Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiVườn quốc gia Xuân Thủy ở vùng cửa sông Hồng

Vườn quốc gia Xuân Thủy ở vùng cửa sông Hồng

BienDong.Net: Hệ sinh thái vùng cửa sông là một trong những hệ sinh thái ven biển đặc sắc nhất nước ta. Cửa Ba Lạt, nằm trong hệ thống Vườn quốc gia (VQG) Xuân Thủy, là nơi con sông Hồng chảy về biển. Vườn quốc gia Xuân Thủy là một khu rừng ngập mặn thuộc khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng.

Đây là rừng ngập mặn đầu tiên ở Việt Nam được quốc tế công nhận theo công ước Ramsar, là rừng ngập mặn thứ 50 của thế giới.

Vườn quốc gia Xuân Thủy nằm ở phía đông nam huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Khu vực vùng lõi của vườn là diện tích đất ngập mặn trên ba cồn cát cửa sông là cồn Ngạn, cồn Lư và cồn Xanh thuộc xã Giao Thiện. Toàn bộ vùng đệm và vùng lõi của vườn nằm trên địa phận các xã Giao Thiện, Giao An, Giao Lạc, Giao Xuân và Giao Hải. Diện tích toàn bộ vườn khoảng 7.100 ha, gồm: 3.100 ha diện tích đất nổi có rừng và 4.000 ha đất rừng ngập mặn.

Nơi sông Hồng gặp biển

Cách đây gần một thế kỷ, nhà nghiên cứu Pierre Gourou, Viện Viễn Đông Bác cổ (Pháp) đi khảo sát thực địa và tính toán, bãi cửa sông Hồng phía bên Nam Định đã lấn ra biển gần 1 km từ năm 1895. Còn bên kia cửa sông Hồng thuộc huyện Tiền Hải, một bản đồ in năm 1901 cho thấy biển lùi ra gần 2 km. Thời điểm Pierre Gourou nghiên cứu, tuy vùng đất mới được bồi đắp ở cửa Ba Lạt này còn là vùng cồn bãi sình lầy, nhưng đã lưa thưa người ra mưu sinh bằng nghề biển. Những người già ở vùng cửa Ba Lạt kể rằng, khoảng thời gian trước năm 1970, dòng chính của sông Hồng tại cửa Ba Lạt chảy ở lạch Bắc hiện nay. Tuy nhiên, trận mưa lũ lịch sử năm 1971 đã dâng tràn nước sông Hồng và dòng chảy cuộn xiết của lũ đã xoáy tung dải cát bồi tụ giữa Cồn Lu với Cồn Vành, tạo ra luồng cửa sông mới. Sau đó, các trận mưa lũ và đặc biệt là đợt bão lụt mùa thu năm 1973 đã tiếp tục mở rộng luồng sông này. Từ phía bắc, dòng chủ lưu ở cửa sông Hồng đã đổ sang luồng dẫn mới, một số lạch phụ hai bên cửa sông như lạch Trà, lạch Vọp, lạch Bắc ngày nay chính là dấu tích xưa…

 

Hệ sinh thái cửa sông – Điểm du lịch hấp dẫn du khách

Những bãi bồi do phù sa của sông Hồng đã tạo cho nơi đây nhiều lợi thế về tài nguyên thiên nhiên đa dạng sinh học và các khu dân cư trên địa bàn cửa Ba Lạt được hình thành và phát triển. Các hệ sinh thái tự nhiên được hình thành, các loài chim di cư ngày một nhiều.

Thiên nhiên đã ban tặng cho VQG Xuân Thủy một hệ sinh thái đất ngập nước điển hình của vùng cửa sông Hồng, các loài động, thực vật đặc trưng, đặc biệt là các loài thủy sinh, các loài chim nước và chim di trú. Hệ sinh thái rừng ở VQG Xuân Thủy bao gồm rừng ngập mặn trên các bãi triều bùn lầy và rừng phi lao trên các giồng cát ở má ngoài Cồn Lu đã phát huy vai trò phòng hộ đê biển, ổn định khí hậu, tạo môi sinh an lành, cung cấp thức ăn và là vườn ươm giống lý tưởng cho các loài thủy sinh ở khu vực.

Nhiều loài thủy sản có giá trị bảo tồn đa dạng sinh học cao và giá trị kinh tế lớn, tập trung chủ yếu tại khu vực vùng lõi của VQG Xuân Thủy. Các loài chim, thú và động vật hoang dã phong phú được cộng đồng quốc tế quan tâm như cò Thìa, Rẽ mỏ thìa (hai loài chim di trú quý hiếm nằm trong sách Đỏ quốc tế) và rất nhiều các loài chim di trú khác tại VQG Xuân Thủy tạo nên một quần thể sinh thái lớn nhất tại Việt Nam. Bên cạnh đó, VQG Xuân Thủy được tổ chức Bảo tồn chim quốc tế công nhận là một vùng bảo tồn các loại chim quý hiếm, tạo cho nơi đây có điều kiện phát triển kinh tế và khai thác tiềm năng du lịch sinh thái khám phá.

Các hoạt động du lịch cộng đồng như: tham quan các mô hình sinh kế, hoạt động đánh bắt và nuôi trồng thủy sản bền vững, sự kết hợp giữa hoạt động khám phá thiên nhiên và văn hóa bản địa đem đến cho du khách cảm giác gần gũi với thiên nhiên. Đồng thời các hoạt động du lịch khám phá văn hóa bản địa sẽ góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch tại khu vực VQG Xuân Thủy, nhất là vào mùa hè không có chim di trú, tạo cho nơi đây cơ hội mỗi năm thu hút hàng triệu khách du lịch trong nước và quốc tế.

Dồi dào tiềm năng kinh tế, văn hoá

 

Thu hoạch ngao trong vùng đệm tại cửa Ba Lạt ở xã Giao Xuân (Giao Thủy)

Trải qua nhiều năm tháng phát triển, dân cư địa phương đã tạo lập nên những làng quê trù phú ven biển. Các mô hình sinh thái như: nuôi trồng thủy, hải sản, nghề cá và những công trình kiến trúc độc đáo của cư dân như: nhà bổi, hay công trình tôn giáo chùa chiền và nhà thờ pha trộn hài hòa giữa kiến trúc truyền thống và kiến trúc hiện đại, sự giao thoa phong cách kiến trúc phương Đông và phương Tây, cùng với tập quán nuôi trồng và khai thác nguồn lợi thủy sản từ hệ thống đầm tôm và vây vạng rộng hàng nghìn ha đã tạo nên những nét văn hóa riêng.

Khu vực cửa Ba Lạt còn tiêu biểu cho nền văn hóa mở đất của cư dân ven biển vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng và là một trong những chiếc nôi của nền văn minh lúa nước. Những sinh hoạt văn hóa, văn nghệ cộng đồng như: chèo cổ, chầu văn, bơi chải, múa lân, chọi gà hay đấu vật… khi lễ hội, cùng với sinh hoạt thường nhật của cộng đồng đã gắn kết mọi người với nhau trong mối quan hệ mật thiết “tình làng, nghĩa xóm”.

Cùng với phát triển văn hoá, các dự án vùng đệm của VQG Xuân Thủy, những năm qua các khu dân cư sinh sống quanh khu vực VQG Xuân Thủy đã có nhiều biện pháp thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Xã Giao Hải là một trong 5 xã thuộc vùng đệm, có diện tích đất tự nhiên 555,1 ha với dân số 7.350 khẩu. Nghề chính của người dân nơi đây là sản xuất nông nghiệp. Cũng như nhiều địa phương khác trong vùng được thiên nhiên ban tặng cho vùng đất bãi bồi phù sa màu mỡ và nguồn lợi thủy sản lớn đã giúp người dân cải thiện cuộc sống.

Trong 10 năm qua, địa phương đã nhận được các nguồn lực hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng của Chính phủ và các chương trình hỗ trợ của Liên minh đất ngập nước (WAP); Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng (MCD)… kết hợp với nguồn ngân sách địa phương, sự đóng góp của nhân dân đã tập trung xây mới, nâng cấp các công trình cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ đời sống dân sinh như: Trung tâm học tập cộng đồng; trạm y tế; trường học; khu xử lý rác thải tập trung; NVH xóm; đường giao thông liên thôn… Từ các chương trình hỗ trợ của dự án đã làm diện mạo nông thôn nơi cửa biển không ngừng đổi mới, chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được nâng lên. Cũng từ sự hỗ trợ đó, nhận thức của bà con về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên VQG Xuân Thủy được nâng lên, góp phần khai thác và phát huy hiệu quả các chương trình hỗ trợ vào việc phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

 

Thuyền về bến cá Giao Hải (Giao Thủy)

Trong hơn 10 năm (2003 – 2013) tại VQG Xuân Thủy, nhiều chương trình, dự án đã được đầu tư cơ sở hạ tầng, từng bước được xây dựng và hoàn thiện, nhiều sinh kế mới bền vững giúp bộ mặt nông thôn tại các xã vùng đệm có những bước phát triển vượt bậc. Các loài chim di cư đang về VQG Xuân Thủy. Mặc dù vậy vẫn có những lời cảnh báo về sự suy giảm môi trường, buộc ban quản lý VQG phải tăng cường công tác quản lý và bảo vệ để cho khu VQG này ngày càng phát huy vai trò sinh thái và kinh tế xã hội của nó.

BDN (theo báo Nam Định và các báo quốc nội)

RELATED ARTICLES

Tin mới