Tuesday, December 24, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNghiên cứu Việt NamPHẠM QUANG ẢNH - HÙNG BINH HOÀNG SA

PHẠM QUANG ẢNH – HÙNG BINH HOÀNG SA

BienDong.Net: Đảo Lý Sơn còn có tên là Cù lao Ré, người Bồ Đào Nha gọi là Pulo Catah, người Trung Quốc gọi là Ngoại La.

Từ xa xưa Cù lao Ré đã được coi là vị trí tiền tiêu của Đại Việt, nơi đây còn ắp đầy huyền sử và thực lục về một quân cảng nơi hội tụ những thủy quân nổi tiếng thời Chúa Nguyễn, Tây Sơn và triều Nguyễn.

Trong âm hưởng rì rào của biển là tiếng ốc u trườn trên ngọn sóng như tả như kể những câu chuyện bi hùng về các hùng binh của Hải đội Hoàng Sa, Bắc Hải triều Nguyễn. Những hùng binh đó mang một ý chí thép, một trái tim dũng cảm, vượt sóng to gió lớn ra quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa để thực thi nhiệm vụ giữ gìn chủ quyền hải đảo của đất nước.

Sách Đại Nam Thực Lục Chính Biên, đệ nhất kỉ, quyển 50 có chép: Tháng giêng năm Ất Hợi (tức năm 1815), sai bọn Phạm Quang Ảnh thuộc đội Hoàng Sa ra đảo Hoàng Sa xem xét đo đạc thuỷ trình mỗi năm khởi hành vào tháng hai âm lịch và về đến bờ vào tháng tám âm lịch.

Trong một lần ra khơi, gặp bão biển, Cai đội Phạm Quang Ảnh cùng hải đội đã không trở về. Thân xác của những hùng binh đó mãi mãi nằm trong biển cả, Cai đội Hoàng Sa Phạm Quang Ảnh đã viết nên sự tích thần kỳ bằng những sự kiện bi hùng như thế.

Theo các Bộ Chính sử triều Nguyễn, đội Hoàng Sa hoạt động liên tiếp từ thế kỷ 17 thời các chúa Nguyễn đến thời Tây Sơn, với những cai đội nổi tiếng như Phú Nhuận hầu Võ Văn Phú, Hội Nghĩa hầu Võ Văn Khiết. Sang thời nhà Nguyễn, ngay từ thời Gia Long đã cho thành lập các Hải đội Hoàng Sa, Bắc Hải và cử Phạm Quang Ảnh làm Cai đội Hoàng Sa tuyển chọn các binh phu đi Hoàng Sa và Bắc Hải (Trường Sa) làm nhiệm vụ tuần phòng trên biển, thu lượm sản vật, đo đạc hải trình, cắm mốc và dựng bia minh định chủ quyền đối với các quần đảo này.

Phạm Quang Ảnh sinh trưởng vào khoảng cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, tại xã An Vĩnh thuộc Cù lao Ré, nay thuộc thôn Đông, xã An Bình, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Ông được bổ nhiệm chức Cai đội Hoàng Sa dưới triều Hoàng đế Gia Long (1802 – 1820).

Huyền sử như còn ngời lên về một Phạm Quang Ảnh có sức vóc cường tráng, giỏi nghề đi biển, ông đã từng chỉ huy Hải đội Hoàng Sa đánh tan giặc cướp biển trên Biển Đông, giữ vững chủ quyền lãnh thổ của đất nước.

Dưới thời vua Gia Long, Cai đội Phạm Quang Ảnh cùng bảy mươi suất lính và năm thuyền chiến được lệnh làm nhiệm vụ canh giữ vùng biển và đo đạc thuỷ trình, tìm kiếm, khai thác những sản vật quý để cung tiến triều đình.

Những người lính Hoàng Sa như Phạm Quang Ảnh được nhà vua gọi là những hùng binh. Họ đã vâng lệnh triều đình đi làm nhiệm vụ dẫu vẫn biết phía trước là biển cả thường trực nhiều hiểm họa …thập nhân khứ nhất nhân hoàn… có nghĩa là 10 người đi chỉ có một người trở về.

Những “hùng binh” đó trước khi lên đường, họ đã được tế sống. Thế nhưng cứ đều đặn hàng năm, theo lệnh vua, họ vẫn hiên ngang vượt lên sóng to gió lớn để thực thi những chuyến hải hành ngang dọc Hoàng Sa và Trường Sa.

Theo sử sách truyền lại, tiếc thương những hùng binh đó, vua Gia Long thân chinh ra tận Lý Sơn làm lễ chiêu hồn. Tương truyền trong chuyến ra Lý Sơn có một thầy phù thủy, ông sai dân chúng lên núi Giếng Tiền lấy đất sét, nặn thành 25 hình người. Nặn xong, ông lập đàn cúng, gọi hồn về nhập tượng rồi mặc cho tượng áo dài khăn xếp, cũng trong quan ngoài quách và đem an táng theo nghi thức thông thường đối với một người đã mất.

Có lẽ, không nơi nào dọc đất nước lại có nhiều ngôi mộ gió như ở Lý Sơn. Tập tục này gắn liền với đội chiến binh Hoàng Sa. Vào thế kỷ 19, theo lệnh vua, những thủy binh nhận nhiệm vụ vượt biển đến đối mặt với những con sóng bạc đầu. Nhiều người ra đi, rất ít người trở về. Vậy nên mới có câu “Hoàng Sa trời biển mênh mông. Người đi thì có mà không thấy về”.

Tưởng nhớ những người lính hy sinh vì đất nước, những người đã để lại thân xác nơi biển cả, những người dân trên đảo Lý Sơn đã lập những ngôi mộ gió. Người ta tin rằng, khi làm lễ chiêu hồn, linh hồn người mất sẽ trở về nhập vào hình nhân để phù hộ cho những người kế tiếp ra bám biển.

Kế tiếp bên ngôi mộ của Cai đội Phạm Quang Ảnhmộ của hai mươi tư hùng binh hải đội Hoàng Sa, tất cả gồm hai mươi lăm ngôi mộ gió, xếp thành một hàng dài. Trong thanh âm thâm viễn như vẫn hiện diện đâu đây về lễ xuất quân của thủy quân Hoàng Sa thủa ấy.

Sau khi mất, Cai đội Phạm Quang Ảnh được phong làm Thượng đẳng thần và được nhân dân An Vĩnh thờ cúng như Thành Hoàng. Tên của ông được đặt cho một hòn đảo trong nhóm Lưỡi Liềm thuộc quần đảo Hoàng Sa để ghi nhớ về sự kiện người anh hùng Phạm Quang Ảnh có công khẳng định chủ quyền lãnh thổ.

Trên những vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, không chỉ có Phạm Quang Ảnh mà còn đó máu xương của biết bao thế hệ người Việt đã đổ xuống, khắc ghi và gìn giữ các thành quả khai phá lãnh thổ, các giá trị tinh thần đời đời truyền lại cho thế hệ mai sau. Đó cũng chính là chứng cứ xác thực và sinh động nhất về chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Sự hi sinh của Phạm Quang Ảnh cùng những “hùng binh” Trường Sa cũng thật bi tráng. Thân thể ông và những con người ấy mãi mãi gửi lại nơi biển cả mênh mông, chỉ còn lại những ngôi mộ gió hiện diện với thời gian.

Sự khắc nghiệt của thiên nhiên không cản nổi bước chân những người con đất đảo. Đối với họ, tiếng sóng biển gào thét kia chỉ giống như những đứa con trùng khơi đang gọi về đất mẹ. Họ vẫn căng buồm ra khơi. Bởi ra khơi là trách nhiệm, là lẽ sống. Có lẽ những câu chuyện về đội hùng binh Hoàng Sa khiến họ vững tin trong sóng gió trong sự bao la của biển cả. Họ là những kiệt hiệt đã từng gánh vác sứ mệnh thiêng liêng khai phá Biển Đông của nước Việt từ thời nhà Nguyễn.

Tiếng gió Lý Sơn thật khác lạ, lúc như sự vỗ về an ủi của người mẹ, thì thầm bên những ngôi mộ, lúc lại dữ dội gào thét như đứa con lạc mẹ. Có lẽ vì vậy mà người ta gọi những ngôi mộ là “mộ gió” chứ không phải sương (của đêm), nắng (của ngày), bởi tiếng gió suốt ngày đêm sẽ ru mãi những âm linh, vỗ về giấc ngủ ngàn thu của những người con đất Việt.

Những khúc tráng ca bi hùng về Phạm Quang Ảnh và đội hùng binh giữ đảo như một lời thề nhắn gửi với thế hệ mai sau về bài ca dựng nước và giữ nước của cha ông. Những câu chuyện ấy đã, đang và sẽ khắc sâu vào tâm khảm các thế hệ người Việt Nam ở trong nước cũng như ngoài nước gìn giữ cho muôn đời sau một dòng bằng máu thắm: Hoàng Sa, Trường Sa mãi mãi là một phần lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới