Wednesday, January 15, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiThấy gì qua chuyến công du Châu Á sắp tới của Tổng...

Thấy gì qua chuyến công du Châu Á sắp tới của Tổng thống Obama?

BienDong.Net: Ngày 12.2, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama sẽ có chuyến công du đến bốn nước Châu Á bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Philippines vào cuối tháng Tư trong nỗ lực nhằm tăng cường gắn kết ngoại giao, kinh tế và an ninh của Hoa Kỳ với các nước trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương”.

Hồi tháng 10 năm 2013, ông Obama đã phải hủy toàn bộ chuyến thăm Châu Á bao gồm kế hoạch viếng thăm Malaysia, Philippines và tham dự hội nghị APEC tại Indonesia cũng như hội nghị thượng đỉnh Đông Á tại Brunei vì lí do chính phủ Mỹ đóng cửa.

 alt

Tổng thống Mỹ Barack Obama

BBC dẫn Thông cáo của Nhà Trắng cho biết tại Nhật Bản, ông Obama sẽ có cuộc gặp với Thủ tướng Shinzo Abe để bàn về hai chủ đề trọng tâm là Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và “một loạt các thách thức ngoại giao ở Châu Á và trên toàn cầu” – điều này cho thấy nghị trình chuyến thăm có thể sẽ bao gồm cả vấn đề tranh chấp chủ quyền giữa Trung – Nhật đối với nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông.

Tại Hàn Quốc, cuộc gặp của ông Obama với Tổng thống Park Geun-hye sẽ bàn về “những diễn biến gần đây ở Bắc Triều Tiên”, những nỗ lực giữa hai nước nhằm thúc đẩy phi hạt nhân hóa”, và việc thực thi hiệp định FTA Hàn Quốc – Hoa Kỳ.

Tại Malaysia, ông Obama sẽ có cuộc gặp với Thủ tướng Najib Razak nhằm thắt chặt quan hệ ngoại giao, kinh tế và quốc phòng giữa Hoa Kỳ với quốc gia mà Washington coi là “một đối tác quan trọng ở Đông Nam Á”.

Điểm dừng cuối cùng của Tổng thống Hoa Kỳ trong chuyến công du Châu Á là quốc gia đồng minh Philippines, nơi cuộc gặp của ông với Tổng thống Benigno Aquino sẽ bàn về vấn đề “hiện đại hóa liên minh quốc phòng của hai nước” và nỗ lực mở rộng quan hệ kinh tế.

Kể từ năm 2009, ông Obama đã có hàng loạt chuyến thăm đến các quốc gia Châu Á, kể cả Trung Quốc, trong cương vị tổng thống.

Vào năm 2011, ông tuyên bố Hoa Kỳ sẽ chuyển trọng tâm chính sách đối ngoại từ khu vực Trung Đông sang Châu Á, cùng với việc tăng cường sự hiện diện của quân đội nước này trong khu vực.

Hồi tháng Bảy năm 2013, Hoa Kỳ và Viêt Nam chính thức xác lập ‘quan hệ đối tác toàn diện’, sau cuộc hội đàm tại Nhà Trắng giữa Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang với Tổng thống Obama.

Hôm 9.2, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng cho biết Ngoại trưởng John Kerry sẽ thực hiện chuyến công du 6 ngày, từ 13 – 18/2 tới bốn quốc gia Châu Á, bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia và Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất.

Theo BBC, chuyến đi của ông John Kerry được cho là nhằm gây áp lực với Trung Quốc về vấn đề chủ quyền trên biển, cũng như thúc giục nước này có thêm nỗ lực để kiềm chế tham vọng hạt nhân của Bắc Triều Tiên trước thềm chuyến công du của Tổng thống Obama.

alt 

Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc trên biển Hoa Đông tháng 11.2013

Chuyến công du Châu Á của Ngoại trưởng Mỹ diễn ra vào lúc khẩu chiến Mỹ – Trung vẫn tiếp diễn về tính chất phi pháp của đường lưỡi bò mà Bắc Kinh sử dụng để khoanh vùng chủ quyền của họ trên Biển Đông và các động thái quyết đoán của Trung Quốc nhằm áp đặt yêu sách biển đảo của mình.

Channel News Asia dẫn lời một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ tháp tùng Ngoại trưởng Kerry trong chuyến công du lần này cho rằng, “cực kỳ không khôn ngoan đối với Trung Quốc khi có những hành động gây rối sự ổn định trong khu vực” và kêu gọi tất cả các bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, Hoa Đông nên khẩn trương làm rõ các tuyên bố của mình một cách phù hợp với luật pháp quốc tế, gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển.

Theo RFI, Trong buổi họp báo thường kỳ tại Washington, trả lời câu hỏi của một nhà báo về nội dung các vấn đề mà ông Kerry có thể bàn bạc với Trung Quốc, bà Marie Harf, Phó Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Mỹ chưa cho biết cụ thể, nhưng cho rằng ngoại trưởng Mỹ sẽ nhắc lại quan điểm chống lại việc dùng sức mạnh để giải quyết tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, từng được ông Daniel Russel, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Châu Á Thái Bình Dương, trình bày trước Tiểu ban Châu Á – Thái Bình Dương thuộc Ủy Ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ vào tuần trước.

Riêng về phản ứng của Trung Quốc trước nhận định công khai của ông Russel về việc tấm bản đồ đường 9 đoạn được Bắc Kinh dùng làm cơ sở để đòi chủ quyền trên Biển Đông là không phù hợp với luật pháp quốc tế, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ đã nhắc lại tuyên bố của ông Russel theo đó “tính chất khiêu khích trong một số hành động của Trung Quốc đã làm nảy sinh nhiều mối quan ngại trong vùng về ý đồ lâu dài của Trung Quốc”.

alt 

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry

Riêng về tấm bản đồ đường lưỡi bò, bà Harf cho biết là trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đã xác định rằng: “Căn cứ theo luật quốc tế, mọi đòi hỏi chủ quyền trên Biển Đông, như đường chín đoạn của Trung Quốc, phải lấy cơ sở từ các thực thể lãnh thổ đã được Luật Biển Liên Hiệp Quốc quy định, và luật quốc tế phải là cơ sơ duy nhất có giá trị để đòi hỏi chủ quyền trên Biển Đông”.

Theo báo Philstar ngày 12.2, trong chiến lược tái cân bằng của chính quyền Obama, Mỹ sẽ xác định vị trí là lực lượng vũ trang hàng đầu trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Tờ báo dẫn lời Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Samuel Locklear nói “Mỹ sẽ đưa tàu khu trục tốt nhất của mình tới đây, lực lượng tên lửa đạn đạo tốt nhất, máy bay tốt nhất và những quân nhân giỏi nhất đến đây”.

Người đứng đầu Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ phát biểu rằng điều này trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng hung hăng trong việc đòi yêu sách chủ quyền với hơn 80% diện tích Biển Đông, xâm phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế của các nước láng giềng.

BDN (tổng hợp)

RELATED ARTICLES

Tin mới