Friday, September 20, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiĐịa lý BiểnĐặc điểm địa lý và điều kiện tự nhiên của quần đảo...

Đặc điểm địa lý và điều kiện tự nhiên của quần đảo Hoàng Sa

BienDong.net: Quần đảo Hoàng Sa là một trong hai quần đảo xa bờ thuộc chủ quyền Việt Nam, có vị trí chiến lược quan trọng và nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú.

Quần đảo Hoàng Sa được biết đến với các tên gọi khác như Bãi Cát Vàng, Cồn Vàng, Đại Trường Sa, Vạn Lý Trường Sa, Parcel hay Pracel và tên quốc tế thường dùng là Paracels. Đây là quần đảo có vị trí chiến lược, án ngữ nhiều đường hàng hải và hàng không quốc tế quan trọng đi qua Biển Đông.

Quần đảo Hoàng Sa

Quần đảo gồm 37 đảo, đá, bãi cạn, bãi ngầm và một số đối tượng địa lý khác thuộc huyện Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng. Tổng diện tích phần nổi khoảng 10 km2, đảo lớn nhất là Phú Lâm, có diện tích khoảng 1,5 km2. Khu vực quần đảo Hoàng Sa thuộc vùng biển rộng khoảng 30.000 km2, nằm ngang bờ biển các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và một phần tỉnh Quảng Ngãi. Phạm vi quần đảo này được giới hạn bởi đảo Đá Bắc ở cực Bắc, bãi ngầm Ốc Tai Voi ở cực Nam, bãi cạn Gò Nổi ở cực Đông và đảo Tri Tôn ở cực Tây.

Các đảo tại đây được chia thành 2 cụm. Cụm Lưỡi Liềm có hình cánh cung hay lưỡi liềm, nằm ở phía Tây quần đảo, gần đất liền Việt Nam, gồm 08 đảo chính là Đá Bắc, Hoàng Sa, Hữu Nhật, Duy Mộng, Quang Ảnh, Quang Hòa, Bạch Quy, Tri Tôn và các bãi ngầm, mỏm đá. Cụm An Vĩnh được đặt tên theo xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, nằm ở phía Đông, bao gồm các đảo tương đối lớn đồng thời cũng là các đảo san hô lớn nhất Biển Đông như đảo Phú Lâm, đảo Cây, đảo Linh Côn, đảo Trung, đảo Bắc, đảo Nam, đảo Tây, đảo Hòn Đá…

Về khoảng cách tới đất liền Việt Nam, từ đảo Tri Tôn đến mũi Ba Làng An, tỉnh Quảng Ngãi khoảng 130 hải lý, đến huyện đảo Lý Sơn (Cù Lao Ré) tỉnh Quảng Ngãi khoảng 120 hải lý. Trong khi đó, khoảng cách từ đảo gần nhất của Hoàng Sa tới đất liền Trung Hoa xa gần gấp đôi (khoảng 235 hải lý) so với Việt Nam và tới bờ đảo Hải Nam khoảng 140 hải lý.

 

Hình ảnh bão lớn quét qua Hoàng Sa
(Ảnh: nld.vn

Hoàng Sa có khí hậu nhiệt đới, nóng ẩm, mưa nhiều, thường có sương mù và có nhiều giông bão. So với các vùng đất cùng vĩ độ trong lục địa, khí hậu tại Hoàng Sa khá điều hòa, không quá nóng về mùa hè, không quá lạnh về mùa đông. Độ ẩm thường trên 80%, lượng mưa trung bình khoảng 1.200 – 1.600 mm. Bão thường xuất hiện vào những lúc giao mùa, nhất là từ tháng 6 đến tháng 8. Gió mạnh đến hàng trăm km/gi, làm biển động dữ dội kéo dài trong nhiều ngày.

Nếu như Biển Đông được coi là “vịnh Ba Tư thứ hai” với trữ lượng dầu khí được Cục Quản lý thông tin năng lượng Mỹ (EIA) dự báo là nhiều hơn các nguồn tài nguyên chưa được khai thác của cả Châu Âu thì hầu hết trữ lượng dầu khí đó lại tập trung ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đặc biệt, Hoàng Sa còn được đánh giá là khu vực có tiềm năng về băng cháy (có tên khoa học là Natural hydrate hoặc Gas Hydrate), một nguồn năng lượng có hiệu suất cao, sạch và có khả năng thay thế các nguồn nhiên liệu hóa thạch truyền thống vốn đã gần cạn kiệt.

Trên thực tế, Hoàng Sa có nhiều mỏ phốt-phát có giá trị kinh tế cao. Các mỏ này được hình thành từ hỗn hợp chất đất gốc carbonate vôi kết hợp với các chất có gốc axit photphoric từ phân chim trong điều kiện khí hậu ẩm ướt. Tầng phốt-phát có hàm lượng từ 23-25% thậm chí 42%, có độ dày đến hơn một mét. Từ năm 1924-1926, các xí nghiệp Nhật Bản đã khai thác phốt-phát tại một số mỏ. Tuy nhiên, trữ lượng phốt phát tại đây vẫn còn khá nhiều.

Hoàng Sa còn có nguồn tài nguyên có thể tái sinh lớn. Theo nhà nghiên cứu La Fontaine, quần đảo là nơi sinh sống của các sinh vật như rùa, chim… và điều thú vị là các loài này đều có mặt ở Việt Nam, không có nhiều liên hệ với sinh vật ở Trung Quốc. Tại đây còn có tiềm năng lớn về khoáng sản và nguồn hải sản phong phú với nhiều loài có giá trị cao như tôm hùm, rùa, đồi mồi, bào ngư quý hiếm…

Theo các khảo sát về thảo mộc tại Hoàng Sa, hầu hết các loài thảo mộc ở đây đều du nhập từ đất liền của Việt Nam như cây mù u, cây bàng có nhiều ở Cù Lao Ré. Điều này không khó lý giải, vì sử sách thời Nguyễn ghi chép rõ, theo lệnh vua Minh Mạng binh lính Việt Nam đã trồng nhiều cây cối trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, để ngày sau cây cối cao to giúp người đi biển nhận biết mà tránh mắc cạn.

BDN (Tổng hợp từ sách, báo quốc nội)

RELATED ARTICLES

Tin mới