Saturday, November 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNHẬT BẢN – NGƯỜI BẠN ĐÍCH THỰC CỦA VIỆT NAM VÀ ASEAN

NHẬT BẢN – NGƯỜI BẠN ĐÍCH THỰC CỦA VIỆT NAM VÀ ASEAN

BienDong.Net: Ngày 13/12/2013, tại Tokyo đã diễn ra Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 40 năm quan hệ ASEAN – Nhật Bản. Do những diễn biến căng thẳng gần đây tại Biển Đông và Hoa Đông, nhất là vụ việc Trung Quốc đơn phương công bố thành lập khu vực nhận diện phòng không (ADIZ) nên vấn đề an ninh khu vực trở thành một chủ đề chính tại Hội nghị.

Tại Hội nghị, các nước ASEAN và Nhật Bản đã đạt nhất trí về việc tăng cường đối thoại và hợp tác giữa 2 bên nhằm duy trì hoà bình, ổn định ở khu vực; nhấn mạnh việc bảo đảm tự do, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông cũng như biển Hoa Đông; không sử dụng vũ lực, đe doạ sử dụng vũ lực hoặc ép buộc; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 và các quy định, chuẩn mực của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).

Tại Hội nghị, Nhật Bản phê phán mạnh mẽ việc tiến hành các hoạt động đơn phương, hạn chế tự do hàng không, hàng hải nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Philippines, Singapore bày tỏ lo ngại trước việc Trung Quốc đơn phương thành lập khu vực nhận diện phòng không (ADIZ); cho rằng việc làm này của Trung Quốc ảnh hưởng đến an toàn và tự do bay trên bầu trời biển Hoa Đông; kêu gọi các bên tăng cường đối thoại, giải quyết hoà bình các khác biệt.

Về tình hình Biển Đông, mặc dù trước Hội nghị, Trung Quốc tìm mọi cách gây sức ép với các nước ASEAN không nêu vấn đề Biển Đông tại Hội nghị Cấp cao ASEAN – Trung Quốc, song hầu hết các nước ASEAN đều phát biểu về vấn đề Biển Đông; nhấn mạnh giải quyết hoà bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982, thực hiện đầy đủ Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm tiến tới Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Nhật Bản nhấn mạnh các bên liên quan cần tuân thủ luật pháp quốc tế và công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982; đề nghị làm rõ cơ sở đòi hỏi chủ quyền; ủng hộ đoàn kết ASEAN và xây dựng một COC hiệu quả. Như vậy, việc Trung Quốc ngăn cản nêu vấn đề Biển Đông tại Hội nghị đã thất bại.

Tại Hội nghị Thủ tướng Nhật Bản Abe đã công bố cấp mới khoản ODA trị giá 2.000 tỷ Yên cho các dự án kết nối và thu hẹp khoảng cách ở ASEAN trong 5 năm tới; gia hạn và cấp thêm 100 triệu Yên cho Quỹ Liên kết ASEAN – Nhật Bản; cấp 300 tỷ yên cho hợp tác và hỗ trợ ASEAN nâng cao năng lực quản lý và ứng phó với thiên tai.

Trung Quốc rất tức tối trước kết quả của Hội nghị Cấp cao ASEAN – Nhật Bản. Ngày 14/12/2013, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc vu cáo Nhật Bản lợi dụng diễn đàn quốc tế để chống Trung Quốc, vu khống rằng Nhật bản mới là “kẻ đơn phương thay đổi hiện trạng”. Phát biểu của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đổi trắng thay đen. Chính Trung Quốc đang là kẻ liên tục có các hành động gây hấn nhằm phá vỡ nguyên trạng ở Biển Đông và biển Hoa Đông và đang thi hành chính sách cường quyền ở khu vực thì cả cộng đồng quốc tế đều rõ.

Truyền thông Trung Quốc đồng thanh chỉ trích Nhật Bản “dùng tiền bạc lôi kéo các nước ASEAN chống Trung Quốc”. Nhưng trên thực tế, chính Trung Quốc mới là kẻ đang dùng tiền bạc để mua chuộc, lôi kéo, phân hoá, chia rẽ các nước ASEAN. Một biểu hiện rõ rệt nhất là Trung Quốc đã dùng tiền mua chuộc Campuchia để phá Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN (AMM 45) tháng 7/2012 làm cho Hội nghị này lần đầu tiên không ra được Tuyên bố chung của Hội nghị. Trung Quốc đang dùng tài chính như một điều kiện để ép buộc các nước ven Biển Đông chấp nhận chủ trương “cùng khai thác” của Trung Quốc.

Trong khi đó, các khoản viện trợ, ODA của Nhật Bản dành cho các nước ASEAN không kèm theo bất kỳ một điều kiện nào; Nhật Bản luôn ủng hộ sự đoàn kết nhất trí trong ASEAN, ủng hộ lập trường của các nước ASEAN trên vấn đề Biển Đông. Trong thập kỷ 80 và 90 của Thế kỷ 20, Nhật Bản cũng đã dành cho Trung Quốc nhiều khoản ODA phục vụ cho công cuộc cải cách mở cửa của Trung Quốc, nhưng đến nay Trung Quốc lại quay ra đối đầu với Nhật Bản; liên tiếp gây căng thẳng với Nhật Ban ở biển Hoa Đông và chỉ trích Nhật Bản. Trung Quốc chính là kẻ “vong ơn, bội nghĩa”.

Với Việt Nam, Nhật Bản là nước cung cấp ODA lớn nhất cho Việt Nam. Ngay trong chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sau Hội nghị cấp cao ASEAN – Nhật Bản, Thủ tướng Nhật Bản Abe đã tuyên bố tiếp tục dành cho Việt Nam khoản ODA trị giá 1 tỷ USD trong giai đoạn 2 tài khoá 2013 cho các dự án cơ sở hạ tầng ở Việt Nam. Ai đã từng đến Việt Nam đều thấy rõ cầu cống, đường xá ở Việt Nam được nâng cấp, xây dựng mới hầu như đều là xử dụng vốn vay ODA của Nhật Bản. Sự trợ giúp của Nhật Bản đối với Việt Nam là vô tư, trong sáng, không kèm theo bất kỳ một điều kiện nào. Trong lĩnh vực biển, Nhật Bản cam kết hỗ trợ tích cực cho lực lượng cảnh sát biển của Việt Nam về cung cấp tàu tuần tra mới để ứng phó với những thách thức mới do chính sách cường quyền của Trung Quốc ở Biển Đông gây ra.

Sự hợp tác và phối hợp ngày càng chặt chẽ hơn giữa ASEAN và Nhật Bản là sự phát triển tự nhiên và tất yếu, hai bên có lợi ích song trùng trên hầu hết các vấn đề khu vực; giữa Nhật Bản và các nước ASEAN không có sự bất đồng hay tranh chấp nào về chủ quyền biển đảo. Chính những hành động cứng rắn ngày càng leo thang của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông là nguyên nhân thắt chặt thêm mối quan hệ gắn bó giữa Nhật Bản và các nước ASEAN.

Nhật Bản chính là người bạn chân thành đích thực của Việt Nam cũng như các nước ASEAN. Còn Trung Quốc là kẻ luôn thi hành một chính sách 2 mặt trong quan hệ với Việt Nam cũng như các nước ASEAN.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới