Saturday, November 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiYÊU SÁCH CỦA TRUNG QUỐC Ở BIỂN ĐÔNG HOÀN TOÀN KHÔNG CÓ...

YÊU SÁCH CỦA TRUNG QUỐC Ở BIỂN ĐÔNG HOÀN TOÀN KHÔNG CÓ CƠ SỞ PHÁP LÝ

BienDong.Net: Trung Quốc là nước có yêu sách lớn nhất ở Biển Đông. Họ yêu sách gần như toàn bộ Biển Đông, yêu sách cả 3 quần đảo ở Trung Sa, Hoàng Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa) và Trường Sa (Trung Quốc gọi là Nam Sa); yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc chiếm 80% diện tích Biển Đông.

Thế nhưng, khi bị các nước trong khu vực này phản đối thì họ luôn tìm cách né tránh việc giải quyết tranh chấp thông qua phương thức đàm phán hoặc trọng tài quốc tế bởi lẽ họ hoàn toàn không có cơ sở pháp lý.

Liên quan đến quần đảo Hoàng Sa, ngày 4 – 1 – 1932, Chính phủ Pháp với tư cách đại diện cho Việt Nam về đối ngoại theo Hiệp ước Patenôtre lần đầu tiên chính thức gửi công hàm tới Đại sứ quán Trung Quốc tại Paris khẳng định quyền quản lý của Pháp đối với Hoàng Sa và đề nghị giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán hữu nghị hoặc bằng phương thức trọng tài quốc tế, nhưng Trung Quốc đã khước từ. Lần thứ hai vào ngày 14 – 1 – 1947, Chính phủ Pháp chính thức phản đối sự chiếm đóng bất hợp pháp của Trung Quốc đối với một số đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, đồng thời nhắc lại đề nghị tìm giải pháp giải quyết tranh chấp bằng trọng tài quốc tế nhưng Chính phủ Trung Quốc vẫn không chấp nhận.

Năm 1974, lợi dụng việc Chính quyền Việt Nam Cộng hoà đang bị khó khăn đối phó với Bắc Việt, Trung Quốc đã dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa. Chính quyền Việt Nam Cộng hoà phản đối mạnh mẽ và yêu cầu Trung Quốc thương lượng để giải quyết, nhưng Trung Quốc cũng phớt lờ.

Tháng 91975, khi tiếp Đoàn đại biểu của Việt Nam (Bắc Việt) sang thăm Trung Quốc, Đặng Tiểu Bình đã thừa nhận giữa Trung Quốc và Việt Nam có bất đồng về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và nói rằng sau này 2 bên sẽ bàn bạc để giải quyết. Tuy nhiên, sau đó Trung Quốc đã nuốt lời, không chịu ngồi thảo luận với Việt Nam về vấn đề 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Năm 1977, tại phiên họp thứ 7 cuộc đàm phán về biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, ông Phan Hiền, Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam bác bỏ vu cáo của Trung Quốc đối với việc hải quân Việt Nam đã tiếp quản các đảo thuộc quần đảo Trường Sa từ quân đội Việt Nam và tái khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; đồng thời cũng đề nghị Trưởng đoàn Trung Quốc Hàn Niệm Long đưa vấn đề hai quần đảo này vào chương trình nghị sự, nhưng phía Trung Quốc từ chối.

Thời gian gần đây, Trung Quốc luôn nói rằng “Tây Sa (Hoàng Sa) là của Trung Quốc, không có tranh chấp”, đồng thời họ tăng cường trấn áp, truy đuổi tàu cá và ngư dân Việt Nam ở khu vực quần đảo Hoàng Sa. Họ khăng khăng không chịu đàm phán với Việt Nam để giải quyết bất đồng giữa 2 bên về vấn đề Hoàng Sa; không chịu thảo luận với Việt Nam để xử lý vấn đề tàu cá ngư dân hoạt động đánh bắt ở Hoàng Sa. Theo một số nguồn tin, Chính quyền Hà Nội cũng đã yêu cầu Trung Quốc đưa tranh chấp ra giải quyết tại cơ quan tài phán quốc tế, nhưng họ một mực khước từ.

Về yêu sách “đường lưỡi bò”, ngày 22 – 1 – 2013, Philippines thông báo chính thức khởi kiện cái gọi là “Đường lưỡi bò” của Trung Quốc ra Toà Trọng tài theo Phụ lục 7 Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS), nhưng Trung Quốc cũng đã bác bỏ đề xuất này của phía Philippines và tìm mọi cách ngăn cản vụ kiện, gây sức ép mọi mặt lên Philippines (về ngoại giao, tuyên truyền và cả trên thực địa) nhằm buộc Philippines rút đơn kiện. Bất chấp sức ép của Trung Quốc, Philippines kiên trì theo đuổi vụ kiện.

Câu trả lời cho những lần né tránh đó của phía Trung Quốc chính là vì nước này tự biết mình không có cơ sở pháp lý để bảo vệ cho các yêu sách về chủ quyền trên các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, cũng như với gần 80% diện tích biển Đông nằm trong “đường lưỡi bò” mà họ muốn là của mình.

Với tiềm lực kinh tế đứng thứ 2 thế giới, Trung Quốc đang dùng sức mạnh kinh tế của mình để thực hiện chính sách cường quyền, bắt nạt các nước láng giềng để lấp liếm cho những yêu sách phi lí hoàn toàn không có cơ sở pháp lý của họ ở Biển Đông. Mặc dù, Trung Quốc phản đối và “tẩy chay” vụ kiện của Philippines, nhưng tiến trình vụ kiện vẫn diễn ra theo đúng các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Cộng đồng quốc tế đang mong đợi các quan toà sẽ công minh trong việc phán xét về tính chất bất hợp pháp và không có cơ sở pháp lý trong các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông để vạch trần bộ mặt thật xảo trá của họ.

BDN

 

RELATED ARTICLES

Tin mới