Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTrung Quốc tức tối trước việc Mỹ thách thức tính hợp pháp...

Trung Quốc tức tối trước việc Mỹ thách thức tính hợp pháp của “đường lưỡi bò”

BienDong.Net: Hôm 9.2 Bắc Kinh đã lên tiếng bác bỏ những lời chỉ trích, đặc biệt là của Mỹ, liên quan đến các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông.

Theo RFI, trong một bản tuyên bố, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi lại tiếp tục biện minh cho các đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông khi khẳng định rằng: “Chủ quyền trên biển của Trung Quốc trên vùng biển này được hình thành trong lịch sử và được luật pháp quốc tế bảo vệ”.

alt

Yêu sách chủ quyền (đường chấm đỏ) của Trung Quốc tại Biển Đông

Theo giới phân tích, sở dĩ Bắc Kinh phải nêu bật luận điểm “được luật pháp quốc tế bảo vệ”, đó là nhằm phản bác lời khẳng định của Hoa Kỳ trong những ngày qua, theo đó các yêu sách chủ quyền trên biển của Trung Quốc không phù hợp với luật pháp quốc tế.

Như tin đã đưa, trong phiên điều trần trước Quốc hội Hoa Kỳ hôm thứ Tư 05.02.2014, ông Daniel Russel, trợ lí ngoại trưởng Mỹ chuyên trách vùng Châu Á – Thái Bình Dương đã khẳng định rằng “Bất cứ tuyên bố chủ quyền biển nào của Trung Quốc mà không gắn với các cấu tạo địa lý đã được xác định đều là trái với luật pháp quốc tế”.

Ông Russel khi đó nói thêm: “Trung Quốc có thể chứng tỏ mình tôn trọng luật pháp quốc tế bằng cách giải thích yêu sách chủ quyền thể theo luật biển quốc tế”.

Tuyên bố này của hoa Kỳ được coi là một thách đố với Trung Quốc bởi lẽ Trung Quốc không thể nào làm sáng tỏ đòi hỏi của họ chiểu theo các luật quốc tế hiện hành, kể cả Công ước LHQ về luật biển mà Trung Quốc là một bên ký kết.

Ghi nhận sự chuyển biến trong thái độ của Hoa kỳ, BBC nhấn mạnh rằng cho tới trước lời phát biểu kể trên của trợ lí ngoại trưởng chuyên trách khu vực Đông Á, chính phủ Hoa Kỳ vẫn tuyên bố không đứng về bên nào trong các tranh chấp chủ quyền ở Á châu.

Cũng trong dịp điều trần này, ông Russel còn nói ông ủng hộ quyết định của Philippines đưa tranh chấp với Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Quốc tế của LHQ về Luật biển nhằm tìm giải pháp hòa bình.

Đường chín đoạn (còn gọi là đường lưỡi bò) mà Trung Quốc vẽ ra nhằm ‘phân định’ các khu vực thuộc chủ quyền Trung Quốc trên Biển Đông bao chiếm tới 80% diện tích của vùng Biển này, và đã bị Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei cực lực bác bỏ.

Cho dù vậy, Trung Quốc luôn luôn cho rằng họ là chủ nhân của Biển Đông nhân danh lịch sử và cực lực đả kích những ai nói rằng Bắc Kinh không tôn trọng luật quốc tế.

Trong phát biểu vào hôm 9.2, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng các tuyên bố của một số quan chức Mỹ nhân buổi điều trần hôm Thứ Tư vừa qua thiếu xây dựng, trong lúc bản thân Trung Quốc thì rất chú ý đến việc giải quyết tranh chấp trong vùng bằng đàm phán trực tiếp với các nước liên quan.

Cần lưu ý rằng cho tới nay Trung Quốc chỉ muốn đàm phán song phương hay riêng rẽ với từng nước có tranh chấp chủ quyền, thay vì đàm phán với ASEAN.

Phó Thủ tướng Việt Nam Phạm Bình Minh nói: “Nếu tranh chấp là giữa Việt Nam và Trung Quốc thì việc đàm phán là song phương”.

“Tuy nhiên tranh chấp tại Trường Sa thì có nhiều hơn một nước tuyên bố chủ quyền. Do đó ASEAN sẽ mạnh hơn nếu đàm phán như một khối”, ông Minh nói như vậy tại một cuộc thảo luận mới đây ở Davos, Thụy Sỹ.

Trong thời gian gần đây, ý định của giới quân đội Trung Quốc muốn thành lập một khu vực nhận diện phòng không (ADIZ) trên Biển Đông đã khiến cho nhiều nước, từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, cho đến Philippines, Việt Nam lo ngại. Các phản ứng trên đây có vẻ như đã đẩy Trung Quốc vào thế thủ, buộc phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc phải lên tiếng phủ nhận thông tin được tiết lộ về phương án thành lập ADIZ trên Biển Đông.

Mặc dù vậy, trên thực tế Trung Quốc vẫn đang gấp rút tăng cường bộ máy quân sự để hỗ trợ tham vọng lãnh thổ và chiến lược của họ.

Tạp chí IHS Jane’s, chuyên phân tích và tư vấn công nghiệp quốc phòng, gần đây công bố số liệu cho thấy, trong năm 2014, Bắc Kinh có thể sẽ chi 148 tỷ USD cho ngân sách quốc phòng. Báo cáo này cũng dự đoán đến năm 2024, chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc sẽ lớn hơn toàn bộ các nước Tây Âu cộng lại.

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), Trung Quốc dẫn đầu cuộc đua vũ trang tại Châu Á trong năm 2013, với tổng chi tiêu quốc phòng lên tới 112,2 tỷ USD, nhiều hơn Nhật Bản, Hàn Quốc, đảo Đài Loan và Việt Nam cộng lại.

BDN (tổng hợp)

RELATED ARTICLES

Tin mới