Wednesday, April 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNăm thời điểm Trung Quốc lấn chiếm Biển Đông (Kỳ cuối)

Năm thời điểm Trung Quốc lấn chiếm Biển Đông (Kỳ cuối)

Từ năm 1996 đến nay, các thủ đoạn của Trung Quốc nhằm xâm chiếm Biển Đông ngày một tinh vi, thâm độc hơn và nguy hiểm hơn, dù Bắc Kinh đã hạn chế sử dụng vũ lực.


Lấy lí do tạo điều kiện cho ngư dân trú ẩn trên biển Đông, Trung Quốc đã xây dựng trái phép nhà nổi trên Đá Vành Khăn tháng 5/1995

4.1996-2009, “Lục hoãn hải khẩu”

Việc Trung Quốc chiếm dải đá ngầm Vành Khăn nằm trong vùng biển do Philippines kiểm soát dấy lên mối quan ngại sâu sắc tại các nước Đông Nam Á, thúc đẩy ASEAN đoàn kết đấu tranh ngoại giao về vấn đề Biển Đông. Các nỗ lực từ năm 1996 đã dẫn đến việc ký kết Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa ASEAN và Trung Quốc, ngày 4-11-2002, tại Phnom Penh.

Chiến lược của Trung Quốc đối với khu vực biên duyên được khái quát thành “An Tây, dựa Bắc, tranh Đông Nam” (giữ yên phía tây, lấy quan hệ phương Bắc làm điểm tựa chiến lược, tranh giành khu vực phía đông và phía nam). Theo chiến lược này, Đông Nam bao gồm cả duyên hải Trung Quốc kéo dài từ Cát Lâm giáp Triều Tiên đến Hải Nam, cùng với khu vực Đông Nam Á/Biển Đông. Tại hướng này, Trung Quốc một mặt nỗ lực phá vỡ thế bao vây của liên minh Mỹ – Nhật, mặt khác tranh giành và mở rộng sự hiện diện ra Đông Nam Á/Biển Đông.

Trên đất liền, Trung Quốc và Việt Nam ký kết Hiệp ước biên giới trên bộ giữa hai nước (1999); trên biển, ký kết Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ (2000). Với các nước Đông Nam Á, Trung Quốc-ASEAN ký kết Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện (tháng 11-2002), Hiệp định mậu dịch hàng hóa trong khuôn khổ hợp tác kinh tế (tháng 11-2004). Trung Quốc tham gia Hiệp ước hữu nghị và hợp tác với ASEAN (TAC) năm 2003. Thủ tướng Ôn Gia Bảo đề xướng chính sách “mục lân, an lân và phú lân” (hòa hợp với láng giềng, ổn định với láng giềng và cùng làm giàu với láng giềng).

Trên biển, Trung Quốc củng cố vị trí ở Biển Đông, thực hiện ngoại giao “câu giờ” và tranh chấp cường độ thấp. Với Việt Nam, Trung Quốc thực hiện chủ trương “Lục hoãn hải khẩu” (trên đất liền hòa dịu, ngoài biển tranh chấp).

5.2009-2013, tranh chấp toàn diện cường độ cao

Sự chuyển biến trong tương quan quyền lực toàn cầu từ khủng hoảng tài chính mùa Thu 2008 đã thúc đẩy Trung Quốc ra khỏi thời kỳ “giấu mình chờ thời”, đẩy mạnh tranh chấp tại Biển Đông.

Đối với khu vực biên duyên, giới chiến lược gia Trung Quốc cho rằng quan hệ với các nước láng giềng phương Bắc (Nga, các nước Trung Á), thông qua Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) là ổn định, nên cần tập trung xử lý quan hệ với phía tây (nơi có tranh chấp biên gới với Ấn Độ), và đẩy mạnh tranh chấp phía đông (với Mỹ, Nhật Bản, từ tháng 9-2012 nổi lên xung đột quần đảo Điếu Ngư/Senkaku) và phía nam (nơi Trung Quốc tranh chấp Biển Đông).

Tháng 3-2009, 5 tàu thuyền Trung Quốc bao vây, cản trở hoạt động của tàu Impeccable của hải quân Mỹ đang thu thập thông tin tình báo đáy biển ngoài khơi đảo Hải Nam.

Tháng 3-2010, trong chuyến thăm Trung Quốc của James Steinberg, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ và Jeffrey Bader, giám đốc phụ trách các vấn đề châu Á của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, các nhà ngoại giao cao cấp Bắc Kinh bày tỏ rằng, Biển Đông thuộc “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc. Đây là thuật ngữ thường được Bắc Kinh sử dụng khi đề cập Đài Loan, Tây Tạng, Tân Cương. Với cách tiếp cận này, Trung Quốc muốn Hải quân Mỹ tránh thực hiện các cuộc tập trận và chuyến bay thám sát ở Biển Đông. Tại Đối thoại chiến lược và kinh tế Trung – Mỹ lần thứ hai, tháng 5-2010 tại Bắc Kinh, ông Đới Bỉnh Quốc, Ủy viên Quốc vụ phụ trách đối ngoại, một lần nữa đã nêu Biển Đông thuộc “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc.

Ngày 7-5-2009, phái đoàn Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc đã gửi Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc công hàm phản đối việc Việt Nam nộp Báo cáo về ranh giới ngoài thềm lục địa Việt Nam. Trước đó, ngày 6-5-2009, Việt Nam và Malaysia cũng đã phối hợp trình Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hiệp Quốc Báo cáo chung về khu vực thềm lục địa kéo dài liên quan đến hai nước.

Công hàm ngày 7-5-2009 của phái đoàn Trung Quốc gửi Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hiệp Quốc kèm theo bản đồ “đường 9 đoạn”. Như vậy, Trung Quốc chính thức nêu yêu sách đường đứt khúc 9 đoạn trong một công hàm gửi Liên Hiệp Quốc.

Về vụ việc này, ngày 8-5-2009, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Dũng đã khẳng định: “Nội dung công hàm của phía Trung Quốc và bản đồ kèm theo công hàm đó đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông. Đường yêu sách 9 đoạn của Trung Quốc thể hiện trên bản đồ đi kèm với công hàm là không có giá trị vì không có cơ sở pháp lý, lịch sử và thực tiễn”.

Ngày 26-5-2011, tàu hải giám của Trung Quốc thực hiện vụ gây hấn cắt đứt cáp thu địa chấn của tàu Bình Minh 02 của Việt Nam đang hoạt động cách mũi Đại Lãnh (Phú Yên) khoảng 120 hải lý, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Ngày 9-6-2011, các tàu hải giám, ngư chính và tàu cá Trung Quốc phá tuyến cáp khảo sát của tàu Viking 2, cách bờ biển Việt Nam 180 hải lý, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Từ ngày 8 tháng 4 đến 18-6-2012, diễn ra cuộc đối đầu tại vùng bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham. Có lúc Trung Quốc điều tới khu vực này gần 100 tàu các loại từ tàu công vụ, tàu đánh cá tới tàu đa dụng nhỏ.

Ngày 21-6-2012, Trung Quốc thành lập “thành phố Tam Sa” (thuộc Hoàng Sa – Việt Nam) và Khu cảnh bị, nhằm thiết lập cứ điểm tịa Biển Đông để kiểm soát Biển Đông. “Tam Sa”, được Bắc Kinh giao “quản lý” quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và nhóm đảo chìm Trung Sa với diện tích khoảng 2 triệu km2. Đây là một cách để cụ thể hóa đường lưỡi bò và “vùng nước lịch sử”. Cùng với “Tam Sa”, Trung Quốc đẩy mạnh quá trình thăm dò và khai thác dầu khí ở khu vực trung-nam Biển Đông nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục đại của những nước giáp Biển Đông. Việc thành lập “thành phố Tam Sa” và Khu cảnh bị Tam Sa là bước phát triển mới của chiến lược Biển Đông của Trung Quốc.

Ngày 23-6-2012, trong một hành động trái phép, CNOOC thông báo chào thầu quốc tế tại 9 lô dầu khí nằm trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam rộng 160.000km2.

Ngày 27-11-2012, nhà đương cục Hải Nam đưa ra quy định cho phép lực lượng tuần tra chặn tàu, khám tàu, trục xuất tàu các nước tại Biển Đông.

Trong năm 2013, Trung Quốc ra sức củng cố chỗ đứng ở Biển Đông bằng các chiến thuật mới vào lúc phải tập trung ứng phó với Nhật Bản trong cuộc xung đột tại biển Hoa Đông. Về mặt quân sự, sau khi đã kiểm soát trên thực tế bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham, Trung Quốc gia tăng sức ép tại khu vực Bãi đá ngầm Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) do Philippines kiểm soát. Chiến thuật này được Thiếu tướng hải quân Trương Triệu Trung mô tả là “cây bắp cải”: khẳng định chủ quyền lãnh thổ và từng bước bao vây khu vực tranh chấp của đối phương bằng nhiều lực lượng vũ trang và bán vũ trang, ngăn cản đối phương tiếp cận, từ đó thiết lập các hoạt động mới trên thực địa. Giới chuyên gia quốc tế có người gọi chủ trương ấy là “cây gậy nhỏ”: Để tránh tranhc hấp bùng nổ thành chiến sự, Trung Quốc chia nhỏ, sau đó cô lập từng phần để xử lý vấn đề nhằm gây ra kháng cự ít nhất có thể từ đối phương. Điều đó không chỉ có lợi cho Trung Quốc trong việc cô lập đối thủ mà còn có thể vô hiệu hóa sự can thiệp của hải quân Mỹ bảo vệ đồng minh.

Từ ngày 5-12-2013, hải quân Trung Quốc triển khai tàu sân bay Liêu Ninh tập trận tại Biển Đông và thử nghiệm cập cảng Tam Á thuộc đảo Hải Nam, xác định phạm vi khống chế của căn cứ hàng không mẫu hạm này bao gồm toàn bộ Biển Đông.

Một số chiến thuật mới khác là tăng cường uy hiếp, ngăn chặn và đánh đuổi các tàu nước ngoài thực hiện khảo sát địa chấn, thăm dò dầu khí hay đánh bắt cá trên Biển Đông, trong khi phía Trung Quốc tăng cường thăm dò dầu khí và khai thác tài nguyên ở Biển Đông.

Bên cạnh đó, Bắc Kinh đẩy mạnh hoạt động ngoại giao “mỉm cười” với các nước cận biên, còn gọi là “ngoại giao xung quanh”, nhằm xây dựng các vành đai kinh tế thuộc khu vực ảnh hưởng của Trung Quốc phù hợp với cuộc tái cơ cấu nền kinh tế và cạnh tranh chiến lược nước lớn trong những thập niên tới. Với Đông Nam Á, Bắc Kinh thực hiện các hoạt động dồn dập nhưng hướng đích rõ rệt: Về kinh tế, đề nghị tái cấu trúc nâng cao Hiệp định tự do thương mại Trung Quốc – ASEAN ký 10 năm trước đây, mục tiêu là đưa thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN lên 500 tỷ USD vào năm 2015 và 1.000 tỷ USD vào năm 2020. Về chính trị, đề xuất ký kết “Điều ước hợp tác láng giềng hữu nghị giữa các nước ASEAN và Trung Quốc”.

Về Biển Đông, Bắc Kinh chấp nhận đối thoại COC; đồng ý cùng Việt Nam thành lập “Nhóm công tác bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển”… nhưng vẫn giữ lập trường cứng rắn.

Trung Quốc kết thúc năm 2013, mở đầu 2014, bằng một hành động mà Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki phê phán là “khiêu khích và có thể gây ra nguy hiểm”. Theo quy định mới này của nhà đương cục Trung Quốc ở tỉnh Hải Nam, từ ngày 1-1-2014, người nước ngoài, tàu cá nước ngoài đi vào vùng biển do tỉnh Hải Nam quản lý để đánh bắt cá hoặc thực hiện các hoạt động điều tra tài nguyên ngư nghiệp tại đây phải được sự cho phép của các cơ quan quản lý có liên quan thuộc Chính phủ Trung Quốc. Quy định được thông qua ở tỉnh Hải Nam hôm 29-11-2013. Giáo sư Carl Thayer, thuộc Học viện Quốc phòng Australia, trả lời báo Tuổi trẻ, nhận định: Vụ việc này cho thấy chiến lược của Trung Quốc là dùng luật pháp trong nước để thúc đẩy đòi hỏi chủ quyền; “thể hiện rõ ý đồ buộc các nước phải thừa nhận việc đòi hỏi chủ quyền của nước này trên Biển Đông”.

 

 

 

RELATED ARTICLES

Tin mới