Friday, November 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTRUNG QUỐC DÙNG VẤN ĐỀ NGƯ NGHIỆP ĐỂ KHẲNG ĐỊNH YÊU SÁCH...

TRUNG QUỐC DÙNG VẤN ĐỀ NGƯ NGHIỆP ĐỂ KHẲNG ĐỊNH YÊU SÁCH CHỦ QUYỀN Ở BIỂN ĐÔNG

BienDong.Net: Như chúng ta đã thấy cuối tháng 11/2013, Trung Quốc dùng vấn đề lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Hoa Đông để hậu thuẫn cho yêu sách chủ quyền của họ ở biển Hoa Đông. Từ đầu tháng 01/2014, Trung Quốc lại dùng vấn đề ngư nghiệp để khẳng định cho yêu sách chủ quyền của họ ở Biển Đông thông qua việc tỉnh Hải Nam công bố các “Biện pháp sửa đổi 2013” thực hiện “Luật ngư nghiệp nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Hành động này của Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế.

Ngày 29/11/2013, Ủy ban Thường vụ Nhân đại (Hội đồng Nhân dân) khóa 5 của tỉnh Hải Nam đã thông qua Dự thảo sửa đổi “Biện pháp thực hiện Luật ngư nghiệp nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”, chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2014.

Năm 2008, Hải Nam đã lần đầu tiên thông qua “Biện pháp thực hiện Luật ngư nghiệp nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”. Lần này, Hải Nam thông qua “Biện pháp sửa đổi 2013”, trong đó bổ sung thêm những nội dung xâm phạm chủ quyền và vùng biển của các nước láng giềng ở Biển Đông, đe dọa nghiêm trọng an toàn ngư nghiệp cũng như tự do, an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông.

Một là, phạm vi vùng biển áp dụng của “Biện pháp sửa đổi năm 2013” lần này được mở rộng hơn. “Biện pháp năm 2008” gồm khu vực quần đảo “Tây Sa (Hoàng Sa) và Đông Sa”; “Biện pháp sửa đổi năm 2013” phạm vi được mở rộng ra toàn bộ vùng biển do Hải Nam quản lý, nghĩa là toàn bộ vùng biển của “thành phố Tam Sa” rộng khoảng 2 triệu km2, thực chất là trong phạm vi “đường chín đoạn”.

Hai là, những quy định mới buộc tàu thuyền nước ngoài phải tuân thủ các quy định của Trung Quốc. Trong “Biện pháp sửa đổi năm 2013” quy định người và tàu cá nước ngoài đi vào “vùng nước do tỉnh Hải Nam quản lý” để tiến hành sản xuất ngư nghiệp hoặc điều tra nguồn tài nguyên ngư nghiệp phải được các cơ quan chủ quản của Quốc vụ viện Trung Quốc cho phép. “Biện pháp sửa đổi năm 2013” còn quy định, nếu vi phạm, tàu cá nước ngoài có thể bị tịch thu hải sản, ngư cụ và bị phạt đến 500 ngàn Nhân dân tệ; trường hợp nghiêm trọng có thể bị thu tàu hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Với những nội dung nêu trên, “Biện pháp sửa đổi năm 2013” của tỉnh Hải Nam đã cho phép các lực lượng chức năng của Trung Quốc thực hiện quyền kiểm soát trong vùng biển rộng lớn chiếm 2/3 diện tích Biển Đông, vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982; xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Indonesia; đe dọa tự do, an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông.

Mặc dù “Biện pháp sửa đổi năm 2013” là do địa phương (tỉnh Hải Nam) ban hành nhưng chắc chắn là được sự chỉ đạo của Bắc Kinh. Thời gian qua, Trung Quốc thường thông qua tỉnh Hải Nam để triển khai các hoạt động ở Biển Đông nhằm giảm bớt phản ứng của quốc tế. Nếu các nước phản ứng mạnh, Bắc Kinh sẽ nói rằng đó chỉ là hành động của địa phương. Để biện hộ cho hành động mới của Hải Nam, ngày 09/01/2014, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngang nghiên phát biểu: Việc địa phương dựa trên luật pháp của quốc gia để xây dựng luật của địa phương là công việc bình thường, theo thông lệ. Mục đích là để tăng cường bảo vệ, gây giống khai thác và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên nghề cá, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ngư dân….

Cách làm mới hết sức tinh vi này của Bắc Kinh không qua mắt được các nước khu vực và cộng đồng quốc tế. Dư luận trong và ngoài khu vực đều thấy rõ được bản chất của Bắc Kinh là thông qua chính quyền địa phương để thực hiện cái gọi là “chủ quyền” của họ ở Biển Đông. Bởi vậy, ngay sau khi “Biện pháp sửa đổi năm 2013” của Hải Nam có hiệu lực, nhiều nước trong và ngoài khu vực đã lên tiếng phản đối.

Là nước có lợi ích lớn trong tự do hàng hải ở Biển Đông, Mỹ đã phản ứng mạnh mẽ trước việc làm này của Trung Quốc. Ngày 09/01/2014, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ đã tuyên bố: (i) Việc thông qua các hạn chế đối với các hoạt động đánh bắt cá của các nước khác trong khu vực tranh chấp ở Biển Đông là hành động khiêu khích và tiềm ẩn nguy hiểm; (ii) Các quy định này dường như dược áp dụng đối với các khu vực biển nằm trong cái gọi là “đường chín đoạn” của Trung Quốc. Trung Quốc đã không đưa ra giải thích hoặc cơ sở gì theo luật pháp quốc tế cho những yêu sách biển trên phạm vi rộng như vậy; (iii) Lập trường lâu dài của Mỹ là tất cả các bên liên quan nên tránh các hành động đơn phương gây căng thẳng và phá hoại triển vọng cho một giải pháp ngoại giao hoặc một giải pháp hòa bình đối với các khác biệt. Việc thông qua luật lệ đòi hỏi quyền sở hữu đối với vùng lãnh thổ trong khu vực tranh chấp chắc chắn là mối quan ngại của Mỹ.

Đây là lần đầu tiên Mỹ có phản ứng mạnh mẽ và nhanh chóng như vậy. Mỹ đã có phát biểu mạnh và trong lúc các nước trong khu vực còn đang trong quá trình tìm hiểu sự việc để đưa ra phản ứng của mình. Đây cũng là lần đầu tiên Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ đề cập trực diện đến “đường chín đoạn” trong phát biểu của mình. Điều này cho thấy Mỹ đã cảm thấy không thể ngồi yên nhìn Trung Quốc hoành hành ở Biển Đông, nhất là sau vụ việc tàu chiến Trung Quốc khiêu khích tàu chiến Mỹ ở Biển Đông hồi đầu tháng 12/2013 (tàu Trung Quốc chạy cắt ngang qua mũi tàu chiến Mỹ, chỉ cách tàu chiến Mỹ 100 mét, buộc tàu chiến Mỹ phải đổi hướng di chuyển).

Bắc Kinh rất bực tức trước phát biểu mạnh mẽ của Mỹ lên án hành động của Trung Quốc. Ngày 10/01/2014, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phát biểu bác bỏ Tuyên bố của Mỹ là có dụng ý khác, có vấn đề; đồng thời, thanh minh “quy định pháp luật nghề cá của Trung Quốc đã thực hiện hơn 30 năm qua chưa gây căng thẳng gì, nay chỉ có một số điều chỉnh về kỹ thuật”; biện hộ rằng “Trung Quốc cơ bản không cần thông qua quy định luật pháp của địa phương để tăng cường chủ quyền và quyền lợi biển của Trung Quốc”.

Philippines và Việt Nam có phản ứng mạnh mẽ trước việc làm này của Trung Quốc bởi lẽ 2 nước này là nạn nhân chính của những hành động gây hấn của Bắc Kinh. Trong năm 2013, các tàu chấp pháp của Trung Quốc, bao gồm cả tàu hải quân đã nhiều lần truy đuổi, trấn áp, lục soát các tàu cá và ngư dân Việt Nam, thậm chí bắn cháy hay đâm vào tàu cá Việt Nam. Ngay sau khi “Biện pháp sửa đổi năm 2013” của Hải Nam có hiệu lực, đầu tháng 1/2014 đã có 2 tàu cá của Việt Nam bị các lực lượng chấp pháp của Trung Quốc hành hung.

Ngày 10/01/2014, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị nhấn mạnh: “Những hoạt động nêu trên của phía Trung Quốc là bất hợp pháp và vô giá trị, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông theo Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982), không phù hợp với Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, trái với tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa ASEAN và Trung Quốc, làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ những việc làm sai trái nói trên, đóng góp thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực”.

Cùng ngày 10/01/2014, Bộ Ngoại giao Philippines ra tuyên bố yêu cầu Trung Quốc “làm rõ ngay lập tức” quy định mới của nước này về đánh bắt cá ở Biển Ðông và nêu rõ “các quy định này vi phạm nghiêm trọng quyền tự do hàng hải và đánh bắt cá của tất cả các quốc gia tại vùng biển quốc tế được ghi trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Ðộng thái nêu trên của Trung Quốc khiến căng thẳng leo thang và gây phức tạp tình hình ở Biển Ðông một cách không cần thiết, đồng thời đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực”. Tiếp theo đó, ngày 11/01/2014, Văn phòng Tổng thống Philippines đã ra thông cáo khẳng định nước này không chấp nhận mọi quy định hạn chế đánh bắt cá trên Biển Đông từ Trung Quốc. Bà Abigail Valte, Phó phát ngôn viên Văn phòng Tổng thống Philippines nhấn mạnh không một quốc gia nào có quyền áp đặt lệnh cấm lên vùng biển quốc tế vì điều đó hoàn toàn trái với luật pháp quốc tế.

Đài Loan cũng lên tiếng phản đối mạnh “Biện pháp sửa đổi năm 2013” của Hải Nam. Ngày 09/01/2014, Đài Loan tuyên bố không thừa nhận quy định của Hải Nam; Người phát ngôn chính quyền Đài Loan nói rằng đây là “hành vi đơn phương” và kêu gọi các bên tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông tuân thủ luật pháp quốc tế, không có những hành động làm phức tạp thêm tình hình.

Ngày 12/01/2014, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera lên tiếng phản đối “Biện pháp sửa đổi năm 2013” của Hải Nam. Ông Itsunori Onodera cho rằng việc Trung Quốc đơn phương đưa ra những quy định mới của Trung Quốc về hạn chế đánh bắt cá ở Biển Đông chỉ phù hợp với những vùng lãnh hải thuộc chủ quyền riêng và không được chấp thuận ở vùng biển quốc tế; Trung Quốc đang tự xem Biển Đông là vùng biển của Trung Quốc và áp đặt các hạn chế như thế là không được phép; việc Trung Quốc ban hành các hạn chế mới về đánh bắt cá ở Biển Đông và đơn phương thiết lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Hoa Đông không chỉ khiến Nhật Bản và các nước ven Biển Đông lo ngại mà làm cả cộng đồng quốc tế lo ngại Trung Quốc đang đe doạ trật tự quốc tế hiện nay.

Các nhà nghiên cứu và phân tích quốc tế đều cho rằng hành động mới của Trung Quốc thực hiện “Biện pháp sửa đổi năm 2013” ở Biển Đông là hành động ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế, coi Biển Đông là “ao nhà” của Trung Quốc để ngang nhiên áp dụng luật pháp của Trung Quốc. Phải chăng Trung Quốc đang thi hành một chính sách “thực dân kiểu mới” ở Biển Đông?

Tiếp theo việc Trung Quốc đơn phương thành lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Hoa Đông, đây là bước leo thang mới trong việc tăng cường sự kiểm soát đối với các vùng biển ở Biển Đông; khẳng định cái gọi là “chủ quyền” của Trung Quốc trong các vùng lãnh thổ có tranh chấp trên biển. Hành động mới này của Bắc Kinh diễn ra ngay những ngày đầu năm 2014 làm cho dư luận càng thêm lo ngại về chính sách cứng rắn, cường quyền của Trung Quốc trong năm 2014 này.

BDN

 

RELATED ARTICLES

Tin mới