Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiHOA KỲ MẠNH MẼ PHẢN ĐỐI YÊU SÁCH “ĐƯỜNG LƯỠI BÒ” VÀ...

HOA KỲ MẠNH MẼ PHẢN ĐỐI YÊU SÁCH “ĐƯỜNG LƯỠI BÒ” VÀ CÁC HÀNH ĐỘNG QUÁ KHÍCH CỦA TRUNG QUỐC Ở BIỂN ĐÔ

BienDong.Net: Đáp lại những hành động cứng rắn của Trung Quốc ở Biển Đông, từ đầu năm 2014 trở lại đây, Hoa Kỳ tỏ thái độ ngày càng mạnh mẽ hơn trên vấn đề Biển Đông. Điều đó được thể hiện rõ qua các phát biểu của các quan chức Chính phủ cũng như Quốc hội Hoa Kỳ.

Trong vòng chưa đầy 1 tháng (từ 14/01 đến 05/2/2014), Hạ viện Hoa Kỳ đã liên tiếp tổ chức 2 cuộc điều trần về an ninh biển ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Tại các cuộc điều trần, hầu hết các Hạ nghị sỹ tham dự đều tỏ bất bình và lo ngại trước các hành động ngày càng leo thang của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông.

Đặc biệt trong phát biểu điều trần tại Hạ viện Hoa Kỳ hôm 05/2/2014, ông Daniel Russel, Trợ lý Ngoại Trưởng Hoa Kỳ đã đưa ra một cách khá toàn diện quan điểm của Hoa Kỳ về tình hình Biển Đông và những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Trong phát biểu của mình, ông Daniel Russel đã lên tiếng mạnh mẽ chỉ trích việc Trung Quốc có những hành động đơn phương khiêu khích, gây bất ổn ở Biển Đông. Ông Daniel Russel đã nhắc lại các vụ việc gây hấn của Trung Quốc đối với các nước láng giềng ở Biển Đông từ năm 2012 trở lại đây như việc Trung Quốc gây hấn với Philippines và chặn lối ra vào khu vực bãi cạn Scarborough; gây sức ép đối với sự có mặt lâu nay của Philippines ở bãi Cỏ Mây; mời thầu các lô hydrocarbon tại khu vực gần với lục địa của quốc gia khác (9 lô dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam) và thậm chí cách xa các hòn đảo mà Trung Quốc yêu sách; tuyên bố các khu vực hành chính và thậm chí cả quân sự trên các vùng tồn tại tranh chấp tại Biển Đông (thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”); gia tăng chưa từng thấy hoạt động nguy hiểm của các cơ quan biển Trung Quốc gần quần đảo Senkaku; sự áp đặt đột ngột, thiếu sự phối hợp và đơn phương các quy định lên vùng trời tranh chấp trong trường hợp Khu vực nhận diện phòng không tại Biển Hoa Đông; và sự điều chỉnh gần đây các quy định đánh bắt cá bao phủ các khu vực tranh chấp tại Biển Đông (tỉnh Hải Nam ban hành Biện pháp thực thi Luật ngư nghiệp Trung Quốc). Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh: “Những hành động này đã làm gia tăng căng thẳng tại khu vực và những mối quan ngại về mục tiêu của Trung Quốc tại Biển Đông và Biển Hoa Đông”; đồng thời khẳng định “Trước hết chúng ta (Hoa Kỳ) có lập trường mạnh mẽ đối với hành vi liên quan đến bất kỳ một yêu sách nào và kiên quyết phản đối việc đe dọa, sử dụng vũ lực hay vũ trang để đòi hỏi yêu sách chủ quyền. Thứ hai, chúng ta có quan điểm mạnh mẽ rằng yêu sách biển phải phù hợp với luật tập quán quốc tế”.

Điểm nổi bật là ông Daniel Russel đã lần đầu tiên phê phán trực diện yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông. Ông Daniel Russel nói: “Có một mối quan ngại ngày càng lớn về mô thức ứng xử tại Biển Đông thể hiện nỗ lực ngày càng tăng của Trung Quốc nhằm khẳng định quyền kiểm soát đối với khu vực nằm trong cái gọi là “đường đứt khúc 9 đoạn”, bất chấp sự phản đối của các quốc gia láng giềng và bất chấp sự thiếu hụt bất cứ lời giải thích hoặc cơ sở rõ ràng nào theo luật quốc tế liên quan đến chính phạm vi của yêu sách này. Sự thiếu rõ ràng của Trung Quốc liên quan đến các yêu sách của nước này tại Biển Đông đã tạo nên sự không chắc chắn, bất an và bất ổn tại khu vực. Điều này làm hạn chế triển vọng đạt tới một giải pháp tất cả đều có thể chấp nhận được hoặc những dàn xếp khai thác chung công bằng giữa các bên có yêu sách. Tôi muốn nhấn mạnh quan điểm rằng theo luật quốc tế, các yêu sách trên biển tại Biển Đông phải xuất phát từ các cấu trúc đất. Bất kỳ việc sử dụng “đường 9 đoạn” nào của Trung Quốc nhằm yêu sách các quyền trên biển không dựa trên các yêu sách cấu trúc đất đều không phù hợp với luật pháp quốc tế. Cộng đồng quốc tế sẽ hoan nghênh nếu Trung Quốc làm rõ hoặc điều chỉnh “đường 9 đoạn” của mình nhằm đưa yêu sách này phù hợp với luật biển quốc tế”.

Bên cạnh đó, ông Daniel Russel lên tiếng mạnh mẽ ủng hộ việc các bên tìm cơ chế giải quyết tranh chấp theo công ước Luật biển 1982 như việc Philippines nộp đơn lên Tòa Trọng tài quốc tế.

Các nhà phân tích quốc tế cho rằng ông Daniel Russel đã chọn thời điểm rất nhạy cảm để nói rõ quan điểm của Mỹ đối với yêu sách “đường lưỡi bò” và vụ kiện của Philippines. Trong bối cảnh vụ kiện của Philippines sắp bước vào giai đoạn then chốt, xem xét thẩm quyền của Tòa đối với các nội dung khởi kiện của Philippines, trong đó quan trọng nhất là xem xét về “đường lưỡi bò” thì phát biểu của ông Daniel Russel là sự ủng hộ mạnh mẽ nhất của Hoa Kỳ đối với vụ kiện của Philippines. Điều này thôi thúc các quan tòa của Tòa Trọng tài phải xem xét một cách nghiêm túc đơn khởi kiện của Philippines, nhất là về yêu sách “đường lưỡi bò”, một nội dung chính trong đơn kiện của Philippines.

Trước đó, Hoa Kỳ đã phản ứng mạnh mẽ trước thông tin về khả năng Trung Quốc thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông với quần đảo Hoàng Sa là trung tâm và mở rộng bao trùm gần hết Biển Đông.

Trong một cuộc phỏng vấn hãng thông tấn Kyodo của Nhật ngày 30/01/2014, ông Evan Medeiros, Giám đốc cao cấp về Châu Á của Hội đồng An ninh quốc gia đã tuyên bố: “Hoa Kỳ chống lại việc Trung Quốc thiết lập ADIZ mới tại các khu vực khác, bao gồm cả Biển Đông”. Ông Evan Medeiros cảnh báo nếu Trung Quốc tiếp tục thiết lập ADIZ mới thì đó là một sự khiêu khích, gây bất ổn và sẽ khiến Hoa Kỳ phải có những thay đổi về sự hiện diện và bố trí quân sự ở Châu Á.

Tiếp đó, ngày 31/01/2014, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Marie Harf nhấn mạnh: “mặc dù thông tin về việc Trung Quốc thiết lập ADIZ chưa được kiểm chứng, nhưng Hoa Kỳ coi một hành động như vậy của Trung Quốc là khiêu khích và đơn phương, gây căng thẳng và tạo ra sự hoài nghi lớn về cam kết của Trung Quốc trong xử lý các tranh chấp lãnh thổ thông qua con đường ngoại giao. Quan điểm rõ ràng của Hoa Kỳ là các bên cần kiềm chế tuyên bố ADIZ hay bất kỳ quy định hành chính nào hạn chế hoạt động của các bên khác trong các tranh chấp lãnh thổ tại khu vực”.

Đặc biệt, ngay trước buổi điều trần tại Hạ viện Hoa Kỳ, trong một cuộc họp báo ngày 04/01/2014, Trợ lý Ngoại Trưởng Daniel Russel khẳng định: “Chính quyền Obama đã bày tỏ quan điểm rõ ràng là sẽ không công nhận một ADIZ do Trung Quốc thiết lập ở Biển Đông, giống như ở Hoa Đông. Chính phủ Hoa Kỳ sẽ không có bất kỳ sự thay đổi nào, bao gồm cách thức tiến hành các chiến dịch quân sự tại khu vực nếu như Trung Quốc thiết lập ADIZ ở Biển Đông. Hoa Kỳ cho rằng một hành động như vậy của Trung Quốc là không phù hợp với ổn định khu vực và sẽ làm gia tăng căng thẳng, tăng nguy cơ tính toán sai, đối đầu hoặc tai họa; một hành động như vậy của Trung Quốc còn đe dọa gây cản trở tự do bay trong không phận quốc tế tại Biển Đông. Hoa Kỳ đã kêu gọi Trung Quốc không thiết lập ADIZ ở Biển Đông. Chính phủ Hoa Kỳ đã bày tỏ quan ngại trước việc Trung Quốc đơn phương áp đặt hạn chế với tàu cá nước ngoài hoạt động tại vùng biển quốc tế và các khu vực tranh chấp ở Biển Đông; Trung Quốc cần đưa ra tuyên bố chủ quyền dựa theo luật pháp quốc tế, đặc biệt Công ước Liên hợp quốc về Luật biển; những quy định mới đây của Trung Quốc càng cho thấy sự quyết đoán của nước này tại Biển Đông và gây lo ngại cho các nước láng giềng của Trung Quốc”.

Hoa Kỳ đã không còn đề cập một cách chung chung như trước đây mà đã nêu đích danh các hành động và các yêu sách cụ thể của Trung Quốc ở Biển Đông. Rõ ràng Hoa Kỳ không còn e ngại trong việc chỉ trích đích danh Trung Quốc. Đây là một sự điều chỉnh trong quan điểm của Hoa Kỳ trên vấn đề Biển Đông.

Những phát biểu với lời lẽ mạnh mẽ về tình hình Biển Đông gần đây của các quan chức Chính quyền và Quốc hội Hoa Kỳ phản ánh sự quan ngại thực sự của Hoa Kỳ trước những hành động ngày một leo thang của Trung Quốc ở Biển Đông. Hoa Kỳ cho rằng nếu im lặng, Trung Quốc sẽ tiếp tục lấn tới, ảnh hưởng đến lợi ích chiến lược của Hoa Kỳ ở khu vực. Nội dung những phát biểu liên quan đến Biển Đông cho thấy Hoa Kỳ không còn giữ quan điểm “trung lập trong các tranh chấp ở Biển Đông” mà đã nghiêng hẳn về phía các nước láng giềng của Trung Quốc ở Biển Đông. Rõ ràng những phát biểu này là một sự hậu thuẫn mạnh mẽ đối với các nước Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei trong việc đối chọi với những hành vi gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời thúc giục các nước này kiên quyết hơn chống lại những yêu sách, đòi hỏi phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông. Thái độ mạnh mẽ của Hoa Kỳ không chỉ khiến các nước ASEAN có sự đoàn kết nhất trí hơn trên vấn đề Biển Đông mà còn tác động tích cực đến thái độ và quan điểm của các nước khác, nhất là Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, Châu Âu… trên vấn đề Biển Đông. Nhìn tổng thể, thái độ mạnh mẽ của Hoa Kỳ trên vấn đề Biển Đông là có lợi cho việc duy trì hòa bình ổn định, bảo đảm tự do, an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông và có tác động nhất định trong việc kiềm chế hành động quá khích của Trung Quốc. Chắc chắn Trung Quốc sẽ tính toán hơn trong việc thực hiện ý đồ của họ ở Biển Đông. Việt Nam và các nước liên quan cần triệt để tận dụng những lợi thế này trong công cuộc bảo vệ các quyền và lợi ích của mình ở Biển Đông.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới