Sunday, September 8, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTRUNG QUỐC ĐANG THÁCH THỨC CẢ CỘNG ĐỒNG QUỐC TẾ

TRUNG QUỐC ĐANG THÁCH THỨC CẢ CỘNG ĐỒNG QUỐC TẾ

BienDong.Net: Ngày 23/11/2013, Trung Quốc chính thức công bố “Khu vực nhận dạng phòng không” (ADIZ) biển Hoa Đông. Ngay sau khi tuyên bố thành lập ADIZ, Trung Quốc lập tức triển khai chiến đấu cơ tuần tra của lực lượng không quân nước này trong vùng nhận dạng không quân mới thiết lập, với sự tham gia của các máy bay trinh sát, máy bay cảnh báo sớm và máy bay chiến đấu.

Trung Quốc khẳng định việc thành lập ADIZ là nhằm “bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh trên không và duy trì trật tự bay”. Hành động này của Trung Quốc đã làm cho tình hình khu vực biển Hoa Đông hết sức căng thẳng và gặp phải phản phản ứng dữ dội từ các nước.

Ngày 23/11/2013, khi phát hiện 2 chiếc máy bay trinh sát điện tử Trung Quốc, Nhật Bản đã điều máy bay chiến đấu F – 15 của lực lượng không quân phía tây và trung đoàn máy bay hỗn hợp tây nam khẩn cấp bay lên ngăn chặn.

Khu vực này có hình đa giác được vẽ từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của Trung Quốc trong vùng biển Hoa Đông, diện tích khoảng 375.000 km2, cách bờ biển Trung Quốc nơi xa nhất khoảng 300 hải lý, bao trùm toàn bộ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và một phần vùng nước của đảo Leodo của Hàn Quốc nhưng chưa tới ranh giới ngoài thềm lục địa mà Trung Quốc trình lên Liên hợp quốc ngày 14/12/2012. Khu vực này chồng lấn với Khu vực nhận dạng phòng không của Hàn Quốc và Nhật Bản. Thông báo của Bắc Kinh nêu rõ, vùng nhận dạng phòng không mới thuộc quyền quản lý của Bộ quốc phòng, tất cả các máy bay qua lại vùng phòng không nói trên phải thông báo trước kế hoạch bay cho nhà chức trách Trung Quốc và phải tuân thủ các hướng dẫn, nếu không, không quân nước này sẽ đưa ra các biện pháp quân sự khẩn cấp. Tuyên bố này của Trung Quốc có thể coi là một thách thức đối với hoạt động bay của các nước trong và ngoài khu vực.

Ngay sau khi Trung Quốc công bố thành lập ADIZ, ông Junichi Ihara, Vụ trưởng Vụ Châu Á và Châu Đại Dương của Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã gọi điện đến Đại sứ quán Trung Quốc tại Nhật Bản để phản đối việc Trung Quốc thiết lập “Khu vực nhận dạng phòng không” trên biển Hoa Đông. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã gọi hành động đơn phương của Trung Quốc là “không thể chấp nhận được và hoàn toàn không có giá trị”, và có thể dẫn đến “các sự cố khó lường trong khu vực vì tuyên bố này nhằm hạn chế các chuyến bay ở trên biển cả”. Ngày 25/11/2013, trong phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Nhật Bản bày tỏ sự lo ngại trước hành động của Trung Quốc, cho rằng đây là một hành động hết sức nguy hiểm, “có thể gây ra những hậu quả ngoài ý muốn”. Cùng ngày, Nhật Bản triệu tập Đại sứ của Trung Quốc để phản đối việc Trung Quốc Tuyên bố thiết lập ADIZ.

Mỹ cũng nhanh chóng bày tỏ phản đối. Ngay trong ngày 23/11/2013, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tuyên bố phản đối Khu vực nhận dạng phòng không” của Trung Quốc; đồng thời tái khẳng định điều V của Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ – Nhật áp dụng cho cả khu vực quần đảo Senkaku. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ John Kerry kêu gọi Trung Quốc kiềm chế và cảnh báo việc thiết lập một khu vực như vậy có thể làm gia tăng khả năng xảy ra các sự cố nguy hiểm. Phó phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest cho hay, tuyên bố thành lập ADIZ của Trung Quốc là một động thái “khiêu khích không cần thiết” làm bùng phát căng thẳng với Nhật Bản. Ông Josh Earnest nhấn mạnh: “Khi chúng tôi bay qua ADIZ, chúng tôi sẽ không phải đăng ký hay thông báo lịch trình bay mà Trung Quốc yêu cầu”.

Tối ngày 25/11/2013, Mỹ đã cho 2 máy bay ném bom B – 52 bay qua vùng không phận mà Trung Quốc vừa tuyên bố thành lập ADIZ. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ, Đại tá Steve Warren, cho biết 2 máy bay Mỹ không phải khai báo khi chúng đi vào ADIZ tự nhận của Trung Quốc. Theo ông Warren, Washington đã tiến hành các hoạt động trong khu vực quần đảo Senkaku. Ông Warren nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các thủ tục thông thường của chúng tôi, bao gồm việc không phải thông báo kế hoạch bay, không phải phát tín hiệu radio trước và cũng không phải đăng ký tần số. Với việc làm này Washington đã phát đi một thông điệp rõ ràng đối với Trung Quốc rằng đừng đi quá giới hạn trong các tham vọng lãnh thổ ở biển Hoa Đông.

Đánh giá về phản ứng của Mỹ, ông Nicholas Szechenyi, một chuyên gia cấp cao tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) nhận định: Mỹ đã nhiều lần tuyên bố rằng bất kỳ một nỗ lực nào nhằm thay đổi hiện trạng một cách đơn phương hoặc thông qua các biện pháp ép buộc sẽ là không thể chấp nhận được. Các chuyến bay B – 52 cũng nhằm thể hiện điều đó.

Ngày 26.11, Bộ Ngoại giao Úc triệu tập Đại sứ Trung Quốc để bày tỏ quan ngại về vùng nhận dạng phòng không tại biển Hoa Đông (ADIZ). Ngoại trưởng Úc Julie Bishop cho biết hành động tuyên bố thành lập ADIZ của Trung Quốc sẽ không giúp ích gì cho việc đảm bảo ổn định trong khu vực và Úc phản đối bất kỳ hành động đơn phương nào gây bất ổn trong khu vực. Ông Julie Bishop tuyên bố “Úc đã bày tỏ sự phản đối rõ ràng đối với bất kỳ hành động có tính ép buộc hoặc đơn phương nào để thay đổi tình hình tại biển Hoa Đông”.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc phát biểu tỏ ý lấy làm tiếc việc Trung Quốc thiết lập Khu vực nhận dạng phòng không ở biển Hoa Đông, cho rằng Khu vực này chồng lấn một phần với Khu vực nhận dạng phòng không của Hàn Quốc và khẳng định trao đổi nội dung này với Trung Quốc tại Đối thoại chiến lược về Quốc phòng lần thứ 3 giữa hai nước tổ chức tại Seoul ngày 28/11/2013. Ngày 25/11, báo Bưu điện toàn cầu (Global Post) của Mỹ đưa tin Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã triệu tập đại diện Đại sứ quán Trung Quốc, tuyên bố bảo lưu với “Khu vực nhận dạng phòng không” của Trung Quốc do khu vực này đã chồng lấn một phần với “Khu vực nhận dạng phòng không” của Hàn Quốc.

Phản ứng trước tuyên bố thiết lập Khu vực nhận dạng phòng không của Trung Quốc, ngày 23/11/2013, chính quyền Đài Loan bày tỏ quan tâm đối với diễn biến mới ở trên biển Hoa Đông, tái khẳng định chủ quyền của Đài Loan đối với đảo Điếu Ngư và khẳng định Đài Loan sẽ trao đổi chặt chẽ với các nước có liên quan để duy trì hoà bình và an ninh tại khu vực.

Theo các quy định của Công ước hàng không dân dụng quốc tế năm 1944 và Công ước Luật Biển 1982 thì một quốc gia ven biển không có quyền hạn chế quyền tự do bay trên vùng trời nằm ngoài lãnh thổ, lãnh hải của mình. Việc Trung Quốc thiết lập vùng nhận dạng phòng không bao trùm lên cả vùng biển và lãnh thổ đang có tranh chấp là hành động nghiêm trọng, vi phạm luật pháp quốc tế, làm tình hình tranh chấp thêm phức tạp, gây mất ổn định ở khu vực.

Việc Trung Quốc thành lập khu vực ADIZ không chỉ làm tình hình khu vực biển Hoa Đông xấu đi nghiêm trọng mà đang tạo ra “nguy cơ” cho cả cộng đồng quốc tế. Phản ứng gay gắt của các nước trong và ngoài khu vực cho thấy rõ điều đó. Câu hỏi đặt ra là vì sao Trung Quốc thiết lập khu vực ADIZ trên biển Hoa Đông.

Thời gian qua nhiều nhà phân tích đã nhận định rằng mục tiêu trước mắt của Trung Quốc là phải khống chế cho bằng được Biển Đông và biển Hoa Đông vì hai khu vực này là cửa ngõ để Trung Quốc vươn ra đại dương thực hiện mục tiêu xây dựng cường quốc biển. Động thái mới của Trung Quốc thành lập ADIZ ở biển Hoa Đông nằm trong kế hoạch từng bước khống chế cả trên không và mặt nước ở khu vực biển Hoa Đông. Trung Quốc sử dụng “Khu vực nhận dạng phòng không” này để buộc các nước khác vì lo đảm bảo an toàn bay phải gián tiếp thừa nhận yêu sách của Trung Quốc. Phản ứng gay gắt của Mỹ và một số đồng minh của Mỹ (Nhật, Úc) cho thấy Mỹ sẽ không chấp nhận những hành động quá giới hạn của Trung Quốc ảnh hưởng đến lợi ích và giá trị của Mỹ là tự do hàng không và tự do hàng hải.

Việc Trung Quốc công bố ADIZ ở biển Hoa Đông có thể là bước thử nghiệm để Trung Quốc tiến tới thiết lập khu vực tương tự ở Biển Đông để kiểm soát cả trên không và mặt nước nhằm củng cố cho yêu sách của họ ở Biển Đông, bao gồm “đường lưỡi bò”. Cộng đồng quốc tế cần hết sức cảnh giác và cần cùng lên tiếng phản đối những hành động quá khích vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới