Sunday, December 22, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiVăn hoá - Thể thao BiểnGhe câu: Phương tiện chinh phục biển của đội Hoàng Sa

Ghe câu: Phương tiện chinh phục biển của đội Hoàng Sa

BienDong.Net: Đội Hoàng Sa là thiết chế đầu tiên trong lịch sử thực thi chủ quyền của Nhà nước Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông. Điều ấy đã được minh chứng trong thực tế và qua các văn bản cổ còn lưu giữ được.

Có một điều độc đáo là những hùng binh tuân lệnh vua đi làm nhiệm vụ khi ấy không sử dụng những chiếc ghe bầu có kích cỡ lớn rất thông dụng thời đó, mà lại dùng những chiếc ghe câu…

alt 

Chuẩn bị thả ghe câu trong lễ khao lề thế lính Hoàng Sa năm 2013 tại đảo Lý Sơn (Ảnh BienDong.Net)

Ông Võ Hiển Đạt 83 tuổi ở đảo Lý Sơn là hậu duệ của cai đội Võ Văn Thiết hồi tưởng: “Tổ tiên đã truyền đời kể cho chúng tôi nghe về những con thuyền từng vượt Biển Đông ra quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Thời thơ ấu của tôi ở Lý Sơn, loại thuyền ngược xuôi trên biển cũng không khác xưa. Chúng nhỏ gọn nhưng chắc chắn và rất tiện dụng trên vùng biển có nhiều bãi cát, rạn san hô như Hoàng Sa, Trường Sa…”.

Mùa ra khơi năm 2011, ông Đạt là trưởng nhóm nghiên cứu, đóng lại chiếc thuyền của những đội hùng binh nước Việt năm xưa sử dụng để chinh phục đại dương. Là bậc cao niên hiếm hoi còn thông thạo chữ nho ở Lý Sơn, ông Đạt cũng từng tiếp cận nhiều tài liệu, thư tịch, sắc phong cổ ở Lý Sơn để hiểu rõ về những con thuyền của cha ông mình.

Theo ông Võ Hiển Đạt, cho đến nửa đầu thế kỷ 20 dân đảo Lý Sơn vẫn còn nghèo lắm. Người đi biển đều sử dụng những chiếc thuyền buồm. Người đi buôn dùng ghe bầu. Ngư dân có ghe câu. Hai loại thuyền đôi nét khác nhau về kích cỡ, nhưng đều giống nhau ở chỗ di chuyển nhờ sức gió thổi buồm và khả năng xoay xở rất tốt ở những vùng biển nông dễ mắc cạn.

alt 

Mô hình ghe câu tại nhà trưng bày đội Hoàng Sa – Bắc Hải trên đảo Lý Sơn (Ảnh BienDong.Net)

Khi phục dựng lại thuyền đi Hoàng Sa thuở xưa, ông Đạt đã cẩn thận gặp thêm nhiều bậc cao niên ở Lý Sơn để cùng bàn bạc. Thật ra ông và các bạn vẫn nhớ rõ đến nửa đầu thế kỷ 20, ngư dân ở Lý Sơn và dọc bờ biển Quảng Ngãi vẫn truyền đời đi biển bằng loại thuyền gọi dân dã là ghe câu. Đây cũng là tên thuyền thông dụng mà tổ tiên họ ngày xưa đã sử dụng để vượt biển ra Hoàng Sa. Ngoài ra, một cơ sở khác để họ có thể phục dựng chính xác loại thuyền này chính là hình mẫu chiếc thuyền cúng trong lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Ngay thời hải đội Hoàng Sa còn hoạt động, lễ tế này đã được thực hiện để yên lòng người ra đi vì Tổ quốc và hình mẫu chiếc thuyền buồm trong lễ tế vẫn được truyền đời thực hiện đến ngày nay.

Với ghi chép tỉ mỉ của Lê Quý Đôn thì không chỉ đội Hoàng Sa mà ngay cả đội Bắc Hải do đội Hoàng Sa kiêm quản cũng chinh phục đại dương bằng loại thuyền nhỏ này. Khu vực mà hải đội Bắc Hải hoạt động chính là quần đảo Hoàng Sa và trải dài vào các đảo phía Nam.

Trong một chỉ thị cho đội Hoàng Sa tiếp tục hoạt động, triều đình Tây Sơn năm 1786 ghi rõ: “Sai Hội Đức Hầu, cai đội Hoàng Sa luôn xem xét, đốc suất trong đội cắm biển hiệu thủy quân, cưỡi bốn thuyền câu vượt biển, thẳng đến Hoàng Sa…”. Còn Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn cũng ghi chép về loại thuyền này khi nhắc đến đội Hoàng Sa: “Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng hai nhận giấy sai đi, mang lương thực đủ ăn sáu tháng, đi bằng năm chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển ba ngày ba đêm thì đến đảo ấy… Họ Nguyễn lại đặt đội Bắc Hải hoặc người thôn Tứ Chính ở Bình Thuận hoặc người xã Cảnh Dương, ai tình nguyện đi thì cấp giấy sai đi, miễn cho tiền sưu cùng các tiền tuần đò, cho đi thuyền câu nhỏ ra các xứ Bắc Hải, cù lao Côn Lôn và các đảo Hà Tiên… “.

Và loại thuyền câu đó chính là thuyền mà ngư dân Lý Sơn đã truyền đời cưỡi trên đầu sóng ngọn gió.

Đặc biệt, nhiều nhà du hành, thương nhân nước ngoài khi đến Đàng Trong cũng nhắc đến loại thuyền độc đáo của ngư dân Việt mặc dù họ có một vài cách định danh khác nhau. Nhà sư Thích Đại Sán, người Trung Hoa khi đi thuyền đến xứ Đàng Trong năm 1696 đã có nhiều ghi chép trong tập Hải ngoại ký sự về loại thuyền “điếu xá” rất nhanh của người vương quốc này. Trong khi chiếc thuyền lớn xuất phát từ Quảng Đông của nhà sư Thích Đại Sán bị mắc cạn thì ông ta lại rất ngưỡng mộ loại thuyền “điếu xá” có cánh buồm như hình chiếc rìu lướt gió rất nhanh đã nhìn thấy ở vùng biển Hoàng Sa. Đây chính là loại thuyền mà chúa Nguyễn Phúc Chu đã cử ra đón nhà sư Trung Hoa này ở Cù Lao Chàm (thuở đó còn gọi Tiên Bích Sa). Và chính sử nước Việt lẫn tư liệu hàng hải quốc tế cũng ghi nhận nhà Nguyễn còn nhiều lần cử thuyền đi cứu hộ tàu nước ngoài bị đắm, trong đó có cả tàu của Hà Lan, Anh, Pháp…

Bí quyết tốc độ

Nhà sư Thích Đại Sán đã ngưỡng mộ loại thuyền nhỏ của người Việt này được cơn gió thuận thì lướt nhanh gấp 10 lần những chiếc thuyền gỗ lớn nặng nề. Đó cũng chính là bí quyết độc đáo của chiếc ghe câu. Thời đại máy móc ngày nay đã “chuyển giao” những chiếc ghe câu một thuở kiêu hãnh ngang dọc Biển Đông vào lịch sử, nhưng ở miền Trung mà đặc biệt là Quảng Ngãi vẫn còn nhiều người từng đóng hoặc am hiểu loại thuyền vượt biển độc đáo của người Việt này.

Ông Võ Hiển Đạt kể năm 1945, Pháp giải thể các xưởng đóng thuyền ở đảo Lý Sơn. Khi đó ông mới 15 tuổi, hay mày mò vào các xưởng đóng tàu trên đảo để tìm hiểu, học nghề. Ngoài ra, dòng họ ông cũng có nhiều người đi biển, làm nghề cá bằng ghe câu mà mãi đến những năm 1970 mới nâng cấp dần lên được máy móc. Chiếc ghe câu một thời không chỉ là phương tiện mưu sinh mà còn là bạn của nhiều gia đình ở Lý Sơn.

Vừa rồi, ông Đạt đóng chiếc ghe câu đi Hoàng Sa là mô hình thu nhỏ cho Bảo tàng Quảng Ngãi. Còn kích cỡ thật của nó dài 12 – 18 m, rộng 2,5 – 3 m và sâu khoảng 1,8 đến hơn 2 m. Điểm nhận diện đặc biệt của chiếc ghe câu này là thường đóng bằng cả gỗ và tre. Trong đó, gỗ dùng làm khung sườn và phần trên ghe, còn tre được đan thành mê bao bọc phần dưới ghe để chống nước xâm nhập bên trong. Và tre chính là bí quyết làm chiếc thuyền câu của người Việt trở nên nhẹ nhàng để đạt được tốc độ cao.

Theo ông Đạt và các bậc cao niên ở Lý Sơn, nhờ thuyền nhẹ nên các hùng binh Hoàng Sa dễ dàng đổ bộ lên các rạn san hô, đảo cát trải dài thoai thoải ở Hoàng Sa mà tàu lớn không vào được. Đặc biệt, khi cần thủy chiến, những ghe câu này cũng nhanh chóng phát huy tốc độ để tấn công đối phương.

Mê tre, sự sáng tạo của người Việt

Ông Võ Hiển Đạt kể khi được tỉnh Quảng Ngãi giao phục dựng chiếc ghe câu một thời, ông hào hứng nhận ngay mà không chút băn khoăn. Những người ở tuổi 80 như ông trên đảo đều biết rõ, thậm chí nhiều người từng tự tay đóng hoặc đi biển trên những chiếc ghe đó. “Không sử dụng nhiều gỗ như bây giờ vì phần thân dưới ghe là mê tre, nhưng người thợ đóng loại ghe đó phải biết dựng nên khung sườn gỗ chắc chắn để kết hợp với độ dẻo dai của tre mà chống chịu bão gió trên biển… ”

Ông Nguyễn Tấn Trà, ở xã Nghĩa Phú, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi đã từng đóng cả trăm chiếc ghe. 60 năm tuổi nghề, ông là hậu duệ của dòng họ có ít nhất sáu đời đã đóng ghe câu. Tiếp nối nghề này mãi đến năm 1968 ông mới chuyển qua đóng tàu máy. Ông Trà bảo: “Đời nay có thể nói chiếc ghe câu xưa lạc hậu. Nhưng với những thợ cả đời đóng tàu như chúng tôi thì chiếc ghe đó là cả công trình nghệ thuật, một sự hun đúc kinh nghiệm đi biển bao đời mới có được. Nó như chính con người Việt nhỏ nhắn nhưng không dễ khuất phục, mềm mại nhưng dẻo dai, bền bỉ…”.

Ông Trà tâm sự chỉ riêng tấm mê tre chịu nước dưới ghe cũng thể hiện kinh nghiệm độc đáo của người Việt. Thợ làm mê phải có kinh nghiệm lựa tre già, lóng tốt, không thối gốc, cụt ngọn, sau đó mới chọn đoạn dài đẹp nhất giữa thân. Việc chẻ tre thành từng thanh nan cũng đòi hỏi rất khéo tay. Nan tre phải đạt độ dày và lớn đều nhau để mắt đan liên kết chặt chẽ. Nan tre đan mê ghe không cần ngâm nước trước, nhưng phải phơi đủ vài nắng tươi. Thợ phải có kinh nghiệm mới được đan mê ghe để đều tay, xít chặt. Mắt mê cũng không không đan song song hay thẳng đứng với mặt nước mà theo chiều xéo góc để có độ dẻo dai, chống chịu được sóng gió. Mê tre sau khi đan xong được quét phân trâu bò để trét kẽ nan, rồi lại tiếp tục phủ lớp dầu rái (cây rái trên rừng). Theo ông Trà, tấm mê tre có vẻ mỏng manh so với gỗ nhưng dẻo dai, khó gãy. Khi gặp sóng gió có thể lún vào rồi lại căng ra bình thường. Mê tre cũng rẻ tiền, dễ thay sau mỗi hải trình xa xôi, nếu được quét dầu rái cẩn thận có thể bền hơn ba năm.

Ưu điểm lớn nhất của mê tre chính là sự nhẹ nhàng. Thường mê tre chỉ nặng bằng 1/5 so với gỗ. Nhờ đó mà chiếc ghe câu hay ghe bầu vận tải của người Việt xưa đã đạt tốc độ rất cao.

Ông Trà kể: “Tổ tiên đã truyền cho tôi kinh nghiệm chọn loại gỗ cứng nhưng dẻo dai như sao, chò, kiền kiền để đóng phần ghe dưới nước, đặc biệt là xỏ lái trước mũi và ‘con lươn’ chịu lực chính dọc theo đáy ghe”. Chỉ cách đây già nửa thế kỷ, gần như toàn bộ công việc đóng tàu vẫn được làm bằng tay. Tùy cỡ ghe họ có thể đóng mất 200 – 300 ngày công.

Thời ông Trà, thợ cả giàu kinh nghiệm chỉ nhìn lượng gỗ có thể tính chính xác mực nước ghe mình đóng. Ghe câu thường gồm khoang đốc phía sau, khoang lòng và khoang mũi. Loại ghe câu nhỏ của đội Hoàng Sa mà về sau vẫn được con cháu họ là ngư dân Lý Sơn sử dụng thì dùng hai hoặc ba cột buồm. Trong đó cột chính (dân đi biển quen gọi là cột lòng) bằng các loại gỗ kiền, lim cao khoảng 9 m, cột buồm mũi cao khoảng 7 m và cột buồm lái phía sau. Ghe câu thường chỉ dài 11 – 16 m, rộng 2,5 – 3 m và sâu 1,8 – 2,5 m. Thủy thủ đoàn 8 – 10 người, phù hợp với các tài liệu cổ ghi chép suất đội đi Hoàng Sa được tìm thấy ở Lý Sơn. Từ đảo này họ đi ba ngày ba đêm thì đến Hoàng Sa. Tốc độ chính nhờ sức gió thổi buồm, nhưng ghe vẫn thường được trang bị thêm bốn chèo ngang và một chèo lái.

Xuất phát từ tháng hai và trở về đất liền vào tháng tám hàng năm, để sinh tồn sáu tháng lênh đênh trên biển, ghe được trang bị các khạp gỗ đựng gạo, nước, củi. Trong bộ sách Nguyễn Phúc tộc đế phá tường giải đồ của nhà Nguyễn cho thấy trên mạn thuyền của Đội Hoàng Sa có trồng 7 loại rau là rau lang, rau muống, rau húng, hành, hẹ, tỏi, me đất và đến đời Tự Đức thứ 12 thì có thêm rau sam bay. Ngoài ra, đội còn mang theo món thịt thưng và cám gạo, vốn là bí mật quân lương của cả triều Nguyễn và triều Tây Sơn. Ngoài gạo, thức ăn thêm của đội Hoàng Sa là cá mú bắt được trên biển và các loại trứng chim, rùa có rất nhiều trên các đảo.

Thủy thủ đoàn cũng không thể thiếu khạp dầu rái dự phòng cho trường hợp phải trét sửa ghe dọc đường. Đặc biệt, họ mang theo cả giáo mác cán gỗ để phòng thân.

Theo lời cụ Võ Hiển Đạt, xưa kia các bậc tiền nhân vâng mệnh triều đình đi làm nhiệm vụ tại Hoàng Sa nhiều người có đi mà không có về. Để tưởng nhớ những người đã bỏ mình trên biển, hàng năm, vào khoảng tháng Hai âm lịch, các tộc họ ở Lý Sơn đều tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Khao lề là lễ tế sống các hùng binh, là sự tôn vinh và tri ân những người đã hi sinh nước. Từ năm 2013, lễ khao lề thế lính Hoàng Sa đã trở thành di sản văn hóa quốc gia.

BDN (tổng hợp từ Tuổi Trẻ và các báo quốc nội)

RELATED ARTICLES

Tin mới