Friday, March 29, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiHOẠT ĐỘNG PHẢN ĐỐI TRUNG QUỐC DÙNG VŨ LỰC ĐÁNH CHIẾM QUẦN...

HOẠT ĐỘNG PHẢN ĐỐI TRUNG QUỐC DÙNG VŨ LỰC ĐÁNH CHIẾM QUẦN ĐẢO HOÀNG SA DIỄN RA Ở KHẮP NƠI

BienDong.Net: Nhân dịp 40 năm Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm Hoàng Sa vừa qua, các hoạt động phản đối hành động xâm lược này của Trung Quốc đã diễn ra ở khắp mọi nơi.

Ngày 11/01/2014 tại Đại học Harvard, một nhóm trí thức Việt tại Boston (Hoa Kỳ) đã tổ chức Hội thảo với chủ đề “Quần đảo Hoàng Sa: Hòa bình và an ninh sau 40 năm bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép”.

Tham dự Hội thảo ngoài những nhà nghiên cứu nổi tiếng người Việt như Giáo sư Ngô Vĩnh Long đến từ Đại học Maine; Tiến sĩ Tạ Văn Tài – Đại học Luật Harvard; Tiến sĩ Julie Nguyễn – Cao đẳng Centennial, Toronto (Canada); Tiến sĩ Vũ Quang Việt – nguyên Vụ trưởng Vụ tài khoản quốc gia thuộc Cục thống kê Liên hiệp quốc, còn có các học giả tên tuổi người nước ngoài như: Giáo sư Ken MacLean – Đại học Clark; ông Gregory Poling – Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS). Các nhà nghiên cứu đã tái hiện lại sự kiện Trung Quốc sử dụng vũ lực quân sự để cưỡng chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam năm 1974; nhấn mạnh hành động sử dụng vũ lực của Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa là hoàn toàn bất hợp pháp; phản đối việc gần đây Trung Quốc đã tuyên bố rằng “Hoàng Sa là của Trung Quốc, không có tranh chấp”; kêu gọi quốc tế cùng lên tiếng yêu cầu Trung Quốc giải quyết tranh chấp với Việt Nam về Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình. Hội thảo cho rằng Hoàng Sa là vấn đề có ảnh hưởng đến an ninh và lợi ích của cả khu vực Ðông, Ðông Nam Á và xa hơn nữa là cả cộng đồng quốc tế. Các học giả cũng đưa ra một số kịch bản có thể xảy ra nhằm giải quyết vấn đề này vì hòa bình và ổn định ở khu vực trong tương lai. Đây là lần đầu tiên một Hội thảo chuyên đề về Hoàng Sa được tổ chức ở Hoa Kỳ.

Ngày 11/01/2014, tại Hà Nội, Trung tâm Minh Triết (thuộc Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam) đã tổ chức buổi gặp mặt tưởng niệm 40 năm sự kiện Hoàng Sa bị Trung Quốc đánh chiếm và ra Tuyên bố nhấn mạnh việc Trung Quốc chiếm đoạt một phần quần đảo Hoàng Sa (năm 1956) và đem quân cưỡng chiếm hoàn toàn Hoàng Sa năm 1974 là phi pháp, chà đạp lên luật pháp quốc tế. Tuyên bố khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, lên án và tố cáo trước dư luận quốc tế về hành động xâm lược của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa.

Tại cuộc gặp mặt, ông Nguyễn Khắc Mai, Giám đốc Trung tâm Minh Triết nhấn mạnh: “thế giới ngạc nhiên về một nước lớn như Trung Quốc, không những rất vô trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế, mà còn hành xử theo vết xe đổ của chủ nghĩa đế quốc đã lỗi thời; hệ thống lại những sự kiện đã xảy ra 40 năm qua, mọi người đều thấy các hành động của Trung Quốc uy hiếp hòa bình và phát triển của khu vực và làm cho cả thế giới lo ngại”.

Phát biểu tại cuộc gặp mặt, ông Nguyễn Trung, nguyên trợ lý cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, chia sẻ 40 năm Hoàng Sa bị Trung Quốc xâm lược là sự kiện đau buồn nhưng cũng nhân dịp này cần có sự thức tỉnh rõ hơn vấn đề hòa hợp dân tộc. Theo ông Nguyễn Trung, việc nhìn nhận những binh lính Việt Nam Cộng hòa đã hy sinh cho Hoàng Sa cũng là những người yêu nước đã ngã xuống cho Tổ quốc là vô cùng cần thiết để vượt lên những quá khứ đè nặng và để thực sự có sự hòa giải, hòa hợp dân tộc.

Cùng với đó nhiều cuộc biểu tình tuần hành đã diễn ra tại Hoa Kỳ, Canada, Úc, Đức, Nhật Bản… Những người biểu tình, gồm bà con người Việt sinh sống ở hải ngoại, sinh viên đang du học ở các nước, thậm chí người dân nước bản địa đã tập trung tại cơ quan đại diện của Trung Quốc tại các nước đó giương cao biểu ngữ, băng rôn và đồng thanh hô vang các khẩu hiệu: “phản đối Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm Hoàng Sa”; “Hoàng Sa là của Việt Nam, Trung Quốc hãy cút khỏi Hoàng Sa”; “đả đảo chủ nghĩa dân tộc bành trướng bá quyền Đại Hán”; “Trung Quốc hãy chấm dứt các hành vi bạo ngược trên Biển Đông”; “Trung Quốc không được xâm hại ngư dân Việt Nam”; “Trung Quốc hãy tuân thủ luật pháp quốc tế”; “Trung Quốc hãy cư xử xứng đáng là nước lớn có trách nhiệm”…

Ngay ở Hà Nội cũng có hàng trăm người đã tụ tập tại vườn hoa Lý Thái Tổ để lên án hành động của Trung Quốc xâm lược quần đảo Hoàng Sa cách đây 40 năm; họ hô vang những khẩu hiệu “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”. Chính quyền Hà Nội không khuyến khích hoạt động biểu tình nhưng xem ra cũng làm ngơ trước việc làm này của một số nhà trí thức bởi lẽ mặc dù muốn duy trì quan hệ hữu nghị với Trung Quốc nhưng việc Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm Hoàng Sa là một tội ác, bất cứ một người Việt Nam nào cũng không thể bỏ qua được; tất cả đều mong đợi ngày thu hồi quần đảo Hoàng Sa sẽ nhanh chóng diễn ra. Trả lời phỏng vấn BBC, ông Dương Danh Dy, cựu Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu, Trung Quốc cho rằng Việt Nam có thể tính tới phương án thu hồi trực tiếp Hoàng Sa khi có cơ hội, mặc dù con đường ngoại giao và pháp lý vẫn cần thiết. Ông nói: “không ai mạnh mãi được” và “không ai yếu mãi được”; vấn đề là “cần chuẩn bị lực lượng để thu hồi Hoàng Sa khi thời cơ đến”.

Ngay ở Việt Nam trong dịp 40 năm Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa cũng đã diễn ra nhiều hoạt động tưởng niệm, tri ân những người đã hy sinh trong cuộc chiến Hoàng Sa 1974; nhiều tờ báo ở quốc nội đã có những bài viết nêu lại sự thực lịch sử, nhấn mạnh hành động sử dụng vũ lực đánh chiếm Hoàng Sa là bất hợp pháp. Tại nhiều địa phương trong thời gian qua đã diễn ra các cuộc triển lãm công bố những chứng cứ pháp lý, lịch sử về chủ quyền Việt Nam đối với Hoàng Sa. Đặc biệt, cuộc triển lãm về Hoàng Sa tại Đà Nẵng, nơi đang đặt trụ sở của huyện đảo Hoàng Sa được khai mạc đúng vào ngày 19/01/2014.

Nhiều báo chí nước ngoài cũng đã đưa lại các tin tức về các hoạt động của người Việt nhân dịp Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa, đồng thời có các bài viết bình luận về hành động bất hợp pháp này của Trung Quốc. Ngày 17/01/2014, trong một cuộc phỏng vấn của báo “Một thế giới”, Giáo sư Carl Thayer (Học viện Quốc phòng Úc), người đã tham gia Hội thảo về Hoàng Sa do Đại học Phạm Văn Đồng tổ chức tháng 4/2013 đã đưa ra những ý kiến rất rõ ràng tôi đánh giá là cộng đồng quốc tế sẽ muốn thấy tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa được giải quyết hòa bình theo luật pháp quốc tế, mà không có sự ép buộc hay đe dọa sử dụng vũ lực. Ông phê phán mạnh mẽ các hành động đơn phương gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông: “theo luật pháp quốc tế, nếu có tranh chấp chủ quyền đối với lãnh thổ, các bên liên quan tới tranh chấp không được phép thực hiện các hành động đơn phương và phải hợp tác với các bên khác”. Giáo sư Carl Thayer nhấn mạnh: “Hội thảo do Đại học Phạm Văn Đồng tổ chức vào năm ngoái đã đưa ra các thông tin rất quan trọng về Đội Hoàng Sa và các học giả nước ngoài cũng được đưa tới đảo Lý Sơn; tôi đề nghị nên tiếp tục tổ chức các hội nghị như vậy và mỗi hội thảo nên có ảnh hưởng cụ thể và riêng biệt để xác định các vấn đề cốt lõi trong tuyên bố chủ quyền của Việt Nam”. Ông cho rằng: “có lẽ bây giờ là thời điểm tốt nhất để tổ chức một chuỗi các hội thảo trong nước dành cho học giả Việt Nam ở trong và ngoài nước, cụ thể là những người có hiểu biết về chính quyền Sài Gòn cũ; Việt Nam cũng nên xem xét việc tổ chức một buổi hội thảo cho các nhà sử học của Việt Nam và Trung Quốc để nhìn nhận lại trận chiến Hoàng Sa năm 1974. Tất cả tham luận và nghiên cứu trong các hội thảo và hội nghị này nên được công bố cho công chúng. Có thể thông qua internet, DVD hoặc là sách”.

Có thể thấy năm nay là lần đầu tiên các hoạt động liên quan đến sự kiện Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm Hoàng Sa được diễn ra một cách bài bản, có tổ chức và khá rầm rộ. Điều đó cho thấy ý thức phải thu hồi quần đảo Hoàng Sa đang ngày càng tăng lên trong dân chúng cả ở quốc nội lẫn ngoại quốc. Các hoạt động kỷ niệm này có ý nghĩa quan trọng khơi dậy trong cộng động quốc tế về hành động sử dụng vũ lực bất hợp pháp của Trung Quốc để thôn tính quần đảo Hoàng Sa và làm thất bại âm mưu của nhà cầm quyền Bắc Kinh trong việc “làm chìm” sự kiện này hòng chiếm đoạt Hoàng Sa của Việt Nam.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới