Biendong.Net: Ủy ban Thường vụ nhân dân tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) vừa thông qua “Dự thảo sửa đổi biện pháp thực hiện luật Ngư nghiệp nước CHND Trung Hoa của tỉnh Hải Nam” và có hiệu lực từ 1.1.2014. Theo đó, người nước ngoài và tàu cá nước ngoài tự ý đi vào vùng nước tỉnh Hải Nam quản lý có thể bị tịch thu tài sản, xử phạt hành chính…
Ngày 24.12.2013, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cũng ra thông báo về thời gian nghỉ đánh bắt cá bằng lưới tại một số khu vực thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông. Trung Quốc mới đây cũng đã cho ra mắt trang mạng và tờ báo giấy của cái gọi là “Thành phố Tam Sa”; nâng cấp cải tạo trạm khí tượng tự động ở một số bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa…
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị
Ngày 10.1.2014, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị đã lên tiếng phản đối quy định mới của Trung Quốc về đánh cá trên Biển Đông, cũng như phản đối thông báo ngày 24.12.2013 của Trung Quốc về thời gian nghỉ đánh bắt cá tại một số khu vực thuộc chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông.
Ông Lương Thanh Nghị tuyên bố: “Những hoạt động nêu trên của phía Trung Quốc là bất hợp pháp và vô giá trị, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông theo Công ước của Liên Hiệp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982), không phù hợp với Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, trái với tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa ASEAN và Trung Quốc, làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông.
Việt Nam yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ những việc làm sai trái nói trên, đóng góp thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực”, ông Lương Thanh Nghị nhấn mạnh.
Theo tin báo chí trong nước, Hội Nghề cá Việt Nam vừa có văn bản phản đối những hành động sai trái, ngang ngược của phía Trung Quốc gây cản trở ngư dân và vi phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Chủ tịch Trung ương hội Hội nghề cá Việt Nam Nguyễn Việt Thắng cho biết, việc Trung Quốc cản trở hoạt động sản xuất của ngư dân Việt Nam trên biển thuộc chủ quyền Việt Nam đã tái diễn nhiều lần và từ rất lâu, trực tiếp ảnh hưởng đến sản xuất, gây tâm lý lo lắng cho ngư dân khi đi khai thác trên biển.
“Trước đây, Trung Quốc đã dùng vũ lực xâm lược quần đảo Hoàng Sa (vào tháng 1 – 1974) và sự việc lần này của phía Trung Quốc là thể hiện rõ ý đồ hợp thức hóa việc xâm lược trước đây của Trung Quốc và đây là ý đồ lâu dài cho việc tiếp tục mở rộng xâm lược vùng biển của Việt Nam”, ông Nguyễn Việt Thắng nói.
Bất chấp lệnh cấm của Trung Quốc, ngư dân Việt Nam vẫn kiên quyết bám biển, khẳng định chủ quyền của đất nước (Ảnh BienDong.Net chụp tại vùng biển Đà Nẵng)
Hội Nghề cá VN cho biết, Hội sẽ phối hợp chặt chẽ cùng các cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền, động viên ngư dân yên tâm bám biển sản xuất, thực hiện đúng luật pháp quốc tế trên biển, xây dựng tổ đội hợp tác khi đi khai thác biển, hỗ trợ nhau trong sản xuất để đạt hiệu quả cao.
Cho rằng ộng thái mới của Trung Quốc là một âm mưu thâm độc để chiếm trọn Biển Đông”, nhà nghiên cứu Dương Danh Dy nhận định: Việc Trung Quốc đưa ra những lệnh, yêu cầu phi lý như đã nói ở trên càng thể hiện sự mâu thuẫn với những tuyên bố của Trung Quốc rằng muốn hòa bình, giải quyết tranh chấp với các quốc gia láng giềng dựa theo pháp luật. Rõ ràng Trung Quốc đang nói một đằng, làm một nẻo.
Các nước lo ngại
Trong tuyên bố đưa ra hôm 10.1, Bộ Ngoại giao Philippines cho biết đã yêu cầu phía Trung Quốc làm rõ ngay những quy định mới về đánh cá mà chính quyền tỉnh Hải Nam vừa đưa ra. Bộ Ngoại giao Philippines khẳng định hành động nói trên của Trung Quốc là một sự “vi phạm thô bạo” công pháp quốc tế, làm gia tăng căng thẳng, làm phức tạp thêm tình hình trên Biển Đông, đe dọa hòa bình và ổn định khu vực. Theo Manila, luật mới của Trung Quốc còn vi phạm nghiêm trọng quyền tự do lưu thông hàng hải và tự do đánh cá của tất cả các quốc gia trên vùng biển sâu, như quy định của Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS).
Hoa Kỳ cũng đã lên án những quy định mới của Trung Quốc về đánh cá trên Biển Đông là “mang tính khiêu khích và nguy hiểm tiềm tàng”. Hôm 9.1, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki bày tỏ lo ngại rằng các quy định kể trên “dường như được áp dụng cho khu vực biển nằm bên trong cái gọi là đường chín đoạn của Trung Quốc” trong khi cho đến nay “Trung Quốc chưa đưa ra được bất kỳ lời giải thích nào hay cơ sở nào theo luật lệ quốc tế, để chứng minh cho các yêu sách chủ quyền rộng lớn đó”.
Một nguyên do khác khiến Mỹ thêm quan ngại là tính chất đơn phương trong quyết định của Trung Quốc.
Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Mỹ nhắc lại rằng lập trường xuyên suốt của Washington là “tất cả các bên liên quan cần tránh các hành động đơn phương có thể làm gia tăng căng thẳng và cản trở triển vọng giải quyết các bất đồng thông qua con đường ngoại giao hay bằng biện pháp hòa bình khác”.
Do đó, theo bà Psaki, việc Trung Quốc thông qua luật lệ đòi hỏi chủ quyền trên một vùng đang tranh chấp hiển nhiên là một mối quan ngại đối với Hoa Kỳ.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera hôm 12.1 đã chỉ trích lệnh cấm đánh bắt phi lý mà Trung Quốc ngang nhiên áp đặt lên Biển Đông. Phát biểu với báo giới, ông Onodera tuyên bố “Đơn phương bày ra một điều như vậy, cứ như thể là vùng biển đó là lãnh hải của riêng mình, và áp đặt một số hạn chế trên tàu thuyền đánh cá, đó không phải là điều được quốc tế chấp nhận”.
Bộ trưởng Onodera nói thêm: “Tôi sợ rằng không chỉ Nhật Bản, mà toàn thể cộng đồng quốc tế, đều quan ngại rằng Trung Quốc đang đơn phương đe dọa trật tự quốc tế hiện tại”, với những hạn chế mới tại Biển Đông và với việc thiết lập khu vực nhận diện phòng không trên Biển Hoa Đông.
Về hành động mới của Trung Quốc, giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về vấn đề Biển Đông phân tích: Cứ cho là tường thuật của báo chí là chuẩn xác, thì quyết định của nhà chức trách tỉnh Hải Nam đòi hỏi việc đăng ký và phê chuẩn những tàu thuyền muốn đánh bắt cá và điều tra trong vùng hành chính rộng hai triệu dặm vuông là một bước leo thang về đòi hỏi pháp lý của Trung Quốc ở Biển Nam Trung Hoa.
Theo giáo sư Thayer, hành động của chính quyền tỉnh Hải Nam có tiềm ẩn nguy cơ gia tăng căng thẳng và do đó phá hoại, nếu không nói là phá hủy hoàn toàn những cuộc thảo luận giữa các quan chức ASEAN và Trung Quốc về một bộ qui tắc Ứng xử trong khuôn khổ nhóm làm việc nhằm đưa ra bản Tuyên bố về Ứng xử ở Biển Đông.
Hơn nữa, luật lệ của đảo Hải Nam đặt các quan chức Trung Quốc vào con đường xung đột với Việt Nam, Philippines và Malaysia vì người dân đánh cá của những nước này thường xuyên đi trên vùng biển được bao hàm trong luật lệ ấy. Luật lệ của tỉnh Hải Nam đi ngược lại những thỏa thuận đã đạt được giữa Trung Quốc và Việt Nam trong chuyến thăm của Thủ tướng Lý Khắc Cường năm ngoái, ông Thayer chỉ rõ.
Một câu hỏi mấu chốt là liệu phần lớn các nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc trong đó có Chủ tịch Tập Cận Bình có biết được những luật lệ nguy hiểm (được thông qua ngày 29 tháng 11, thông báo ngày 3 tháng 12 và có hiệu lực ngày 1 tháng 1) và chuẩn thuận chúng? – ông Thayer đặt câu hỏi.
Trong khi đó, Cục Hải dương Nhà nước Trung Quốc (SOA) ngày 10.1 thông báo, một tàu tuần tra đa năng mới vừa được biên chế cho đội tàu của lực lượng cảnh sát biển nước này hoạt động ở Biển Đông.
Tân Hoa xã dẫn thông báo từ SOA cho hay, tàu mới mang số hiệu CCG – 3401, có độ choán nước 4.000 tấn, được trang bị nhiều thiết bị tuần tra hiện đại.
SOA còn khẳng định, tàu CCG – 3401 “sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố sự quản lý của Trung Quốc đối với những vùng biển thuộc chủ quyền của nước này”.
Động thái trên được đưa ra sau khi quy định cấm đánh bắt phi pháp ở Biển Đông của Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 1.1.2014.
BDN (tổng hợp)