Thursday, January 16, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnTàu sân bay Liêu Ninh xuống Biển Đông làm gia tăng căng...

Tàu sân bay Liêu Ninh xuống Biển Đông làm gia tăng căng thẳng

BienDong.Net: Sáng 26.11, tàu sân bay Liêu Ninh đã rời cảng Thanh Đảo hướng tới Biển Đông để “nghiên cứu và diễn tập quân sự”.

Các hãng thông tấn trích nguồn tin từ Bắc Kinh nói rằng tàu Liêu Ninh, hiện vẫn trong giai đoạn thử nghiệm, đã thực hiện hơn 100 cuộc diễn tập, nhưng đây là lần đầu tiên chiếc tàu này đến Biển Đông trong bối cảnh cuộc tranh chấp biển đảo với các láng giềng đang diễn ra gay gắt.

Lần đầu tiên tàu sân bay Liêu Ninh đến vùng Biển Đông (Nguồn: THX/TTXVN)

Theo Reuters, dù được trang bị công nghệ thua kém Hoa Kỳ hàng chục năm, tàu Liêu Ninh thể hiện “tham vọng đại dương của Hải quân Trung Quốc và là tâm điểm của chiến dịch thổi dậy lòng ái quốc”.

Sau khi được bàn giao cho hải quân Trung Quốc ngày 25/9/2012, tàu Liêu Ninh đã trải qua các giai đoạn huấn luyện cất hạ cánh chiến đấu cơ, cất hạ cánh cự ly ngắn, cất hạ cánh máy bay vận tải hạng nặng và cất hạ cánh trên tàu sân bay trong điều kiện thời tiết xấu.

Báo Trung Quốc nói cùng tàu sân bay Liêu Ninh còn có bốn tàu khác, lập thành cụm gồm tàu khu trục Thẩm Dương, Thạch Gia Trang và hai tàu hộ vệ Yên Đài, Duy Phường.

Trung Quốc yêu sách chủ quyền ở Biển Đông với đường lưỡi bò phi pháp bao chiếm 85% diện tích vùng biển này.

Hoạt động của cụm tàu sân bay Liêu Ninh ở Biển Đông dù chưa rõ tại khu vực nào và kéo dài bao lâu nhưng sẽ khiến các bên liên quan lo ngại và làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, đi ngược lại những tuyên bố “thiện chí” duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông mà Bắc Kinh vẫn rêu rao.

Nhà quan sát quân sự Antony Wong Dong tại Macao cho rằng nhóm chiến hạm Liêu Ninh đã chọn Biển Đông vì sự nhạy cảm chính trị của vùng biển này, và vì đây là vùng biển nước sâu lý tưởng cho các tàu chiến lớn hoạt động.

“Căn cứ hải quân lớn nhất của quân đội Trung Quốc đặt tại Tam Á trên đảo Hải Nam, tương tự như cảng Pearl của Mỹ ở Hawaii. Căn cứ Tam Á có thể hỗ trợ toàn diện cho Liêu Ninh trong các cuộc diễn tập sắp tới”, ông Wong nói.

Chuyên gia hải quân Li Jie tại Bắc Kinh cho rằng các cuộc diễn tập có thể liên quan tới một loạt tàu chiến và các công nghệ hiện đại.

“Các tàu đi cùng Liêu Ninh đều có chức năng chống ngầm và phòng không. Đội tàu sẽ trở nên hoàn hảo nếu các tàu sân bay và các tàu khác cùng tham gia nhóm này”, ông nói.

Hồi đầu tháng này, Liêu Ninh đã hoàn thành cuộc diễn tập kéo dài 19 ngày ở biển Bột Hải, phía bắc Trung Quốc và các kỹ sư trên tàu đã lần đầu tiên thực hiện thành công việc tháo và lắp động cơ máy bay chiến đấu J-15.

Phản ứng trước hành động của Trung Quốc, Philippines cho rằng việc tàu sân bay Liêu Ninh lần đầu tiên sắp xuất hiện trên Biển Đông sẽ làm gia tăng căng thẳng.

Reuters dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez hôm 27/11, cho rằng việc tàu Liêu Ninh tới Biển Đông là diễn biến đáng lo ngại, vi phạm các thỏa thuận giữa Trung Quốc và các bên về việc kiềm chế căng thẳng trên Biển Đông.

Ông Hernandez nói: “Việc triển khai (tàu Liêu Ninh) làm gia tăng căng thẳng và vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)”.

Các nhà phân tích cho rằng việc đưa tàu Liêu Ninh xuống Biển Đông không khác gì một cách thị uy mà Trung Quốc trịch thượng dành cho những quốc gia yếu hơn mình, đồng thời là đại diện cho tham vọng trên biển của Trung Quốc.

Trong báo cáo thường niên công bố hôm 20.11, Ủy ban thẩm định an ninh và kinh tế Mỹ – Trung thuộc Quốc hội Mỹ đã cảnh báo về việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự, dự báo rằng cường quốc đang nổi lên này sẽ có khả năng vận hành đội tàu ngầm và tàu chiến hiện đại lớn nhất ở Tây Thái Bình Dương trước năm 2020.

Còn nhớ cuối tháng 10.2013, Lần đầu tiên trong hơn 40 năm qua, truyền thông Trung Quốc đã công khai đăng tải những bức ảnh về thế hệ tàu ngầm hạt nhân mới nhất của họ ở căn cứ Thanh Đảo, Sơn Đông, trong một động thái nhằm chứng tỏ sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng của họ.

Mặc dù các phương tiện truyền thông Trung Quốc không tiết lộ số lượng tàu ngầm hạt nhân của nước này, nhưng các chuyên gia quốc tế ước tính Trung Quốc có 8 – 10 tàu ngầm hạt nhân, bên cạnh 50 – 60 tàu ngầm diesel – điện.

BDN (nguồn BBC, GDVN)

RELATED ARTICLES

Tin mới