BienDong.Net: Cơ quan quan sát trái đất thuộc NASA cho biết một núi băng lớn bằng diện tích Singapore vừa tách khỏi Nam Cực và sẽ sớm trôi ra Nam Đại Dương, gây nguy hiểm cho các tàu bè di chuyển trên tuyến hàng hải Quốc tế.
Được đặt tên là B-31, núi băng này có chiều dài 21 dặm, ngang 12 dặm, diện tích khoảng 700 km2, hiện đang nằm trên vịnh Pine Island ở phía Tây Nam mũi cực nam của Chi lê.
Hình ảnh vệ tinh núi băng chụp hôm 13/11 trước khi tách khỏi sông băng đảo Pine Island
Hiện tại núi băng này vẫn ở trong vịnh biển, song vào đầu năm tới, khi băng trên vịnh tan chảy xuống mức thấp nhất, núi băng có thể trôi ra biển Nam Đại Dương và có thể bị cuốn vào một trong hai dòng hải lưu chảy xung quanh châu Nam Cực là dòng hải lưu chảy theo chiều kim đồng hồ – gọi là dòng chảy ngược ven bờ, hoặc dòng hải lưu chảy theo chiều kim đồng hồ, gọi là dòng hải lưu vòng cực, lớn hơn dòng hải lưu kia.
Các nhà khoa học NASA nói rằng việc xuất hiện những núi băng mới không phải là một bất ngờ vì sông băng trên đảo Pine Island, nơi B-31 tách ra, là một trong những sông băng hoạt động mạnh nhất, và trung bình cứ 5 – 6 năm nó lại tách ra một núi băng mới.
Tuy nhiên, B-31 lại gây bất ngờ ở chỗ kích cỡ của nó lớn gấp rưỡi so với các núi băng được phát hiện trước đó ở khu vực này.
Sự xuất hiện của B-31, theo các nhà khoa học, đang củng cố giả thiết cho rằng nước biển ấm lên đang làm suy yếu các khối băng trên khu vực này của châu Nam Cực, làm cho lượng băng trôi ra biển tăng lên và vì thế có thể khiến nước biển dâng cao hơn, gây ngập lụt các vùng bờ biển trên khắp thế giới.
Các nhà khoa học cũng lo ngại rằng một tảng băng với kích cỡ khổng lồ như vậy có thể ảnh hưởng đến các tuyến hàng hải quốc tế, tùy theo việc nó trôi theo hướng nào.
Giáo sư Grant Bigg thuộc Trường đại học Sheffield (Anh), trưởng nhóm nghiên cứu băng trôi đang tìm cách tính toán đường đi của tảng băng phân tích rằng trong trường hợp tảng băng trôi vào Nam Đại Dương, nó sẽ gây nguy hiểm cho tàu thuyền.
Ông cho hay đã từng có một tảng băng tách ra từ đảo băng Pine được phát hiện đi xuyên qua eo biển Drake để vào nam Đại Tây Dương.
Drake là là eo biển phân cách Nam Mỹ và châu Nam Cực từ điểm cực nam của Nam Mỹ tới điểm cực bắc của Nam Cực tại quần đảo South Shetland. Điều này có nghĩa tảng băng sẽ di chuyển tới một trong những tuyến hàng hải quốc tế tấp nập nhất thế giới, và có thể gây ra thảm họa.
Jane Robertson, một chuyên gia quan sát tình trạng băng trôi thuộc đảo quốc Greenland, cho biết khi đối mặt với các núi băng trôi khổng lồ, “bạn có thể hoặc cố đi qua nó hoặc đi vòng qua nó”.
Các núi băng trôi mà ta nhìn thấy chỉ là khoảng 1/9 tảng băng thực, vì phần chính của nó nằm chìm dưới nước.
“Trong phần lớn các trường hợp, thuyền trưởng thường sẽ chọn đi vòng qua núi băng vì bất kể là bạn lái tàu chậm và cẩn thận cỡ nào thì núi băng sẽ luôn là mối nguy hiểm cho con tàu. Rồi thì thời tiết cũng có thể trở nên xấu đi nhanh chóng và bạn sẽ không muốn đi qua núi băng trong thời tiết xấu”, bà Robertson nhận xét.
BDN