Friday, January 10, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnQuan chức Mỹ bị tố làm gián điệp cho Trung Quốc

Quan chức Mỹ bị tố làm gián điệp cho Trung Quốc

BienDong.Net: Một cố vấn của Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ James Clapper đã buộc phải nghỉ việc sau khi có lời tố cáo về việc ông ta cộng tác nhận thù lao từ hãng viễn thông khổng lồ Huawei của Trung Quốc.

Chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư quốc tế vào Trung Quốc Theodore H. Moran từ năm 2007 là thành viên Hội đồng tư vấn về đầu tư nước ngoài trực thuộc Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ.

Huawei đang bị tình báo Mỹ và phương Tây đặt trong vòng giám sát nghiêm ngặt

Ngoài ra, ông ta còn nằm trong Hội đồng Tình báo quốc gia gồm 18 chuyên gia và chuyên cung cấp cho các cơ quan tình báo Mỹ các đánh giá chuyên gia về những sự kiện quốc tế quan trọng nhất.

Nhờ giữ các cương vị trên, Moran đã có quyền tiếp cận các tài liệu mật của chính phủ Mỹ.

Ông Moran đã buộc phải xin rút khỏi cả hai vị trí trên sau khi hạ nghị sĩ bang Virginia Frank Wolf tố cáo việc ông Moran hợp tác với công ty Huawei của Trung Quốc. Theo ông Wolf, ông Moran đã làm tư vấn được trả tiền cho công ty này.

Trước đó, các quan chức Mỹ công khai nói đến những nghi vấn rằng, Huawei có thể do thám các khách hàng của mình cho Trung Quốc vì công ty này có quan hệ với chính phủ Trung Quốc.

Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ cảnh báo rằng Huawei là mối đe dọa về an ninh quốc gia của Mỹ, rằng việc cho phép Huawei xây dựng và duy trì một bộ phận lớn cơ sở hạ tầng viễn thông của Mỹ là hành động mở cửa cho chính phủ Trung Quốc tiến hành hoạt động gián điệp đối với chính phủ Mỹ và thực hiện hoạt động tình báo công nghiệp.

Trong năm 2012, Ủy ban này đã tiến hành cuộc điều tra kéo dài 11 tháng về hai tập đoàn viễn thông khổng lồ của Trung Quốc là Huawei và ZTE và trong báo cáo phát hành tháng 10 năm ngoái, Ủy ban khuyến cáo rằng các hãng này nên bị trục xuất khỏi thị trường Mỹ vì nguy cơ hoạt động gián điệp.

Huawei là nhà sản xuất bộ định tuyến, chuyển mạch và thiết bị viễn thông lớn thứ hai thế giới về doanh thu, chỉ sau Ericsson của Thụy Điển trong khi ZTE xếp thứ năm. Trong mảng điện thoại di động, ZTE đứng thứ tư và Huawei xếp thứ sáu.

Khoảng 4% doanh số của Tập đoàn Huawei đến từ Mỹ, còn doanh thu từ Mỹ của ZTE chiếm khoảng 2 – 3%. Nguồn thu chủ yếu là từ việc bán thiết bị di dộng qua các nhà mạng Mỹ như Verizon, Sprint và T – Mobile.

Ủy ban điều tra đã nhận được cáo buộc đáng tin cậy từ các chuyên gia công nghiệp và nhân viên Huawei cho thấy Huawei có dính líu tới hành vi hối lộ, tham nhũng và vi phạm bản quyền.

Báo cáo chỉ rõ cái gọi là nguy cơ an ninh dài hạn liên quan tới thiết bị và dịch vụ của công ty Trung Quốc. Dựa vào các thông tin được công khai, báo cáo chỉ rõ: Huawei và ZTE đang nhanh chóng trở thành “người chơi thống trị thị trường” trong lĩnh vực viễn thông, thứ kết hợp với máy tính điều khiển mạng lưới điện; hệ thống ngân hàng, tài chính; hệ thống nước, dầu, ga; vận chuyển và đường sắt.

Theo báo cáo, Huawei và ZTE có thể không phải là hai hãng duy nhất đe dọa cơ sở hạ tầng Mỹ, tuy nhiên đây là hai tập đoàn sở hữu nhà nước lớn nhất đang tìm kiếm thị trường tại Mỹ. Báo cáo cho rằng Bắc Kinh có đủ “phương tiện, cơ hội và động lực” để lợi dụng cả hai cho mục đích riêng. Trước đây, quan chức tình báo Mỹ đã công khai tố cáo Trung Quốc là nước hoạt động gián điệp kinh tế mạnh nhất chống lại Hoa Kỳ.

Hồi tháng 7 năm nay, Michael Hayden, cựu giám đốc CIA, cũng khẳng định Huawei là một mối đe dọa lớn cho an ninh quốc gia Australia và Mỹ và rằng các cơ quan tình báo phương Tây có những bằng chứng đủ sức nặng để kết luận Huawei là gián điệp cho Trung Quốc.

Phát biểu với tờ AFR (Australia) tướng Michael Hayden nói rằng theo “đánh giá chuyên môn” của ông, Huawei đã cung cấp những thông tin tình báo nhạy cảm cho chính phủ Trung Quốc.

Ông Hayden cũng khẳng định các cơ quan tình báo phương Tây có bằng chứng để phanh phui các hoạt động bí mật của Huawei và đồng thời cáo buộc tập đoàn Trung Quốc này “đã chia sẻ cho chính phủ Trung Quốc những hiểu biết tường tận về các hệ thống viễn thông ngoại quốc mà tập đoàn này có liên quan”.

Theo AFR, đây có thể là lần đầu tiên một quan chức cấp cao của phương Tây khẳng định thẳng thừng rằng “có bằng chứng buộc tội Huawei làm gián điệp cho chính phủ Trung Quốc”.

Tuyên bố trên nhiều khả năng sẽ gây thiệt hại lớn cho Huawei. Hiện tại, tập đoàn này đang tiến hành một chiến dịch vận động hành lang quy mô lớn tại Australia (và nhiều nước khác) để cố quảng bá mình như một nhà sản xuất linh kiện giá rẻ đáng tin cậy và độc lập với chính quyền Trung Quốc.

BDN (tổng hợp)

RELATED ARTICLES

Tin mới