BienDong.Net: Theo báo chí quốc nội, tàu ngầm Kilo đầu tiên của Việt Nam mang số hiệu HQ182 Hà Nội đã về đến quân cảng Cam Ranh sáng sớm ngày đầu tiên của năm 2014.
Đây là chiếc đầu tiên trong loạt 6 tàu ngầm Việt Nam đặt mua từ Nga trong chuyến thăm Nga của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cuối năm 2009.
Tàu biển Rolldock mang theo tàu ngầm kilo về Cam Ranh hôm 1.1
Tàu vận tải chuyên dụng Rolldock Sea chở theo tàu ngầm Hà Nội đã về đến vùng biển Cam Ranh vào lúc 22h giờ ngày cuối cùng của năm 2013 và đến 6h30 sáng 1.1, tàu Rolldock Sea đã đi vào trong vịnh Cam Ranh.
Theo báo Dân Việt, Rolldock Sea neo tại Cảng Ba Ngòi trong hai ngày để làm các thủ tục hải quan và tiếp nhận, sau đó được đưa trở lại quân cảng Cam Ranh để chuyển tàu ngầm HQ182 ra khỏi tàu vận tải trước lễ bàn giao chính thức diễn ra vào ngày 10.1.
Dự kiến toàn bộ đơn đặt hàng sẽ được hoàn tất vào năm 2016.
Theo BBC, các tàu ngầm Việt Nam mua từ Nga là các tàu ngầm Dự án 636 lớp Varshavyanka, được xây dựng tại Nhà máy đóng tàu Admiralty ở St Petersburg.
Tàu ngầm Kilo, sử dụng cả diesel và điện, là tàu ngầm thế hệ thứ ba. Đây là loại tàu ngầm hiện đại, trên có hệ thống tên lửa chống hạm Club của Nga.
Tàu ngầm lớp Kilo có lượng giãn nước từ 3.000 đến 3.950 tấn, hoạt động ở độ sâu trung bình là 240 m và có thể lặn sâu tối đa 300 m và có tầm hoạt động 6.000 – 7.500 hải lý, thời gian hoạt động độc lập 45 ngày đêm và thủy thủ đoàn 52 người.
Tàu Kilo còn có động cơ chạy êm nhất thế giới, thích hợp trong việc trinh sát và tuần tra, và được các chuyên gia hàng hải phương Tây mệnh danh là “hố đen”.Thân tàu Kilo 636 dài hơn thế hệ tàu Kilo trước đó và được trang bị hệ thống sonar đời mới tinh vi, có khả năng phát hiện đối phương tốt hơn.
Theo các chuyên gia, đặc điểm đáng chú ý của tàu ngầm Kilo 636 của Việt Nam theo hợp đồng ký năm 2009 là hệ thống tên lửa hành trình Klub – S có thể phóng từ dưới nước. Họ tên lửa Klub có tính năng chống hạm (với hệ thống dẫn đường tìm mục tiêu ở cuối hành trình) và tấn công trên bộ (với hệ thống dẫn đường quán tính). Cả hai loại tên lửa này có khả năng tấn công các mục tiêu hải quân và trên cạn rất chính xác trong khoảng cách 275 km.
Một mốc lớn trong sự phát triển khả năng phòng thủ quốc gia của Việt Nam
Nhận định về sự kiện này, Giáo sư Thayer từ Học viện Quốc phòng Australia nói: “Việc đón nhận tàu đầu tiên trong số sáu tàu ngầm hạng Kilo cải tiến về cảng Cam Ranh đánh dấu một mốc lớn trong sự phát triển khả năng phòng thủ quốc gia của Việt Nam.
“Quân đội Việt Nam giờ có thể hoạt động trong bốn không gian – trên bộ, trên không, trên biển và dưới biển”. Giáo sư Carlyle Thayer nói. Tàu ngầm Kilo nổi tiếng với khả năng tránh bị phát hiện và có do vậy nhóm tàu mà Việt Nam đặt hàng là trở ngại đáng kể cho nước nào muốn xâm phạm vùng biển Việt Nam.
Giáo sư Thayer nhận định: “Khi toàn bộ sáu tàu ngầm đi vào hoạt động chúng sẽ tăng cường đáng kể khả năng nâng cao năng lực chống thâm nhập/bảo vệ cục bộ đối với bất cứ nước nào có ý định vào vùng biển của Việt Nam để gây hấn.
“Ngoài ra các tàu ngầm Kilo cũng sẽ tăng cường khả năng tấn công mãnh liệt nếu được trang bị tên lửa đối hạm và tên lửa tuần dương nhắm vào đất liền.
Mặc dù vậy ông Thayer nói Việt Nam còn nhiều việc phải làm để có thể phát huy khả năng của tàu ngầm Kilo.
Hà Nội sẽ cần phải phát triển chiến lược sử dụng tàu ngầm, tuyển thủy thủ điều khiển tàu cũng như hấp thụ công nghệ quân sự mới để bảo trì và sử dụng tàu ngầm.
Vị giáo sư cũng nói Việt Nam sẽ còn cần sự trợ giúp của Nga trong lĩnh vực tàu ngầm trong vòng 10 năm tới hoặc lâu hơn.
Được biết bên cạnh việc mua tàu ngầm, Việt Nam cũng nỗ lực cải thiện cơ sở hạ tầng và nhân lực liên quan. Một số nguồn tin nước ngoài cho rằng, nhờ sự giúp đỡ của Nga, Việt Nam đã xây dựng căn cứ tàu ngầm ở Vịnh Cam Ranh và hồi tháng 11, truyền thông Ấn Độ tiết lộ hơn 500 thủy thủ tàu ngầm của Việt Nam sẽ được hải quân Ấn Độ đào tạo trong nhiều khóa.
Trả lời phỏng vấn báo quốc nội Trí Thức Trẻ, Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm – nguyên Giám đốc Học viện Hải quân, Bộ Quốc phòng nhận định rằng Việt Nam có thể không cần tàu sân bay nhưng rất cần tàu ngầm.
Ông Lâm giải thích: Đất nước ta có bờ biển dài, các sân bay dọc bờ biển nhiều, ta có thể dùng những sân bay ven biển, không quân và hải quân đóng ở trên các sân bay này, cùng với các sân bay phía sau tạo thành mạng sân bay bảo vệ Tổ quốc một cách liên hoàn.
Tàu ngầm là một trong những phương tiện của hải quân để tác chiến trong lòng biển. Nó có thể phục kích, tập kích và có thể đánh theo dạng đi săn. Vì vậy, nếu có lực lượng này để bảo vệ Tổ quốc thì rất hữu hiệu, ông Lâm nói.
BND (tổng hợp)