Thursday, January 9, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiNăm 2013 mực nước biển dâng cao kỷ lục - Việt Nam...

Năm 2013 mực nước biển dâng cao kỷ lục – Việt Nam đứng trước hiểm họa xói lở bờ biển

BienDong.Net: Trong báo cáo vừa được công bố, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) thuộc Liên Hiệp Quốc khẳng định năm 2013, mực nước biển toàn cầu dâng lên mức cao kỷ lục, đe dọa các vùng bờ biển thế giới.

Hãng tin AFP dẫn báo cáo của WMO cho biết mực nước biển tăng cao kỷ lục vào tháng 3/2013. Tốc độ mực nước biển dâng hiện tại là 3,2mm/năm, cao gấp đôi con số 1,6mm/năm của thế kỷ 20. “Mực nước biển dâng cao khiến các khu vực ven biển dễ bị tổn thương hơn trước sóng lớn do bão gây ra. Chúng ta đã được thấy tận mắt điều này từ thảm họa bão tố ở Philippines” – WMO cho biết.

alt

Bờ biển Quảng Ngãi: Sóng biển ngoạm cả vào những rừng cây dương chắn gió

Các chuyên gia khí tượng vẫn chưa giải thích được mối quan hệ giữa hiện tượng biến đổi khí hậu và các cơn bão nhiệt đới. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia dự báo các trận bão nhiệt đới sẽ ngày càng dữ dội và thường xuyên hơn do hậu quả của hiện tượng trái đất ấm dần lên.

WMO cho biết trong năm 2012 tỉ lệ tích tụ khí thải nhà kính trong không khí tăng lên mức kỷ lục 393,1ppm, cao hơn 2,2ppm so với năm 2011 và tăng 41% kể từ năm 1750, thời kỳ cuộc cách mạng công nghiệp bắt đầu.

“Chúng tôi dự báo tỉ lệ này sẽ lên mức chưa từng thấy vào năm 2013, có nghĩa là trong tương lai khí hậu sẽ ngày càng ấm hơn” – WMO nhấn mạnh. Hiện nhiệt độ đất và mặt nước biển toàn cầu cao hơn 0,48 độ C so với thời kỳ 1961 – 1990.

Được đánh giá là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng nước biển dâng, trong những năm qua vấn đề đối phó với hậu quả của tình trạng biến đổi khí hậu được coi là một ưu tiên tại Việt Nam, nhất là các địa phương vùng duyên hải.

alt

Biển lấn

Theo số liệu khảo sát tại 14 tỉnh ven biển miền Trung của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), thì hiện trạng xói lở đang diễn ra nghiêm trọng với quy mô, cường độ ngày càng tăng.

Các khu vực bị xói lở nghiêm trọng nhất tập trung ở các tỉnh Thanh Hóa, Thừa Thiên – Huế, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Phú Yên, Bình Thuận.

Quá trình xói lở diễn ra ở hầu hết các kiểu kiến tạo: Sỏi cát, bùn sét, bùn cát… Ngay cả 121 đoạn bờ có đê, kè, trồng cây cũng đang bị xói lở. Khu vực miền Nam, xói lở bờ biển diễn ra mạnh mẽ ở các địa phương như Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh), Đông Hải (Trà Vinh), Ngọc Hiển, Trần Văn Thời (Cà Mau)… Vùng bờ biển khu vực Bắc Bộ cũng đang bị xói lở ở các đoạn: Cát Hải, Bằng La (TP Hải Phòng), Xuân Thủy, Hải Hậu (Nam Định).

Theo các chuyên gia của Bộ TN&MT, phần lớn những đoạn bờ biển bị xói lở đều liên quan hoặc trùng hợp với các đứt gãy Á kinh tuyến và Á vĩ tuyến.

Ngoài ra, vùng biển Việt Nam hằng năm chịu tác động của hai hướng sóng chính là Đông Bắc và Tây Nam, tạo ra những áp lực lớn đối với vùng bờ, phá vỡ các công trình bảo vệ bờ…

Tại Quảng Ngãi, tháng 9 vừa qua, triều cường dâng cao kèm theo ảnh hưởng của siêu bão, sóng biển ăn sâu vào bờ tới nửa cây số, uy hiếp hàng nghìn hộ dân xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa.

Bên cạnh yếu tố tự nhiên, những tác động tiêu cực từ phía con người cũng đang làm gia tăng hiện tượng xói lở. Một số vùng bị xói lở do hoạt động quai đê lấn biển (Thái Bình, Quy Nhơn, Phú Yên, Trà Vinh) hay việc phá rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng ngập mặn (Tĩnh Gia – Thanh Hóa, Nghi Lộc – Nghệ An, Cẩn Trạch – TP Hồ Chí Minh), khai thác vật liệu ven bờ…

Ông Vũ Thanh Ca, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý Biển và Hải đảo chỉ rõ: “Hiện tượng xói lở bờ biển là hệ lụy của việc xây dựng một loạt thủy điện ở thượng nguồn đã giữ lại lượng bùn cát lớn trong lòng hồ khiến các cửa sông thiếu bùn cát. Việc phát triển quá nóng hoạt động du lịch biển với việc xuất hiện hàng loạt các resort ven biển cũng làm cho hoạt động xói lở bờ biển gia tăng bởi lẽ, hầu hết các resort đều làm kè mỏ hàn để giữ bãi tắm. Hoạt động này khiến cho các vùng lân cận bị xói lở”.

Trong khi đó, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Vũ Sĩ Tuấn cho biết, trước tình trạng xói lở ngày càng gia tăng và nghiêm trọng, Việt Nam đang tập trung hoàn thiện một số văn bản pháp luật nhằm quản lý thiên tai nói chung và xói lở bờ biển nói riêng như Luật Đê điều, Luật Phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, chương trình cải tạo và nâng cấp đê biển, chương trình quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, chiến lược quốc gia về phòng chống thiên tai nhằm huy động các nguồn lực trong và ngoài nước vào việc phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai một cách hiệu quả nhất.

Cũng theo các chuyên gia, muốn cứu lấy bờ biển, Việt Nam cần phải nhanh chóng lập bản đồ xác định những vùng có nguy cơ sạt lở cao để lập hành lang an toàn, tránh xây dựng các công trình trong khu vực nguy hiểm. Trước mắt, những khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở phải xây dựng hệ thống đê điều kiên cố, bảo đảm an toàn phòng, chống mưa lũ. Việc xây dựng các công trình ven biển cần phải được tính toán kỹ lưỡng để không làm gia tăng áp lực cho khu vực ven biển.

BDN (nguồn: TT, QĐND)

RELATED ARTICLES

Tin mới