tranh chấp Biển Đông (ngoại trừ Đài Loan) đều đã phê chuẩn và là thành viên Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Theo quy định của Công ước, các bên liên quan đến tranh chấp có thể sử dụng “các cơ chế bên thứ ba”, chẳng hạn như trung gian, hoà giải hay trọng tài quốc tế. Các cơ chế này có thể sử dụng để giải quyết nhiều tranh chấp ở Biển Đông dựa theo các quy định của Công ước. Trung Quốc khăng khăng không chấp nhận sử dụng bên thứ 3 để giải quyết các tranh chấp biển với các nước láng giềng mà luôn đòi giải quyết các tranh chấp thông qua đàm phán song phương với từng quốc gia liên quan. Mặc dù Trung Quốc đã bảo lưu việc sử dụng các cơ chế của Công ước Luật biển 1982 để giải quyết các tranh chấp về chủ quyền và phân định biển. Tuy nhiên, nhiều vấn đề ở Biển Đông có thể sử dụng các cơ chế của Công ước Luật biển ở Biển Đông để Toà có thể căn cứ vào Công ước để ra phán quyết bất chấp sự phản đối của Trung Quốc chẳng hạn như yêu sách “đường lưỡi bò” do nó vi phạm các điều khoản của Công ước nên có thể căn cứ Công ước để bác bỏ yêu sách này. Việc Trung Quốc công bố đường cơ sở thẳng cho quần đảo Hoàng Sa cũng có thể áp dụng Công ước để bác bỏ hay việc giải thích về quy chế các cấu trúc ở Biển Đông hoàn toàn có thể căn cứ vào Công ước để xử lý.

Hiện nay, Philippines đang sử dụng cơ chế Trọng tài theo phụ lục 7 của Công ước để yêu cầu Toà Trọng tài ra phán quyết “đường lưỡi bò” là bất hợp pháp; yêu cầu Toà phán quyết các cấu trúc Trung Quốc đang chiếm đóng thuộc quần đảo Trường Sa là đá, chỉ có vùng biển rộng 12 hải lý, không có vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa riêng. Dường như Philippines đã né tránh được các nội dung liên quan đến những bảo lưu của Trung Quốc để Toà có thể ra phán quyết về những nội dung trong đơn khởi kiện của Philippines. Do vậy, bất chấp sự phản đối và không tham gia của Trung Quốc, Toà Trọng tài vẫn được thành lập và diễn biến của vụ kiện đang diễn biến theo đúng trình tự quy định của Công ước Luật biển 1982.

Vụ kiện của Philippines là một điểm sáng mới trong việc vận dụng các công cụ pháp lý để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông; mở ra một cục diện mới cho việc giải quyết tranh chấp thông qua cơ quan tài phán quốc tế.

Ngoài ra, còn có phương thức giải quyết tranh chấp giữa các nước ASEAN thông qua “Hội đồng tối cao” trong khuôn khổ Hiệp ước Thân thiện và hợp tác ASEAN năm 1976. Tuy nhiên, “Hội đồng tối cao” chưa bao giờ được sử dụng, mặc dù Indonesia đã một lần thử sử dụng cơ chế này (đối với vụ việc Sipadan và Ligitan), nhưng không được thông qua.

Đối với vấn đề Biển Đông, rất khó để có thể tìm ra được các cơ quan hay hiệp định khu vực có thể sử dụng trong giải quyết tranh chấp Biển Đông vì Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa ASEAN và Trung Quốc chỉ là một văn kiện chính trị không có giá trị ràng buộc pháp lý. Hiện các nước ASEAN đang tích cực thúc đẩy Trung Quốc sớm thảo luận xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) nhằm có được một văn kiện có tính ràng buộc pháp lý cao hơn, nhưng Trung Quốc lại tìm cách trì hoãn. Nhiều nhà phân tích cho rằng kể cả Trung Quốc có ngồi vào cùng các nước ASEAN thảo luận về COC thì cũng không thể hy vọng có được một COC có tính ràng buộc pháp lý cao để làm cơ sở cho việc giải quyết tranh chấp Biển Đông. Do vậy, không thể mong đợi việc sử dụng cơ quan hay hiệp định khu vực để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.

Từ những phân tích trên đây có thể thấy trước mắt đối với vấn đề Biển Đông sử dụng cơ chế Toà Trọng tài trong khuôn khổ áp dụng Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 để giải quyết như Philippines đang làm là sự lựa chọn tối ưu nhất cho dù Trung Quốc phản đối và không tham gia.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới