Wednesday, January 15, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiMÂU THUẪN TRONG CHÍNH SÁCH LÁNG GIỀNG CỦA TRUNG QUỐC

MÂU THUẪN TRONG CHÍNH SÁCH LÁNG GIỀNG CỦA TRUNG QUỐC

BienDong.Net: Ngày 24 – 25/10/2013, Trung Quốc đã tổ chức Hội nghị lớn về ngoại giao láng giềng với sự tham gia của các Đại sứ Trung Quốc tại các nước láng giềng. Tất cả các Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc tham dự Hội nghị. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị.

Đây là Hội nghị ngoại giao láng giềng lớn nhất từ trước đến nay của Trung Quốc. Qua đó có thể thấy rõ Trung Quốc coi trọng quan hệ với các nước láng giềng nhằm tạo môi trường xung quanh thuận lợi cho phát triển đất nước.

Điều đó còn được thể hiện qua các chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình đến 4 nước láng giềng Trung Á của Trung Quốc tháng 9/2013, cũng như chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường đến các nước Đông Nam Á tháng 10/2013. Bài phát biểu của Tập Cận Bình tại Hội nghị đã liệt kê các công cụ như viện trợ kinh tế, khoa học công nghệ… để tranh thủ các nước láng giềng.

Vì sao Trung Quốc cần thúc đẩy quan hệ với các nước láng giềng? Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều thách thức cả trong lẫn ngoài (gần đây tính bất ổn trong nội bộ Trung Quốc gia tăng). Trung Quốc cần môi trường bên ngoài hòa bình ổn định để giải quyết các mâu thuẫn bên trong. Nếu như trong 35 năm đầu của cải cách mở cửa (từ năm 1978), Trung Quốc đặt quan hệ với các nước lớn lên vị trí hàng đầu để tranh thủ vốn và kỹ thuật phục vụ công cuộc phát triển đất nước thì đến nay, với một nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, Trung Quốc có nhu cầu tranh thủ các nước láng giềng để lấy đó làm bàn đạp cạnh tranh ảnh hưởng với các nước lớn khác.

Việc tổ chức Hội nghị và những hành động của Trung Quốc gần đây cho thấy Trung Quốc sẽ không ngần ngại trong việc sử dụng sự giàu có để tranh thủ quan hệ với các nước láng giềng.

Tuy nhiên, chính sách tranh thủ quan hệ với các nước láng giềng của Trung Quốc đang mâu thuẫn với quyết tâm bảo vệ “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc cũng như quyết tâm giành giật những hòn đảo và vùng biển của các nước láng giềng trên biển của Trung Quốc. Một mặt, luôn khẳng định coi trọng quan hệ với các nước láng giềng; mặt khác, Trung Quốc đã tiến hành nhiều hoạt động gây hấn trên biển với các nước láng giềng để thực hiện tham vọng và yêu sách phi lý trên biển. Trong mấy năm trở lại đây, Trung Quốc thường xuyên gây hấn với Việt Nam từ việc cắt cáp của tàu khảo sát địa chấn đến việc mời thầu các lô dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam; gây hấn với Philippines ở khu vực bãi cạn Scarborough, khu vực bãi Cỏ Mây, chĩa mũi nhọn chỉ trích công kích Philippines hòng buộc Philippines từ bỏ vụ kiện; Trung Quốc gây căng thẳng với Nhật Bản xung quanh vấn đề quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ngoài ra, Trung Quốc dùng nhiều thủ đoạn để mua chuộc, phân hóa, chia rẽ các nước láng giềng trên vấn đề biển đảo.

Theo một số nguồn thạo tin, Hội nghị ngoại giao láng giềng vừa qua của Trung Quốc đã thông qua việc thành lập khu vực nhận diện phòng không ở Hoa Đông, đồng thời trao đổi việc có thể tính tới lập khu vực nhận diện phòng không ở biển Hoàng Hải và Biển Đông.

Trung Quốc đang tìm mọi cách để khống chế Biển Đông và biển Hoa Đông thực hiện tham vọng lớn xây dựng Trung Quốc trở thành cường quốc biển. Các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông cũng như biển Hoa Đông rất mơ hồ và không có cơ sở pháp lý. Các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông thời gian qua xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và các lợi ích trên biển của các nước láng giềng. Điều này gây mối lo ngại không chỉ đối với các nước liên quan đến tranh chấp mà còn làm cả cộng đồng quốc tế lo ngại. Đây chính là mâu thuẫn lớn nhất trong việc thực hiện chính sách đối ngoại với các nước láng giềng của Trung Quốc.

Nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu quốc tế đều cho rằng để thực hiện chính sách hữu nghị với các nước láng giềng như Trung Quốc thường xuyên tuyên bố thì trước hết Trung Quốc phải từ bỏ các yêu sách phi lý ở Biển Đông cũng như ở biển Hoa Đông; chấm dứt hành động bắt giữ, truy đuổi, trấn áp tàu cá và ngư dân đang hoạt động trên biển. Trung Quốc cần làm rõ các yêu sách trên biển của họ theo các quy định của luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982.

Qua các phân tích trên đây có thể thấy rõ tính hai mặt trong chính sách láng giềng của Trung Quốc. Chính sách 2 mặt này càng làm xấu thêm hình ảnh của một nước lớn với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới